Thứ năm 23/01/2025 05:59
“Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”

Bài 1: Những hành vi ứng xử thiếu văn hoá khiến tình trạng giao thông trầm trọng hơn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại thủ đô Hà Nội, mỗi ngày có từ 106-112 vụ tai nạn giao thông. Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Do vậy, xây dựng văn hóa giao thông hay nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người chính là bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất…
Bài 1: Những hành vi ứng xử thiếu văn hoá khiến tình trạng giao thông trầm trọng hơn
1 ngày, thành phố Hà Nội có khoảng 650 xe máy, 230 ôtô phương tiện đăng ký mới. Ảnh: N.D

Vi phạm pháp luật vì thiếu văn hoá khi va chạm giao thông

Thực tế, văn hóa giao thông là đề tài không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ đối với xã hội hiện nay. Khi một cộng đồng cùng tham gia lưu thông trên đường, rất cần ý thức tự giác, cách hành xử có văn hóa của mỗi người để trật tự giao thông luôn được duy trì, đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của mỗi cá nhân. Dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục trong cộng đồng và Nhà trường về ý thức văn hóa khi tham gia giao thông nhưng trong thực tế khi xảy ra va chạm giao thông để có cách ứng xử bình tĩnh, êm đẹp thì không phải cá nhân nào cũng làm được.

Thực tế có nhiều vụ va chạm giao thông vì không khéo léo, ứng xử thiếu văn hoá đã đẩy lên đỉnh điểm với những va chạm giao thông nhỏ. Đã có nhiều những trường hợp mang thương tật không phải vì tai nạn mà do ẩu đả sau va chạm, thậm chí, không ít đối tượng còn chống đối, hành hung cả lực lượng chức năng.

Đã có nhiều những hậu quả đáng tiếc xảy ra, cũng có nhiều đối tượng vì thiếu đi nét văn hoá trong ứng xử mà từ những va chạm nhỏ đã phải đối mặt với phát luật. Đơn cử như vụ hai thanh niên có hành vi tạt đầu ôtô, đánh người vào ngày 25/2 trên đường Vành đai 2 Hà Nội.

Theo đó, khoảng 16h ngày 25/2, chị N.P.T.A (SN 1996, trú tại Long Biên, Hà Nội) đi ôtô BKS 30E-502.XX trên đường Vành đai 2 trên cao (hướng từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở). Khi đi đến đoạn phía trên cầu Mai Động (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì bị xe SH màu da cam BKS 29H1-747.XX do T.V.H (người lái xe SH, SN 1986, ở quận Hai Bà Trưng) và T.T (người ngồi sau xe, SN 1980, trú tại Ba Đình, Hà Nội) lạng lách tạt đầu xe ôtô.

Chưa dừng lại ở hành động đó, hai người đi xe máy còn đập vào xe của chị T.A rồi chửi bới.

Sau đó, H và T tiếp tục di chuyển trên đường Vành đai 2 trên cao và gây gổ với hai nam thanh niên trong xe ôtô BKS 30K - 840.XX.

Khi bị chặn đầu xe, hai nam thanh niên trên ôtô đã xuống xe đánh nhau với H và T. Lúc này, chị T.A đã quay lại video diễn biến sự việc.

Khai tại cơ quan chức năng, T.V.H, vào vào buổi trưa cùng ngày, H và T.T có uống rượu, bia với nhau rồi tham gia giao thông. Khi điều khiển xe máy đến đầu cầu Vĩnh Tuy (hướng về Ngã Tư Sở) thì có người lái ôtô màu trắng bất ngờ mở kính xe nhổ nước bọt vào người. H cho biết thời điểm đó không biết vì sao người đi ôtô lại làm vậy với mình.

Sau đó, H đã điều khiển xe máy truy đuổi theo chiếc ôtô màu trắng lên Vành đai 2 trên cao, liên tục đánh vong, tạt đầu các ôtô đi cùng chiều. Đến đoạn phía trên cầu Mai Động (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) thì Hphát hiện một người phụ nữ điều khiển ôtô nhãn hiệu I10 quay phim, chụp ảnh nên H đã lớn tiếng yêu cầu người này xóa video. Thấy người này không tắt máy nên Hvà T lao vào chửi bới, giật cửa, đấm đá vào cửa kính ôtô yêu cầu người này xuống xe nói chuyện.

Tiếp đó, H và T lên xe tiếp tục lạng lách, đánh võng cản trở xe của người phụ nữ trên. Lúc này, một xe ôtô màu trắng mang BKS 30K - 840.XX vượt lên và bấm còi nên H đuổi theo xe chửi bới.

Sau vụ việc đó, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự với T.V.H và T.T để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Bài 1: Những hành vi ứng xử thiếu văn hoá khiến tình trạng giao thông trầm trọng hơn
Hình ảnh H và T di chuyển, gây gổ trên vành đai 2 được camera ghi lại. Ảnh cắt màn hình.

Những hành vi ứng xử thiếu văn hoá khiến tình trạng giao thông trầm trọng hơn

Theo thống kê của cảnh sát giao thông TP Hà Nội, 1 ngày, thành phố Hà Nội có khoảng 650 xe máy, 230 ôtô phương tiện đăng ký mới. Tốc độ đô thị hoá ngày càng phát triển, gia tăng, học tập sinh sống làm việc, nhu cầu xe tăng cao nhưng hệ thống mặt đường không đảm bảo phương tiện và hệ thống cơ sở vật chất giao thông không đồng bộ. Một hiện trạng khác là lấn chiếm lòng đường vỉa hè, hành lang an toàn. Đây là thực trạng đáng báo động cần giải quyết.

Tại Thủ đô Hà Nội, mỗi ngày có từ 106-112 vụ tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông tăng đột biến, số vụ vi phạm về tai nạn giao thông lên cao, vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo báo cáo quốc gia về an toàn giao thông năm 2022, toàn quốc có gần 15.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 6.000 người, bị thương hơn 9.000 người. Gần 9.000 người bị tai nạn giao thông nằm trong độ tuổi đến trường.

Đáng nói, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đang tăng cao. Theo thống kê, trong số 2,8 triệu trường hợp bị xử lý vì vi phạm giao thông thì có đến 308 nghìn vụ vi phạm nồng độ cồn, chiếm 11%; 1.818 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, chiếm 0,06%. Đáng chú ý, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 169 vụ với 2.836 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.

Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Do vậy, xây dựng văn hóa giao thông hay nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người chính là bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, như đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè; đi bộ dưới lòng đường; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông…

Bày tỏ lo ngại về tình trạng này, chị Trương Thị Thuý, Hội viên Hội LHPN huyện Hoài Đức cho rằng, có 1 câu nói vui nhưng lại rất thực tế hiện nay ở Hà Nội. Đó là câu, tắc đường là “đặc sản” ở Hà Nội.

Hình ảnh ở những ngã ba, ngã tư luôn chật cứng phương tiện, chậm chạp ở giờ cao điểm; tiếng còi xe inh ỏi giữa làn khói bụi mịt mù; người khạc nhổ bừa bãi; thanh niên không nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ với tâm lý “mình không chen, thì người khác sẽ chen” đã sâu vào tiềm thức của người Việt khi tham gia giao thông. Những màn chen lấn xô đẩy đó không chỉ là đánh giá của người trong nước, mà còn được coi là “đặc sản” của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Điều này cho thấy, những hành vi ứng xử thiếu văn hoá khi tham gia giao thông này khiến cho tình trạng ùn tắc trở nên trầm trọng hơn.

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động