Thứ năm 23/01/2025 11:19
Livestream không phải chuyện đùa:

Bài 1: Livestream và quyền lực ảo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không phải đến khi bà Nguyễn Thị Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) bị bắt người ta mới nói nhiều đến chuyện livestream, nói đến chuyện phạm pháp trên không gian mạng. Sự theo dõi, cổ súy của cộng đồng cho những buổi livestream “đình đám” của bà Hằng hoặc các streamer khác khiến họ tự khoác lên mình tấm áo của thứ quyền lực ảo…
Bài 1: Livestream và quyền lực ảo
Trang Trần đến nhà Hồ Văn Cường và livesteam chất vấn về chuyện cát sê

Trước đó, câu chuyện về những giang hồ mạng, những nghệ sĩ mượn facebook để chửi bới hay lan truyền những lối sống lệch lạc đã diễn ra từ rất sớm, tạo ra những nhức nhối, những thứ rác văn hóa trên mạng xã hội luôn cần phải dẹp bỏ.

Tự cho mình quyền phán xét người khác

Theo số liệu thống kê tính tới tháng 6-2021 của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và vẫn dẫn đầu danh sách các Mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam. Với số lượng người dùng trên các mạng xã hội như trên, Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 thế giới, lần lượt sau các nước: Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Mexico và Philippines.

Sự phát triển của người dùng facebook, cùng với sự lan truyền thông tin một cách nhanh chóng của mạng xã hội này khiến facebook hiện đang là một kênh chia sẻ quyền lực với báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, bởi mỗi facebook là do một cá nhân sở hữu, không bị quản thúc bởi một cơ quan cụ thể hoặc những bài viết không bị kiểm duyệt từ bất kỳ ai nên facebook là một kênh mà ở đây, mỗi cá nhân đều có thể trở thành “người phán xét”.

Cựu người mẫu Trang Trần được nhiều người biết đến có lẽ không phải do tài năng diễn xuất hay do thân hình chuẩn mẫu, mà người ta biết cô nổi tiếng bởi những livestream chửi tục, nói năng văng mạng cùng với những màn bóc phốt không e dè, nể nang ai. Dĩ nhiên mặc dù không được lòng của cộng đồng mạng, nhưng những hành xử thiếu văn hóa của Trang Trần vẫn khiến không ít người sử dụng facebook theo dõi. Những buổi livestream của Trang Trần mặc dù làm nhiều người khó chịu, song vẫn thu hút rất đông các tài khoản theo dõi, chứng kiến chỉ để… chửi góp, hoặc đơn giản chỉ để chửi tay đôi với cô để chứng tỏ mình.

Không chỉ chửi bới, lăng mạ những ca sĩ, nghệ sĩ trẻ, đã có lần Trang Trần dùng những lời lẽ thô tục, thóa mạ nghệ sĩ Xuân Hương. Không những thế, Trang Trần thậm chí hăm dọa, nếu nghệ sĩ Xuân Hương "dám" phản ứng trên Facebook, cô sẵn sàng tới nhà "xé xác" đàn chị.

Không dừng lại ở chuyện chửi bới, thóa mạ Trang Trần đã tự “thăng” mình lên, cho mình cái quyền tự phán xét người khác. Theo đó, tối 9 – 10 – 2021, Trang Trần đã livestream buổi “chất vấn” của cô với Hồ Văn Cường về chuyện sát sê. Trước mặt ca sĩ trẻ Hồ Văn Cường và mẹ ruột, cô đã bắt Cường nói rõ chuyện có nhờ người đòi lại tiền thưởng và cát-xê hay không. Sau khi Hồ Văn Cường chỉ lẳng lặng cúi đầu không đáp, Trang tiếp tục về nhà livestream mắng chửi, nói con nuôi của Phi Nhung là "vô ơn...

Giang hồ mạng với những lan truyền lối sống lệch chuẩn

Bài 1: Livestream và quyền lực ảo
"Giang hồ mạng" Khá Bảnh

Không cần là nghệ sĩ có tên tuổi, Ngô Bá Khả (1993, Bắc Ninh) được biết đến cái tên Khá Bảnh đã có thời điểm như một hiện tượng mạng xã hội. Thất học từ năm lớp 7, 17 tuổi phải vào trại giáo dưỡng vì chuyện đánh nhau, sau khi ra trại lại nổi tiếng với hành vi cố ý gây thương tích. Cũng lúc này, Khá Bảnh bắt đầu nổi đình nổi đám trên mạng xã hội với những clip, livestream chửi bậy, truy lùng các tài khoản mạng xã hội động chạm đến mình.

Thậm chí, các video cùng livestream của Khá Bảnh còn là những đoạn phim ngắn, những video đi xử lý vụ việc mang tính chất giang hồ.

Cùng với Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền (36 tuổi, Bắc Ninh), một đối tượng đã có tiền án, tiền sự bỗng dưng một ngày trở thành giang hồ mạng nổi tiếng với biệt danh "thánh chửi". Mỗi khi chứng kiến việc gì "chướng tai gai mắt", Dương Minh Tuyền lập tức quay clip chửi bới bằng những lời lẽ tục tĩu, sau đó đăng tải lên các nền tảng youtube và facebook làm thu hút hàng triệu lượt xem và có hàng ngàn lượt thích, bình luận đa chiều đến từ hầu hết khán giả là các bạn trẻ tuổi như thanh niên, học sinh.

Thậm chí, do có mâu thuẫn kèm với việc livestream xúc phạm, thách thức nhau trên mạng xã hội vào tháng 1 – 2021, xe ô tô của Tuyền đã bị 2 đối tượng dùng súng bắn đạn hoa cải bắn 3 phát vào đầu xe.

Mặc dù có những phát ngôn cũng như những lan truyền lối sống lệch chuẩn, phạm pháp trên mạng xã hội, thế nhưng những cái tên như Trang Trần, Khá Bảnh hoặc Dương Minh Tuyền vẫn được đông đảo dân cư mạng theo dõi, thậm chí cổ súy, thần tượng. Đơn cử khi Khá Bảnh ra tòa, hàng trăm người tụ tập, livestream và cố gắng lấy hình ảnh của đối tượng này trước khi vào phòng xử, thông tin Dương Minh Tuyền bị bắn được “đồng bọn” quan tâm đến mức Tuyền lại phải tổ chức riêng một buổi livestream để chứng tỏ mình… vẫn ổn. Và mặc dù nổi tiếng với việc chửi bới, lăng mạ, thậm chí cả hình ảnh xấu xí say xỉn, chống người thi hành công vụ, những buổi livestream của Trang Trần vẫn có đến hàng nghìn lượt bình luận với hàng trăm lượt chia sẻ …

Lượng người theo dõi nhiều, lượng cổ súy cũng lắm khiến những giang hồ mạng hoặc những người dùng facebook có cảm giác được tôn sùng, họ tự sống trong những hào quang của thứ quyền lực ảo. Và để thu hút càng nhiều người theo dõi cũng như tạo ra thế giới của riêng mình, những livestream lệch lạc ngày càng được thăng cấp...

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động