Thứ năm 23/01/2025 22:15

Cầu Long Biên cần được công nhận là di sản đô thị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi nhắc đến cầu Long Biên là nói tới một cây cầu nổi tiếng nối liền lịch sử với hiện tại và là một trong những biểu tượng đặc trưng về một Hà Nội xưa. Cầu Long Biên đã "chứng kiến" những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội ngày 10/10/1954. Và cầu Long Biên đã cùng người dân Thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ...
Bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần gắn kết với quy hoạch đô thị sông Hồng
Bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần gắn kết với quy hoạch đô thị sông Hồng. (Ảnh: Triệu Tâm)

Biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Thủ đô

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên, mà dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ xây dựng hai cầu đường sắt mới qua sông Hồng và sông Đuống để thay thế cầu Long Biên và cầu Đuống hiện tại.

Dù vậy, đến lúc đó cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ khách tham quan, du lịch. Vì vậy, các kiến trúc sư đô thị cho rằng, việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra định hướng cho cầu Long Biên hiện hữu - biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Thủ đô, luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi thời kỳ.

Đứng trước bài toán bảo tồn, theo các nhà nghiên cứu, cầu Long Biên cần được nhìn nhận là “nhịp đập” trong trái tim Hà Nội, không chỉ là cây cầu nối liền 3 thế kỷ mà sẽ nối dài tiếp các thế kỷ sau, trở thành biểu tượng nhận diện đặc biệt của Thủ đô không dễ dàng thay thế. Đặc biệt, việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng. Đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Di sản kỹ thuật và văn hóa đô thị

Hà Nội đã và sẽ có nhiều cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng nhưng không thể có một cây cầu nào thay thế được vai trò lịch sử của cầu Long Biên. Chính vì thế, cần có một phương án tổng thể về việc bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn, phục dựng.

Đặc biệt, việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn.

Cầu Long Biên cần được công nhận là di sản đô thị
Cầu Long Biên là biểu tượng gắn bó với người Hà Nội. (Ảnh: Triệu Tâm)

Với các giá trị sử dụng của cầu Long Biên trong suốt thời gian qua, các chuyên gia đô thị cho rằng, hãy biến nó là một phần của di sản sống của đô thị, Thủ đô Hà Nội. Đó chính là Di sản đô thị, nó có thể là di sản đầu tiên của thành phố được công nhận cùng với nhiều các di sản đô thị khác, hoặc theo Luật Kiến trúc với công cụ pháp lý là Quy chế quản lý kiến trúc quản lý mới chỉ quy định thuộc nhóm các công trình kiến trúc có giá trị, tuy nhiên sẽ chỉ được nhìn nhận ở phạm vi TP Hà Nội.

Theo KTS. Trần Thanh Bình, nghiên cứu viên cao cấp Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cầu Long Biên phải được xác định như một chủ đề mang tính kiến tạo cho không gian công viên bãi giữa sông Hồng và cũng cần được chiếm một tỷ trọng diện tích đủ lớn để thực hiện chủ đề này. Một không gian với diện tích 25.000m2 - 30.000m2 trong công viên văn hóa trung tâm tại bãi giữa, khu vực chân cầu Long Biên hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến văn hóa, nghệ thuật lý tưởng của du khách.

KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị cho rằng, cần nhìn nhận và đánh giá lại giá trị của cầu Long Biên trong lịch sử và mối quan hệ của nó với cộng đồng không chỉ ở riêng Hà Nội. Cần một cách ứng xử thận trọng, khoa học và nhân văn. Việc khảo sát tổng thể và chi tiết là quan trọng và cần thiết trước các đánh giá giá trị. Trong mọi mặt cần phải có tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững.

Là cây cầu bắc qua 3 thế kỷ và mang trên mình những vết thương của chiến tranh, nhưng cầu Long Biên vẫn sừng sững “thi gan” cùng thời gian, vẫn bền bỉ lặng lẽ nối đôi bờ sông mẹ. Cầu Long Biên đã trở thành biểu trưng của Hà Nội, là một phần linh hồn mang đậm những giá trị lịch sử - văn hóa - xã hội. Dường như với mỗi người Hà Nội, cầu Long Biên trở thành một phần của ký ức; cũng là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh, Phó Trưởng khoa Sau Đại học - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, nhắc đến không gian bãi giữa sông Hồng, không thể quên một di sản đô thị của Hà Nội đó là cầu Long Biên, một công trình đặc biệt, kết cấu thép đặc biệt và một kết nối có giá trị đặc biệt qua sông Hồng, kết nối với không gian xanh bãi giữa sông Hồng. Hai yếu tố này là hai thành phần cấu trúc không chỉ là điểm nhấn cảnh quan mà còn là sự kết nối văn hóa, lịch sử, là nhân chứng lẫn nhau về sự biến đổi qua thời gian.
Hệ thống cầu vượt sông Hồng: Mạch nối đến tương lai của Hà Nội Hệ thống cầu vượt sông Hồng: Mạch nối đến tương lai của Hà Nội

Hà Nội đã được định hướng phát triển thành đô thị hiện đại với một trong những trục không gian trung tâm đặc biệt chạy ...

Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động