Thứ năm 23/01/2025 02:40

Cẩn trọng với thực phẩm không rõ nguồn gốc dịp cuối năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lễ, tết là dịp sum vầy, đoàn tụ, đây cũng là dịp mỗi gia đình quây quần bên mâm cỗ tết. Để có những giây phút trọn vẹn bên người thân những ngày tết, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý thì vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện cần lưu tâm để đảm bảo sức khỏe.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra lô hàng hóa vi phạm tại đường La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: T.P
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra lô hàng hóa vi phạm tại đường La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: T.P

Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của CATP Hà Nội, ngày 23/12, đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất kinh doanh đối với điểm tập kết, kinh doanh tại số 5, số 6 ngõ 182 và số 24 ngõ 279 đường La Phù, huyện Hoài Đức, do Phạm Thị Như Lan (SN 1989, trú tại thôn 4, xã Canh Lậu, huyện Thạch Thất) làm chủ.

​Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm bánh, kẹo, hạt ngũ cốc... không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp cao điểm mua sắm Tết.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh, làm rõ vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật. CATP Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, xử lý để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo thị trường tết Nguyên đán diễn ra minh bạch, an toàn.

Cùng với bánh kẹo, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhà làm bán tràn lan trên mạng xã hội được người tiêu dùng mua theo “niềm tin”, nguồn gốc không đầy đủ, rõ ràng cũng là nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Một điều nguy hiểm là các thực phẩm nhà làm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm và không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần cũng như nguồn gốc nguyên liệu. Người bán đồ ăn chỉ cam kết chất lượng bằng miệng. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đều chế biến tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

Theo lời khuyên từ chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng cần tham khảo những lưu ý về an toàn thực phẩm và biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biêt là trong dịp lễ tết cuối năm. Chuyên gia cho rằng, nên mua vừa đủ, mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Vào những dịp trước Tết thì nguồn cung ứng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, sản phẩm bánh kẹo, đồ chế biến sẵn rất dồi dào với đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, chúng ta cần lựa chọn sản phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chọn các điểm mua sắm đảm bảo.

Các chợ, siêu thị thường đã mở cửa sau mùng 2 Tết, thậm chí có cửa hàng bán xuyên Tết, do đó việc mua sắm, tích trữ thực phẩm là không cần thiết, gây lãng phí mà có thể không an toàn. Việc bảo quản thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín có thể gây nhiễm chéo vi khuẩn gây bệnh.

Đặc biệt lưu ý, cẩn thận khi mua thực phẩm chế biến sẵn từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Mấy năm gần đây hoạt động mua bán đồ ăn, thực phẩm chế biến sẵn trên những nền tảng xã hội như facebook, zalo trở nên phổ biến, và đặc biệt nhộn nhịp trong những dịp tết đến xuân về khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Có nhiều cơ sở kinh doanh cung cấp các thực phẩm có hương vị thơm ngon, sạch sẽ.

Tuy nhiên, do các thực phẩm này chủ yếu được sản xuất theo kiểu thủ công tại hộ gia đình nhỏ lẻ với điều kiện hạn hẹp về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ có thể gây mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là khi đơn đặt hàng vượt quá khả năng sản xuất chế biến.

Nếu có thời gian để chế biến thực phẩm, thì nên hạn chế việc mua những thực phẩm chế biến sẵn tại các bếp ăn gia đình để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Trường hợp bạn thực sự muốn mua những thực phẩm này, cần phải hỏi rõ người bán thời điểm chế biến và phương pháp bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, và khi ăn cần nấu chín lại.

Gần 4.800 người bị ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024
Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội Xuân 2025
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động