Cảnh báo về thông tin rao bán tiền giả trên facebook
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThời gian gần đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt tài khoản quảng cáo dịch vụ mua bán tiền giả với mức giá cực ưu đãi. Vì tin vào lời quảng cáo của các nick ảo mà nhiều người đã bị lừa.
Lần theo thông tin phản ánh của độc giả, chúng tôi đã liên hệ với tài khoản facebook mang tên Nguyễn Ngọc Thảo đang rao bán tiền giả với các mức tỷ lệ tăng dần theo số tiền khách hàng mua. Cụ thể 1 triệu tiền thật đổi 9 triệu tiền giả; 2 triệu tiền thật đổi 19 triệu tiền giả và 3 triệu tiền thật đổi 30 triệu tiền giả...
Để chiếm được lòng tin, chủ facebook trên khẳng định nhìn bên ngoài tiền giả giống đến 99% so với đồng tiền thật, đảm bảo chỉ có máy soi mới phát hiện được chứ mắt thường không thể thấy. Các mệnh giá tiền gồm: 500 ngàn, 200 ngàn, 100 ngàn, 50 ngàn. Tiền được in ra và xếp thành từng đống, từng thùng cỡ lớn đựng trong các hộp xốp.
Thậm chí, để lấy được lòng tin khách hàng, chủ tài khoản facebook Nguyễn Ngọc Thảo còn chụp cả máy in tiền rồi đưa lên cho khách hàng xem. Chủ tài khoản trên còn đưa ra lưu ý đối với khách hàng và khuyến cáo cần chú ý việc tiêu ở đâu là hợp lý? Ví dụ như: Không được tiêu ở ngân hàng, siêu thị… còn lại có thể tiêu ở quán ăn, quán tạp hóa, bar mà không ai biết.
Đồng thời cách thức giao dịch cũng được nhắc lại nhiều lần và nói rõ, ai có nhu cầu thì inbox vào phần tin nhắn và khách được phân biệt thành 2 diện: khách quen chỉ cần gọi điện và nói số lượng (không cần đặt cọc tiền), họ sẽ có người đến giao dịch trực tiếp, không ưng thì trả lại?
Tuy nhiên, với khách lạ thì cần phải đặt cọc ít nhất 30% đến 50% số tiền khách cần mua, tiền đặt cọc thường được các chủ tài khoản yêu cầu chuyển bằng thẻ điện thoại qua tin nhắn facebook hoặc tin nhắn điện thoại.
“Quy trình” chuyển tiền của các chủ facebook ảo lừa bán tiền giả. |
Để tăng độ tin cậy, tài khoản nói trên đăng tải hàng loạt hình ảnh về việc chuẩn bị đi gửi tiền giả cho khách đã đặt hàng, có ghi tên và số điện thoại. Thậm chí, trong nhiều status, nick name Nguyễn Ngọc Thảo còn đăng lên những tin nhắn báo “đã nhận được tiền, lần sau sẽ mua tiếp…”. Thực chất, đây là các nick ảo do chủ tài khoản dựng lên để chiếm được lòng tin khách hàng.
Các chủ tài khoản rao bán tiền giả thường sẽ “tấn cống” vào các group, thường thì sẽ chia sẻ công khai, kể cả “trên tường” facebook của họ. Thậm chí có những hoạt động tinh vi hơn là vào trong các group nghe ngóng, nếu biết nạn nhân là người đang có khó khăn về tiền bạc, họ sẽ trực tiếp inbox cho bạn để rao bán.
Qua tìm hiểu thông tin, được biết phần lớn các tài khoản rao bán tiền giả trên facebook phần lớn là những tài khoản ảo, hoặc hoạt động tại các điểm biên giới. Mặc dù tỉ lệ quy đổi của các chủ tài khoản bán tiền giả có khác nhau không đáng kể, nhưng tất cả đều có điểm chung: Yêu cầu khách phải thanh toán tiền cọc trước.
Lý do những tài khoản này đưa ra bởi đây là hàng cấm, tránh tình trạng người mua không ra nhận, mất công đi lại… Hình thức thanh toán có thể bằng thẻ điện thoại, thẻ game hoặc thông qua tài khoản ngân hàng… nhưng tuyệt đối không giao dịch trực tiếp (giao hàng rồi mới trả tiền).
Nhiều người vì lòng tham mà bị lừa dối, sau khi đặt cọc mua tiền giả, chuyển khoản xong rồi không thấy “hàng” về. Đến lúc biết mình bị lừa, nhiều người đã không dám kêu ai. Phần vì sợ bị tội, phần vì sợ bị người khác chê bai vì lòng tham.
Thực chất các tài khoản cá nhân, hội nhóm trên không hề có tiền giả. Đây chỉ là những chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Các đối tượng sẽ đánh lừa người dùng bằng chiêu thức rao bán tiền giả với mức giá hấp dẫn. Khi nhận được tiền từ khách hàng chuyển bằng thẻ điện thoại hoặc qua tài khoản ngân hàng, các đối tượng này sẽ lập tức “cao chạy xa bay”, cắt đứt liên lạc với nạn nhân.
Mua bán tiền giả là vi phạm Bộ luật hình sự Hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả theo Điều 180 BLHS. Tùy theo số tiền mà mức phạt tù được ấn định từ 3 năm trở lên, có thể lên tới hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trường hợp rao bán tiền giả mà thực chất không có tiền giả để bán (chỉ là thủ đoạn để chiếm đoạt tiền), nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại