Thứ năm 23/01/2025 08:27

Công nghiệp văn hóa ở Hà Nội: “Bệ đỡ” cho nghề thủ công bứt phá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Công nghiệp văn hóa ở Hà Nội: “Bệ đỡ” cho nghề thủ công bứt phá

Công nghiệp Văn hóa ở Hà Nội là “bệ đỡ” cho nghề thủ công bứt phá

Nghề thủ công truyền thống ở Hà Nội ghi nhận 1.350 làng nghề với đa dạng ngành nghề, chủng loại, chất liệu sản phẩm. Đây chính là kho báu cho phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. “Nhịp cầu” công nghiệp văn hóa chính là cơ hội để làng nghề Hà Nội bứt phá, vươn tới những thành tựu mới.

Làng nghề Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức

Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh với “bách nghệ kinh đô” danh tiếng đó còn vượt ra ngoài lãnh thổ. Sản phẩm tinh xảo từ đôi bàn tay và trí óc tài ba của người thợ thủ công được nhiều quốc gia ưa chuộng. Làng nghề Hà Nội còn sở hữu bề dày lịch sử - văn hóa cùng cảnh quan đặc sắc, là điều kiện thuận lợi để mở mang du lịch, góp phần quảng bá tinh hoa làng nghề, tạo thêm nguồn thu cho địa phương

Thống kê từ Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt từ hơn 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm… Một số làng nghề có doanh thu nổi bật, như: Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; đồ mộc Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng… đem lại nguồn thu kinh tế chính cho địa phương và góp phần không nhỏ trong việc phát triển Thủ đô.

Bên cạnh những thế mạnh, làng nghề truyền thống của Hà Nội cũng tiểm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, đã và đang là trở ngại không nhỏ trên hành trình hội nhập và phát triển. Trong thời gian qua, các nghề thủ công truyền thống đứng trước rất nhiều thách như: Sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, vấn đề nguyên liệu, sản phẩm, giá thành cao, marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế,...

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Hoàn Kiếm là quận nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô Hà Nội. Có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nơi đây là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương mà dấu ấn ngành nghề còn lưu lại đậm nét trên tên các tuyến phố. Phố nghề, nghề trên phố cổ, kinh doanh và sản phẩm du lịch của quận Hoàn Kiếm thời gian qua gặp không ít khó khăn như: cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nhân lực, thiếu nhiên liệu... Thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, khôi phục hoạt động của các phố nghề, nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân. Từ đó mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực. Sáng tạo sản phẩm mới cần dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống, thiết kế mẫu mã sản phẩm, đảm bảo kỹ, mỹ thuật, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Sản phẩm thủ công trở thành món quà được du khách ưu chuộng. Điều đó có ý nghĩa quan trọng để sáng tạo phát triển.

Các chuyên gia đánh giá, nghề thủ công truyền thống Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển.

Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cho biết, hạn chế lớn nhất ở làng nghề là chất lượng nguồn lao động chưa cao, ý thức hoạt động nghề còn mang tính thời vụ, chưa hình thành tác phong sản xuất công nghiệp. Mặt khác, ở lớp nghệ nhân, thợ giỏi lại chưa ý thức được tầm quan trọng của đăng ký thương hiệu, dẫn đến việc bị thương lái lợi dụng làm giả mẫu mã, hạ giá thành, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất sau này.

Công nghiệp văn hóa cần có chế độ quan tâm đặc thù tới nghệ nhân

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một trong sáu lĩnh vực ưu tiên đầu tư, phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính là ngành nghề thủ công mỹ nghệ.

Trong bối cảnh thành phố đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, làng nghề đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định: Các làng nghề cần chú trọng tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải tiến mẫu mã sản phẩm gắn với ứng dụng khoa học công nghệ trên nền tảng tri thức dân gian, phát triển thủ công mỹ nghệ gắn với khai thác du lịch làng nghề. Cần đa dạng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghề, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn nhân lực ổn định và lâu dài cho các làng nghề. Tăng cường kết nối xây dựng tour tuyến tham quan có chất lượng, để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động và hút khách.

Theo Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà, chính quyền các cấp cần có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các làng nghề thủ công phát triển, như vốn vay ưu đãi, nguyên liệu sản xuất, nhất là nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tạo đầu ra cho sản phẩm… Tăng cường giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong gìn giữ, phát huy tri thức nghề truyền thống; có kế hoạch, chiến lược trong nắm bắt thị hiếu để cải tiến kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm tạo sức hấp dẫn với thị trường…

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh đề xuất: “Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, các thế hệ trẻ có cơ hội hành nghề làm giàu, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thành phố nên có chủ trương để các trường, trung tâm đào tạo nghề biên soạn các giáo trình cho học viên về môn thiết kế sản phẩm và các kỹ năng chuyên môn sâu về nghề cho từng dòng sản phẩm, động viên cho các con em đi học nghề nhằm phát triển nghề tại địa phương".

Vai trò của sáng tạo phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên vốn di sản, trong đó “Pho sử sống về văn hóa” chính là các nghệ nhân làng nghề. Các chuyên gia nhận định: Vì thế cần có chế độ quan tâm đặc thù tới các nghệ nhân vẫn còn làm nghề, giữ gìn và tiếp nối nghề truyền thống, tạo điều kiện để người dân an tâm sinh sống với nghề; cần quy hoạch chi tiết, cụ thể các ngành nghề truyền thống đặc sắc, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị hiếu, để đầu tư cơ sở vật chất thỏa đáng, phù hợp, khoa học cho các phố nghề truyền thống để ổn định, phát triển bền vững.

Hà Nội: Mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao
Hà Nội: Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút hành khách đến với vận tải công cộng
Hà Nội đạt hiệu quả cao trong việc đưa công nghệ cao vào nông nghiệp
Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động