Thứ năm 23/01/2025 06:17
Luật Thủ đô 2024

Chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai thi hành Luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội đang tích cực trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống, tạo thể chế hiệu lực, hiệu quả, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai thi hành Luật

Hình ảnh công dân làm việc tại bộ phận “Một cửa” Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Ảnh: Công Phương

Hà Nội được chủ động nguồn thu

Luật Thủ đô 2024 có nội dung mới như: quy định về chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô trong Luật hướng mạnh đến việc phân quyền cho TP được chủ động nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách và đầu tư. Nổi bật là, về thu ngân sách, Luật cho phép TP được hưởng các khoản thưởng vượt thu so với dự toán được giao; được ban hành các loại phí, lệ phí mới hoặc tăng, giảm phí, lệ phí; được tăng hạn mức vay lên không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp;...

Về chi ngân sách, TP được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển; chi từ quỹ dự trữ tài chính với thời gian dài hơn, tỷ lệ cao hơn; được chi việc hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thực hiện di dời; chi hỗ trợ các địa phương bạn, các cơ quan Trung ương trong một số trường hợp; chi đầu tư sang các địa phương khác trong dự án liên kết, phát triển vùng. Đặc biệt, Luật cho phép được sử dụng nguồn chi thường xuyên để cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình, trụ sở tài sản công. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi mua sắm tài sản, sửa chữa theo quy trình chi thường xuyên.

TP được ban hành các tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi ngân sách cao hơn hoặc ngoài quy định của Trung ương; được áp dụng hoặc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá mới cao hơn hoặc chưa có quy định của Trung ương. Đây là quy định quan trọng giúp TP chủ động trong việc tạo lập nguồn thu và sử dụng hiệu quả, linh hoạt ngân sách.

Về đầu tư công, TP được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp dự án do ngân sách địa phương bố trí, mà không bị giới hạn về mức vốn. Được phép tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (đối với dự án nhóm B,C) nhằm giúp cho quá trình đầu tư công được thuận lợi, đơn giản hoá, đẩy nhanh quy trình thực hiện.

Về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, TP được áp dụng đầu tư PPP đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao; được nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP lên không quá 70% trong trường hợp dự án có tỷ lệ vốn dành cho giải phóng mặt bằng lớn trên 50%. Được áp dụng hình thức hợp đồng BT bằng tiền và bằng quỹ đất đối với các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, thuỷ lợi. Ngoài ra còn có các chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược, ưu đãi đầu tư trong một số lĩnh vực cao hơn so với quy định hiện hành...

Đưa các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống

Sau khi Luật Thủ đô chính thức được công bố, TP đã khẩn trương, kịp thời ban hành ngay Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Về cơ bản, Kế hoạch triển khai thi hành Luật tập trung vào một số nhiệm vụ chính. Trong đó, về tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thi hành Luật, TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phổ biến sâu rộng Luật Thủ đô tới mọi tầng lớp Nhân dân cũng như các DN, doanh nhân và địa phương. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tập trung quán triệt, tuyên truyền để đạt sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô. Từ đó, khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng Thủ đô trở thành TP đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, TP kết nối toàn cầu, TP sáng tạo.

Theo thống kê, Luật giao Chính phủ quy định 6 nội dung, giao HĐND TP 52 nội dung, UBND TP 15 nội dung. Luật giao ban hành văn bản để triển khai thực hiện 96 nhiệm vụ, trong đó 74 nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 22 nhiệm vụ ban hành văn bản cá biệt.

Do đó, TP đang phối hợp cùng các cơ quan Trung ương xây dựng và trình Chính phủ 3 nội dung; TP xây dựng và ban hành văn bản triển khai 39 nội dung thuộc thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 1/1/2025 để bảo đảm hiệu lực thi hành Luật Thủ đô. Cùng với đó, TP cũng tiến hành rà soát các văn bản của TP, cấp huyện có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Thủ đô, các văn bản quy định để thi hành Luật Thủ đô với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của TP.

Đồng thời, tổ chức theo dõi thi hành Luật Thủ đô nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện các quy định pháp luật về Thủ đô.

Hà Nội: nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động
Tích cực tham gia hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động