Cướp giật tài sản khiến bị hại tử vong: Mức án tù chung thân liệu có phù hợp?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHai đối tượng Đoàn Văn Lợi và Nguyễn Hồng Dung cướp giật tài sản khiến nạn nhân tử vong. Ảnh: CQCA cung cấp |
Ngày 10/10, Công an (CA) quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phối hợp với Phòng CSHS CATP Hà Nội đã bắt giữ cặp nam nữ gây vụ cướp giật tài sản khiến nạn nhân bị ngã tử vong.
Trước đó, ngày 4/10, CA phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng nhận được tin tố giác về việc bà V.T.T. (SN 1962, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị hai đối tượng cướp giật tài sản.
Vào thời điểm này, nạn nhân đang điều khiển xe máy trên đường Tam Trinh đi Minh Khai thì bất ngờ bị 2 đối tượng 1 nam, 1 nữ vượt lên, áp sát giật chiếc túi bà T. đeo bên người.
Cú giật bất ngờ và quá nhanh khiến nạn nhân không làm chủ được tay lái, ngã xuống đường. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do thương tích nặng, bà T đã tử vong tại bệnh viện.
Đến ngày 7/10, CA quận Hai Bà Trưng và Phòng CSHS đã làm rõ, bắt giữ hai đối tượng gây án là Đoàn Văn Lợi (SN 1989) và Nguyễn Hồng Dung (SN 1987), cùng trú tại ngõ 38 Nguyễn Chính (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trong đó, Lợi đã có 4 tiền án và 1 tiền sự, Dung có 1 tiền án. Bản thân hai đối tượng này đều nghiện ma túy nặng. Do cần tiền mua ma túy sử dụng nên cả hai đã rủ nhau đi cướp giật tài sản của người đi đường.
Để tránh bị phát hiện, Lợi và Dung rời nhà lúc 4h sáng. “Con mồi” mà các đối tượng nhắm tới là những người phụ nữ đi bán hàng sớm, thường chở hàng hóa nên ít có khả năng phòng vệ.
CQ CSĐT CA quận Hai Bà Trưng đang tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành vi trên của Đoàn Văn Lợi và Nguyễn Hồng Dung và thắc mắc 2 đối tượng này sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, cướp giật tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác một cách nhanh chóng và bất ngờ rồi tẩu thoát để tránh sự phản kháng của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
Đặc điểm nổi bật của tội “Cướp giật tài sản” là người phạm tội lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản để nhanh chóng giật lấy tài sản mà người quản lý khó có thể giữ được hoặc giằng lại được. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi cướp giật tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người giật tài sản của mình. Tội “Cướp giật tài sản” quy định tại Điều 171, BLHS năm 2015.
Đặc biệt, trong vụ án này, hành vi cướp giật tài sản của 2 đối tượng dẫn đến chết người là ngoài ý thức chủ quan của kẻ cướp vì bọn chúng chỉ muốn giật tài sản nhưng lại vô tình làm chết bị hại. Hành vi này được quy định rất rõ tại Điều 171, BLHS năm 2015 với mức án cao nhất là chung thân nếu có hậu quả chết người xảy ra.
Theo khoản 4, Điều 171, BLHS về tội "Cướp giật tài sản", phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; làm chết người; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, theo luật sư Thái thì trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người thì các đối tượng cũng chỉ bị xử phạt với mức án cao nhất là tù chung thân. "Tôi cho rằng, dù ý thức chủ quan của kẻ cướp giật không cố ý tước đoạt mạng sống của bị hại nhưng nếu hậu quả chết người, mà mức án tù chung thân thì liệu có phù hợp hay không? Vậy nên chăng cần nghiên cứu tăng mức án lên tử hình nếu hậu quả chết người đặc biệt nghiêm trọng do hành vi cướp giật tài sản gây ra?", luật sư Nguyễn Hồng Thái đặt vấn đề.
CQCA khuyến cáo, người dân khi ra đường không nên mang theo túi xách, ví tiền, trang sức đeo bên người, là sơ hở để các đối tượng có điều kiện hoạt động phạm tội; cung giờ sáng sớm hoặc đêm khuya thường là thời điểm tội phạm cướp, cướp giật tài sản hoạt động, người dân khi di chuyển nên đi từ 2 người trở lên; chú ý gương chiếu hậu, nếu phát hiện đối tượng nghi vấn cần tìm nơi có người để thêm sự trợ giúp… |
Trong hai ngày, nam thanh niên thực hiện 5 vụ cướp giật tài sản | |
2 đối tượng cướp giật điện thoại ở Phú Thọ sa lưới | |
Bắt cặp đôi nghiện ma tuý, cướp giật tài sản khiến nạn nhân tử vong |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại