Cần kiểm soát tốt cảm xúc khi tham gia giao thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại cơ quan điều tra, Quách Minh Nhựt thừa nhận hành vi cố ý gây thương tích cho người khác trong quá trình tham gia giao thông. Ảnh: CACC |
Tính chất “côn đồ” rất rõ ràng
Ngày 18/12, CA quận 1, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng đối với Quách Minh Nhựt (33 tuổi, trú tại quận 6, TP Hồ Chí Minh) để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”.
Qua điều tra làm rõ, khoảng 11h30 ngày 14/12, Nhựt điều khiển ô tô đón vợ và mẹ ruột cùng con nhỏ đi ra từ Bệnh viện Từ Dũ. Khi đó, ông T điều khiển xe gắn máy chở con gái 16 tuổi qua khu vực này. Ô tô của Nhựt chạy chậm, sát lề phải gây cản trở xe gắn máy lưu thông phía sau, đồng thời ngã ba phía trước có tín hiệu đèn đỏ nên các phương tiện dừng lại. Khi tín hiệu đèn chuyển xanh, ông T nhắc nhở Nhựt di chuyển ô tô để nhường đường cho xe gắn máy.
Nghe ông T nhắc nhở và biết người đàn ông này khó chịu với mình. Vì thế Nhựt bức xúc, lúc nóng giận dẫn đến không kiểm soát được hành vi. Mở cửa xuống xe, Nhựt chửi bới, đánh liên tiếp 9 lần vào mặt và đầu ông T, khiến mũ bảo hiểm của ông này rớt xuống đường. Thấy ông T cầm mũ bảo hiểm định phản ứng lại, Nhựt bất chấp sự ngăn cản của người thân xông đến tiếp tục hành hung, vật ông này ngã xuống lòng đường. Khi những người xung quanh can ngăn, mẹ cùng vợ kéo trở lại ô tô thì Nhựt mới lái xe rời đi.
Theo dõi vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của Quách Minh Nhựt trong vụ việc đánh người giữa đường, khu vực trước cổng Bệnh viện Từ Dũ không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn thể hiện sự thiếu kiểm soát cảm xúc, coi thường pháp luật và sức khỏe người khác. Nhựt đã lao vào đánh liên tiếp vào đầu, mặt và vùng cổ ông T chỉ vì một câu nhắc nhở, hành động này diễn ra giữa nơi công cộng.
Về mặt pháp lý, hành vi của Nhựt có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội danh này được áp dụng khi một người có hành vi xâm phạm sức khỏe người khác bằng lỗi cố ý, đặc biệt khi có tình tiết tăng nặng là hành vi mang tính chất côn đồ nếu hành vi này không phải là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt. Trong vụ việc này, tính chất côn đồ rất rõ ràng. Nhựt tấn công nạn nhân một cách thô bạo, không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và thể hiện thái độ xem thường pháp luật.
Tuy nhiên, việc xác định áp dụng khung hình phạt nào phụ thuộc vào Cơ quan tiến hành tố tụng và dựa trên tỷ lệ thương tật của nạn nhân theo kết quả giám định pháp y. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc có tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng hành vi có tính chất côn đồ, khung hình phạt sẽ từ 6 tháng đến 3 năm tù. Nếu thương tật từ 31% đến 60%, mức phạt sẽ tăng lên từ 2 đến 6 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, ông T hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại bao gồm: chi phí khám chữa bệnh, chi phí phục hồi sức khỏe, thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong quá trình điều trị và cả tổn thất tinh thần do bị xâm phạm sức khỏe. Ngoài ra, với việc bị đánh giữa nơi công cộng và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, danh dự và nhân phẩm của ông T cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, ông T có thể yêu cầu Quách Minh Nhựt bồi thường tổn thất tinh thần, đồng thời buộc Nhựt phải xin lỗi công khai để khôi phục danh dự cho ông T.
Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân
Thời gian qua liên tiếp các vụ việc tài xế hành hung người đi đường gần đây, từ người đàn ông đánh phụ nữ khi có va chạm xe trên đường tại quận 4, cho tới nam tài xế đi xe bán tải hành hung tài xế xe tải tại Bình Phước và tài xế hành hung người đi đường trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, là minh chứng rõ nét cho hậu quả của việc thiếu kiềm chế cảm xúc khi tham gia giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho hay, hiện nay có không ít lái xe tham gia giao thông trong trạng thái khó chịu, stress và tức giận. Một số lái xe khác vừa sử dụng điện thoại nhắn tin, gọi điện… Rồi cũng có lái xe không tức giận nhưng lại gây ra tức giận cho người khác chỉ vì họ là lái xe mới. Ví như họ vào cua chậm, ngập ngừng khi chuyển làn, thiếu lịch sự khi bóp còi…
Tất cả những yếu tố này được nhìn nhận như một hành vi khiêu khích và gây hấn cho người tham gia giao thông. Thậm chí, đó chính là "mồi lửa" cho những hành vi tức giận của lái xe khác. “Và khi rơi vào hoàn cảnh nêu trên, nhiều lái xe kiểm soát cảm xúc khi ra đường không tốt. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ ẩu đả đằng sau những vụ va chạm giao thông” - chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, một nguyên nhân khác nữa là do tâm lý “quyền lực” khi lái xe. Nhiều người xem chiếc xe như một phần mở rộng của bản thân nên bất kỳ va chạm nào cũng bị coi là sự xúc phạm cá nhân. Điều này dễ khiến tài xế phản ứng mạnh mẽ và mất kiểm soát khi xảy ra va chạm giao thông. Cuối cùng là văn hóa, ý thức khi tham gia giao thông của các tài xế. Tại Việt Nam, sự phổ biến của thói quen “đổ lỗi” thay vì bình tĩnh giải quyết càng làm vấn đề nghiêm trọng hơn và hậu quả là dẫn tới các vụ va chạm, ẩu đả.
Trong khi đó, TS Khương Văn Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho hay, phần lớn các vụ va chạm, hành hung, đánh nhau sau va chạm gia thông đều liên quan tới ý thức, văn hóa tham gia giao thông của tài xế. Khi tham gia giao thông trong điều kiện đông đúc, kẹt xe hay va chạm giao thông, lái xe thường có những phản ứng tiêu cực hoặc dùng vũ lực để giải quyết vấn đề. Đây là những hành vi không tốt, thể hiện ý thức, văn hóa tham gia giao thông yếu kém, thậm chí là còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Các hành vi này thể hiện đạo đức của người lái xe, mà ẩn sâu trong đó là việc đào tạo đối với lái xe, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật tới các thế hệ trẻ khi tham gia giao thông” - TS Khương Văn Tạo chia sẻ.
TS Khương Văn Tạo cho rằng, giáo dục Luật giao thông đường bộ tới người dân cần đi đôi với việc nâng cao nhận thức về văn hóa và thái độ ứng xử trong giao thông. Hai yếu tố này không thể tách rời, bởi chỉ khi người dân vừa hiểu luật vừa biết cách hành xử văn minh, môi trường giao thông mới thực sự an toàn và văn minh.
Bài học đắt giá về văn hóa giao thông Vụ việc va chạm giao thông mới đây xảy ra tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cần được xem như một bài học ... |
Kỳ 3: Tuyên truyền kết hợp xử phạt nghiêm Để xử lý căn bệnh “trầm kha” của giao thông Thủ đô, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân tuyên truyền, nhắc nhở ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại