Thứ năm 23/01/2025 22:19

Cố NSND Tường Vi với những ca khúc đi cùng năm tháng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
NSND Tường Vi nổi tiếng với các bài hát như “Cô gái vót chông”, “Tiếng đàn Ta Lư”, “Em là hoa Pơ Lang”, “Người con gái sông La”… Giọng ca của nữ nghệ sĩ được ví như tiếng chim sơn ca hót lanh lảnh, vang xa trên đỉnh núi nghệ thuật thanh nhạc.
Cố NSND Tường Vy với những ca khúc đi cùng năm tháng
NSND Tường Vi là danh ca hiếm có dòng nhạc cách mạng. Ảnh: Hoàng Vân

Giọng ca “tiếng hát át tiếng bom”

16 tuổi, đam mê ca hát nhưng nghệ sĩ Tường Vi nhập ngũ với nhiệm vụ y tá quân y của Viện Quân y 108 để chữa trị cho các chiến sĩ. Giữa khói lửa thời chiến, sân khấu ngay giữa rừng, sở hữu năng khiếu âm nhạc, nghệ sĩ Tường Vi đã mang lời ca, tiếng hát để động viên các chiến sĩ, giảm sự đau thương nơi chiến trường ác liệt.

Năm 1956, nghệ sĩ Tường Vi được điều chuyển sang Đoàn ca múa thuộc Tổng cục chính trị và bắt đầu học thanh nhạc. Nhờ được đào tạo bài bản âm nhạc nên hai năm sau, bà thi đỗ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chính thức bước sang con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Được đào tạo bài bản, giọng ca của nghệ sĩ Tường Vi được thu sóng và phát trên đài phát thanh, cổ vũ tinh thần chiến đấu của lực lượng chiến sĩ và Nhân dân nơi trận chiến.

Những năm chiến tranh, nữ nghệ sĩ theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường, tiếng hát được ví như “tiếng hát át tiếng bom”, bà cũng là thế hệ nghệ sĩ đầu tiên hát phục vụ các thương binh, giúp họ giảm đau đớn, yên tâm chữa trị.

Trong sự nghiệp âm nhạc, NSND Tường Vi thể hiện thành công tác phẩm “Cô gái vót chông” và “Tiếng đàn Ta Lư”, đây cũng là hai ca khúc được khán giả đặc biệt yêu thích. Trong đó, ca khúc “Cô gái vót chông” (sáng tác Hoàng Hiệp, thơ Lô Mô Y Choi), nữ nghệ sĩ sáng tạo riêng với đoạn satakco cao vút (giả tiếng chim hót vào bài hát), trở thành dấu ấn khó phai đối với những người yêu nhạc.

Mặc dù không phải là người đầu tiên thể hiện ca khúc “Cô gái vót chông” nhưng sự sáng tạo hiếm có của NSND Tường Vi giúp ca khúc mang một tinh thần mới, sức sống và cá tính hơn. Nhờ tinh thần sáng tạo, NSND Tường Vi đã đưa tác phẩm lên một đỉnh cao mới, trở thành ca khúc bất hủ cách mạng.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, NSND Tường Vi là một hình mẫu trong cách thể hiện ca khúc kinh điển “Cô gái vót chông”, cách thể hiện của bà đến nay vẫn là một chuẩn mực để các thế hệ nghệ sĩ trẻ học hỏi.

Dành cả cuộc đời gắn bó với màu áo lính, trở về thời bình, NSND Tường Vi tham gia công tác giảng dạy, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thế hệ học trò được biết đến các tên tuổi nổi tiếng như: Đồng Quang Vinh, Giáng Son, Khánh Thi… Ngoài công tác chuyên môn, NSND Tường Vi giữ vai trò Ủy viên Ban chấp hành Hội nhạc sĩ trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1982.

“Chắp cánh” đam mê âm nhạc cho những phận đời khó khăn

Trung tá – NSND Tường Vi tên đầy đủ là Trương Tường Vi, SN 1938 tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trong sự nghiệp ca hát, NSND Tường Vi để lại dấu ấn với các ca khúc âm nhạc bất hủ, nổi bật là ca khúc “Cô gái vót chông”.

Ngoài ca hát, NSND Tường Vi còn là nhạc sĩ đa tài với nhiều sáng tác nổi tiếng: “Phi đội ta xuất kích”, “Quê hương anh là biển cả”, “Em lắng nghe tiếng cười”… Có rất nhiều ca khúc thiếu nhi được yêu thích như: “Đời cho em những nốt nhạc vui, “Trái tim ơi đừng buồn”, “Ước mơ của bé là hòa bình”…

Một cơ duyên trong cuộc đời của NSND Tường Vi là lần hát tặng các trẻ em mồ côi tại làng trẻ SOS (năm 1992), bà nảy ý tưởng mở lớp dạy nhạc miễn phí. Sau đó, bà quyết định lập Trung tâm Nghệ thuật tình thương, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với mục đích nuôi dưỡng, đào tạo nghệ thuật cho trẻ em khuyết tật, mồ côi.

Hiện nay, Trung tâm mở rộng với 3 cơ sở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. Từ sân chơi âm nhạc, nhiều giọng ca nhí trưởng thành và thi đỗ các trường nghệ thuật trong cả nước. Đơn cử có học viên khiếm thị Hà Chương, đỗ thủ khoa đàn bầu Nhạc viện Hà Nội.

Những năm cuối đời, NSND Tường Vi sống tại Đà Nẵng. Nhiều năm dài chống chọi với căn bệnh tiểu đường nặng, dẫn đến biến chứng suy thận, NSND Tường Vi qua đời ở tuổi 86.

Thông tin từ Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, lễ viếng NSND Tường Vi sẽ diễn ra vào 7h ngày 14/5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 17 (số 3 Nguyễn Phi Khanh, TP Đà Nẵng). Lễ truy điệu lúc 12 giờ cùng ngày, linh cữu được an táng tại Nghĩa trang Quân khu 5.

Trên trang cá nhân, ca sĩ Ngọc Anh (Tam ca 3A) - con dâu cũ NSND Tường Vi đăng ảnh tưởng nhớ: “Con tạm biệt mẹ thân yêu. Cảm ơn mẹ đã luôn nhớ thương con và cháu nội. Chúng con không thể về kịp chia tay mẹ, nhưng chúng con sẽ về thăm viếng thường xuyên như con vẫn luôn thăm mẹ những tháng ngày qua. Thương mẹ vô cùng”.

Từng là thế hệ học sinh được học tập tại Trung tâm Nghệ thuật tình thương, bạn Linh Giang viết những dòng chia sẻ: “Mẹ - người dạy con những nốt nhạc đầu tiên của cuộc đời trong ngôi nhà Trung tâm nghệ thuật tình thương. Người dạy con biết như thế nào là yêu người, thương người. Người có tấm lòng nhân hậu, đẹp như đóa hoa mang tên mẹ Tường Vi!

Mẹ đã cho con một tuổi thơ vô cùng đẹp mà suốt cuộc đời này con không bao giờ quên. Mẹ dẫn dắt chúng con đi khắp các sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Mẹ chỉ dạy chúng con từng chút, con còn nhớ mãi dáng hình của mẹ khi mẹ đón chúng con ở lớp, mẹ cười thật hiền và luôn ân cần, niềm nở khi nhìn thấy chúng con. Hơn hết là tâm huyết của mẹ với ước nguyện xây 3 trung tâm Nghệ thuật tình thương để chúng con và những con người có “trái tim không tật nguyền” được thỏa niềm ước mơ được phát huy tài năng để dâng lời ca tiếng hát cho đời. Mẹ! Mẹ yên nghỉ mẹ nhé! Mẹ luôn sống mãi trong lòng con!”.

Dẫu biết, mỗi con người đều trải qua quy luật vô thường của đời người “sinh, lão, bệnh, tử”, sự ra đi của NSND Tường Vi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với khán giả yêu nhạc. Bằng sự tri ân sâu sắc, xin gửi nén hương thơm cảm tạ những cống hiến của NSND Tường Vi cho nền âm nhạc nước nhà, vang mãi những bài ca đi cùng năm tháng.

Với những đóng góp ý nghĩa, NSND Tường Vi được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1984, cùng năm, bà được phong hàm Trung tá. Đến năm 1993, bà được phong tặng danh hiệu NSND. NSND Tường Vi được tặng hưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Thành tích trong âm nhạc được kể đến: huy chương Vàng tại Liên hoan giọng hát hay toàn quốc (1962), huy chương Vàng tại liên hoan ca nhạc quốc tế Xô-phi-a (1968)...
Tái hiện nghi lễ truyền thống độc đáo tại “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” Tái hiện nghi lễ truyền thống độc đáo tại “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”
Người tái hiện những ký ức hào hùng về một “thời hoa lửa” trên sân khấu tròn Người tái hiện những ký ức hào hùng về một “thời hoa lửa” trên sân khấu tròn
Diễn viên Thúy Diễm: “Vai diễn Mỹ Đình là nhân vật ồn ào cả trong phim lẫn ngoài đời Diễn viên Thúy Diễm: “Vai diễn Mỹ Đình là nhân vật ồn ào cả trong phim lẫn ngoài đời"
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động