Thứ năm 23/01/2025 20:23
Chuyện PCCC và những “chuồng cọp” trên cao

Bài 1: Lịch sử hình thành của những “chuồng nhốt người" khi hỏa hoạn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Chuồng cọp” vốn đã không còn xa lạ với người dân ở các thành phố lớn. Tuy nhiên những lợi ích của “chuồng cọp” lại phản tác dụng nếu như có hỏa hoạn xảy ra.

"Chuồng cọp" thường xuất hiện ở các nhà cao tầng, ở các khu tập thể cũ. Vốn đó là tiếng lóng chỉ những chiếc lồng bằng khung sắt gắn ngoài trời xung quanh các căn hộ, mục đích làm tăng diện tích sinh hoạt của căn hộ, khác với một ban công vốn đã có sẵn trong quy hoạch ngay từ lúc đầu, "chuồng cọp" là sự nới rộng diện tích căn phòng với cấu trúc vá víu.

Cái "chuồng cọp" cũng có lịch sử phát sinh của nó. Theo đó, bắt đầu từ thập niên 1960 trở đi, lượng người từ nông thôn và số lượng cán bộ công nhân viên chức được điều động công tác dồn về sinh sống và làm việc tại Hà Nội và các thành phố ở miền Bắc Việt Nam ngày một đông.

Để ổn định và phục vụ cho nhu cầu an sinh của tầng lớp này, Nhà nước đã cho tiến hành xây dựng các nhà cao tầng để phân chia cho cán bộ, viên chức. Các nhà thường có độ cao 4, 5 tầng với thiết kế 3 lầu, một trệt. Diện tích các phòng của tòa nhà tập thể này dao động từ 18 - 22m2, chỉ dành cho những người độc thân hoặc gia đình nhỏ.

Theo thời gian, nhân khẩu của các căn hộ tăng lên, diện tích sinh hoạt của các phòng trở nên chật chội. Để giải quyết nhu cầu sinh hoạt, người ta tăng diện tích bằng cách gắn ra phía ngoài ban công những lồng bằng sắt có mái che. Diện tích cơi nới thêm này được những người trong căn hộ sinh hoạt, sử dụng như các mặt bằng khác trong căn hộ. Từ những người tiên phong, dần dần những "chuồng cọp" này trở thành phổ thông, xuất hiện rất nhiều ở các khu nhà cao tầng kiểu cũ.

Bài 1: Lịch sử hình thành của những “chuồng nhốt người
Các "chuồng cọp" ở khu tập thể tại Thanh Xuân Bắc. Ảnh. N.D

Sự xuất hiện các "chuồng cọp" với nhiều kích cỡ, vật liệu tạo nên những khối sắt đa dạng phá vỡ cảnh quan của toàn khu vực. Việc tự do cải tạo căn hộ mình ở, việc dễ dàng cơi nới diện tích bằng những "chuồng cọp" khiến cả khu tập thể vốn là một khối bỗng chốc trở thành nơi mạnh ai người ấy sống. Người trên cao thì chiếm không gian làm "chuồng cọp", người ở dưới chẳng dựng được "chuồng cọp" thì chiếm đất để làm vườn, dựng bếp hay bán hàng.

Việc làm "chuồng cọp" có một thời gian như chuyện đương nhiên, thậm chí có thời điểm việc mua bán nhà còn cộng thêm cả diện tích cơi nới của "chuồng cọp". Và việc làm "chuồng cọp" quen thuộc đến nỗi, nhiều hộ di dân ra nơi ở mới, ở những khu đô thị mới cũng với tư duy sẽ làm chuồng cọp.

Theo anh Nguyễn Văn Thanh, một thợ hàn chuyên gia công "chuồng cọp" tại huyện Thạch Thất, cho biết, để làm "chuồng cọp" người ta phải đục tường, vách rồi hàn vào cốt thép của bê tông tòa nhà. Việc này ít nhiều ảnh hưởng đến cấu trúc, giảm tuổi thọ của công trình. Hơn nữa, việc thiết kế không theo tiêu chuẩn nào, vật liệu đa dạng đôi khi là những vật liệu tiết kiệm lấy được từ những công trình đã phá bỏ nên độ an toàn của chuồng cọp cũng rất khó nói.

Như một “sản phẩm” hình thành và phát triển đại trà trong một giai đoạn của lịch sử, "chuồng cọp" bấy lâu nay trở thành một vấn nạn ở các đô thị lớn. Những hình ảnh các tòa nhà cao tầng kiểu cũ, sập xệ vôi mốc nhưng “đeo” trên mình những "chuồng cọp" khiến cả con phố trở nên nhếch nhác, u ám.

Các tòa nhà đã ở đang xuống cấp lại càng trầm trọng khi gánh trên mình những khung sườn thêm nếm. Đó là chưa nói, việc những "chuồng cọp" này tồn tại là mối nguy rất lớn cho công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Đã có nhiều cái chết thương tâm từ "chuồng cọp" mà ra…

Qua rà soát của Công an quận Thanh Xuân, các khu nhà tập thể cũ trên địa bàn quận tập trung chủ yếu tại 6 phường. Các nhà tập thể cũ có đặc điểm chung đều được xây dựng từ những năm 1970-1980, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chắp vá, thiết bị điện nước… thiếu đồng bộ. Hầu hết khu nhà tập thể cũ chưa được trang bị các thiết bị báo cháy hiện đại.

Vừa qua, Công an quận Thanh Xuân đã thực hiện thí điểm vận động người dân phá bỏ “chuồng cọp” tại phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam. Riêng tại phường Thanh Xuân Bắc, có 61 nhà tập thể 5 tầng với 3.893 hộ dân sinh sống.

Công an quận, Ban Chỉ đạo 138 của phường đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ dân phố vận động các hộ gia đình mở “chuồng cọp”, làm cửa thoát hiểm, trang bị 100% bình chữa cháy tại gia đình, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy tại các chân cầu thang nhà tập thể cũ...

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động