Thứ hai 19/05/2025 13:38

Không khoan nhượng với thực phẩm bẩn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù chế tài xử lý đối với vấn nạn kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn đã có, tuy nhiên nhiều đối tượng vì lợi nhuận kinh tế vẫn tiếp tục tuồn thực phẩm kém chất lượng vào thị trường.
Không khoan nhượng với thực phẩm bẩn
Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra đột xuất nhà hàng Thanh Mai tại TP Vĩnh Yên. Ảnh: Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc.

Xử lý các trường hợp kinh doanh thực phẩm bẩn

Trong khuôn khổ Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2025, nhiều vụ kiểm tra đột xuất của lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt kho hàng, điểm tập kết kinh doanh thực phẩm với hàng tấn, cho tới hàng chục tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc trà trộn vào các hàng hóa có nhãn mác, bao bì được cơ quan chức năng kiểm định… Điều này cho thấy, tình trạng cá nhân, DN, cửa hàng phân phối chạy theo lợi nhuận, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và bất chấp sức khỏe người dân vẫn diễn ra khá phổ biến.

Ngày 13/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 (Cơ động) phối hợp với Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, CA tỉnh Vĩnh Phúc, cùng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại TP Vĩnh Yên. Cơ sở bị kiểm tra là nhà hàng Thanh Mai (phường Đồng Tâm) do ông Bùi Văn Thảo trú tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 22 con lợn thịt đã mổ, bỏ nội tạng, với tổng trọng lượng khoảng 770 kg. Toàn bộ số thịt có dấu hiệu bốc mùi hôi thối, xuất huyết ngoài da, không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y và không đảm bảo ATTP theo quy định. Đội QLTT số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính, xác định hành vi vi phạm và phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn không đảm bảo an toàn.

Tại Hà Nội, ngày 9/5 vừa qua, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, CATP Hà Nội phối hợp Đội QLTT số 19, Cục QLTT Hà Nội phát hiện, thu giữ 1,5 tấn xúc xích do nước ngoài sản xuất, không hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng là anh H, ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, thừa nhận số hàng hóa được mua gom trôi nổi trên thị trường để tiêu thụ tại Hà Nội.

Trước đó, ngày 5/5, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội QLTT số 17 đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đối với điểm tập kết, kinh doanh thực phẩm tại đường Ngọc Hồi, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. Thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện 2.560kg trứng non, 200kg trứng gà, 3.050kg nầm heo, 1.200kg tràng heo (khoảng hơn 7 tấn) là thực phẩm đông lạnh chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ số hàng là anh L.H.P, ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Tổ công tác đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Mạnh tay xử lý

Liên quan đến vấn đề thực phẩm bẩn, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, MXH đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho thực phẩm bẩn hoành hành. Những quảng cáo đầy mời gọi về thực phẩm giá rẻ, “siêu sạch”, “nhà làm” không rõ nguồn gốc được tung ra ào ạt trên các trang MXH tiktok, facebook và nhiều nền tảng khác. Mặc dù đã có không ít trường hợp bị phạt, xử lý, nhưng các hình thức quảng cáo lách luật vẫn tràn lan và ngày càng tinh vi hơn.

Điều đáng nói, sự phổ biến của MXH đã khiến người tiêu dùng dễ bị lôi kéo nhất. Những lời quảng cáo ngọt ngào như “đảm bảo an toàn,” “siêu ngon siêu rẻ” đã khiến nhiều người mua sắm thiếu sự thận trọng. Không ít người tiêu dùng không hề biết rằng họ đang tiếp tay cho việc tiêu thụ thực phẩm bẩn, vô trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Ở đây, một lần nữa, trách nhiệm không chỉ nằm ở kẻ bán. Sự nhẹ dạ, cả tin và thói quen mua hàng theo trào lưu, theo “hot trend” của người tiêu dùng đã vô tình mở cửa cho thực phẩm không rõ nguồn gốc len lỏi vào bữa ăn hàng ngày. Chúng ta phẫn nộ với thực phẩm bẩn ngoài chợ, nhưng lại dễ dãi “chốt đơn” thực phẩm trôi nổi chỉ vì một clip dàn dựng hấp dẫn.

“Để xảy ra tình trạng trên là do cách làm của chúng ta hiện nay chưa khoa học, không kiểm soát ở sản xuất mà lại kiểm soát ở khâu bán lẻ là chính, tức là không kiểm soát ở gốc mà lại kiểm soát ở ngọn. Trong khi đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm vẫn theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa””, luật sư Đinh Thị Nguyên nói.

Cũng theo luật sư Đinh Thị Nguyên, Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có chất bảo quản là chất, hóa chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất… đã có. Tuy nhiên, mức phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với việc xử lý vi phạm hành chính; và nếu vượt mức quy định xử lý hành chính thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 317, Bộ luật Hình sự về tội “Vi phạm quy định về ATTP”, với khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này lên đến 20 năm tù. Tuy nhiên, hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự.

Liên quan đến chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm ATTP, luật sư ĐinhThị Nguyên kỳ vọng, việc tăng mức xử phạt gấp hai lần đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP được quy định tại Luật Thủ đô 2024 không chỉ thể hiện sự quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng trong thực hiện công tác bảo đảm ATTP, mà còn là chế tài mạnh với các đối tượng kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn. Khi đó, người tiêu dùng sẽ bớt đi nỗi lo về thực phẩm không an toàn.

Chế tài xử lý đã có, nhưng vẫn còn quá nhẹ. Để bóc tách “khối u” thực phẩm bẩn, cần thiết phải sử dụng liều thuốc “đắng hơn”, mạnh hơn. Đơn cử như việc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương, đơn vị quản lý, nếu như để phát hiện, tồn tại những cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn… Thậm chí, tăng mức xử lý vi phạm, xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm, có như vậy thực phẩm bẩn mới không còn đất sống.

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Đảm bảo an toàn thực phẩm khi vào Hè: cần sự chung tay của cả cộng đồng Đảm bảo an toàn thực phẩm khi vào Hè: cần sự chung tay của cả cộng đồng
Quy định kiểm tra Nhà nước đối với phụ gia, thực phẩm nhập khẩu Quy định kiểm tra Nhà nước đối với phụ gia, thực phẩm nhập khẩu
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động