Thứ hai 07/04/2025 09:47

Để người dân bỏ sử dụng xe tự chế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc loại bỏ xe tự chế không chỉ giúp đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân trên địa bàn Thủ đô.
Để người dân bỏ sử dụng xe tự chế
Lực lượng CSGT xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ảnh: T.A

Vận động người dân từ bỏ xe tự chế

Xe mô tô, xe ba bánh tự chế là loại phương tiện bị cấm lưu hành, việc sử dụng chúng tham gia giao thông không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân nhằm dẹp bỏ loại xe này, thế nhưng sau một thời gian đâu lại vào đấy. Những chiếc xe tự chế, thồ hàng cồng kềnh vẫn xuất hiện nhan nhản trên các đường phố cản trở giao thông, gây nguy hiểm khiến người tham gia giao thông bức xúc.

Trước nguy cơ mất an toàn giao thông từ các phương tiện ba bánh, bốn bánh tự chế, từ đầu tháng 3/2025, song song với việc duy trì tuần tra, xử lý vi phạm, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 9, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội đã triển khai cách làm hay, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tự giác từ bỏ phương tiện không bảo đảm an toàn, giải quyết vi phạm từ gốc.

Theo thiếu tá Phạm Văn Luyến, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 9, để vận động người dân từ bỏ xe tự chế không hề dễ dàng. Ban đầu, nhiều chủ phương tiện e ngại, thậm chí né tránh khi thấy lực lượng chức năng đến tuyên truyền. Một số trường hợp còn gửi xe đi nơi khác nhằm trốn tránh kiểm tra. Tuy nhiên, với cách làm kiên trì, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tổ công tác đã đến tận nhà giải thích, vận động nhiều lần để người dân hiểu và chấp hành.

“Xe ba bánh, bốn bánh tự chế là loại phương tiện bị cấm lưu hành. Việc sử dụng phương tiện này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đồng thời, việc tuyên truyền, vận động để người dân chủ động loại bỏ phương tiện không an toàn cũng là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn” - thiếu tá Phạm Văn Luyến cho biết.

Ghi nhận tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, sau nhiều lần vận động, anh T.V.T (SN 1973, trú tại thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng) đã tự nguyện tiêu hủy chiếc xe ba bánh tự chế gắn bó nhiều năm. Chia sẻ về quyết định này, anh T cho biết: “Ban đầu, tôi cũng tiếc vì chiếc xe là phương tiện mưu sinh, nhưng được các anh CSGT kiên trì giải thích, tôi hiểu rõ nguy cơ mất an toàn nên quyết tâm thực hiện”.

Thượng úy Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ Công an xã La Phù, huyện Hoài Đức cho biết, do đặc thù của xã là hoạt động làng nghề sản xuất bánh kẹo và dệt kim. Đồng thời, đường xá nhỏ, nhiều ngõ ngách nên bà con Nhân dân vẫn sử dụng xe ba bánh, xe công nông tự chế để chở hàng hóa. “Hiện, trên địa bàn có hơn 100 xe tự chế, trong đó chỉ có 3 xe được đăng ký, cấp phép. Công an xã đã liên tục tuyên truyền, vận động người dân tự chuyển đổi sang phương tiện khác. Đồng thời, nếu phát hiện vi phạm, đơn vị lập biên bản xử lý, tịch thu phương tiện” - thượng úy Nguyễn Văn Hoàng nói.

Để người dân bỏ sử dụng xe tự chế
Chiếc xe máy cũ nát được chủ xe tận dụng chở vật liệu trên đường Đê La Thành, quận Đống Đa. Ảnh: T.A

Kiên quyết xử lý để đảm bảo an toàn giao thông

Ghi nhận của phóng viên, trong khoảng một tiếng lập chốt tại khu vực nút giao Ô Chợ Dừa - Xã Đàn, Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 3, Phòng CSGT CATP Hà Nội đã phát hiện xử lý nhiều trường hợp chở hàng hóa cồng kềnh. Đáng nói, những chủ phương tiện này đều “cải tiến” thêm bộ phận cho xe mục đích tăng khả năng chuyên chở. Ông Nguyễn Văn Tiến (ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) chia sẻ: “Người lớn thì không sao, nhưng trẻ em nhất là các em học sinh ra đường mà gặp những chiếc xe tự chế như thế này rất nguy hiểm. Những xe cũ quá cũng nên thu hồi”.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, các loại phương tiện tự chế, không được đảm bảo về các yêu cầu kỹ thuật an toàn cho phép, khi điều khiển tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Chính vì vậy, song song với công tác tuyên truyền vận động, lực lượng CSGT cũng sẽ tăng cường công tác xử lý nghiêm các vi phạm nhằm kiềm chế triệt để nguy cơ tai nạn giao thông. Trung tá Nguyễn Khắc Bốn, Đội CSGT đường bộ 3, Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết: “Khi xử lý vi phạm, chúng tôi đã tuyên truyền cho các đối tượng và cho quần chúng Nhân dân. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu đưa ra những phương án hỗ trợ để cho các đối tượng này chuyển đổi sang những công việc phù hợp”.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, lắp ráp xe trái quy định và hành vi chở hàng cồng kềnh của xe cơ giới ba bánh, xe tự chế và các phương tiện giao thông khác khi tham gia giao thông, song rất nhiều người điều khiển các phương tiện loại này lại chưa có ý thức tuân thủ, nhiều người thiếu hiểu biết pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông.

Luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn, tại điểm c khoản 16 Điều 32, Nghị định số 168/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 65 – 75 triệu đồng đồng đối với cá nhân, từ 130 – 150 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ container trên xe (kể cả rơ-moóc và sơ-mi-rơ-moóc). Tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông theo quy định tại khoản 4 Điều 14, Nghị định số 168/NĐ-CP.

Liên quan đến vấn đền này, đại diện Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường xử lý để phòng ngừa xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Đại diện Cục CSGT khẳng định, việc xử lý các loại xe 3, 4 bánh tự chế, xe công nông... với phương châm “không có vùng cấm, không ngoại lệ” để phòng ngừa tai nạn giao thông.

Hà Nội hiện có số lượng xe ba bánh, bốn bánh tự chế, xe công nông... nhiều nhất cả nước với 13.349 phương tiện, 11.825 người điều khiển. Từ ngày 1/3 đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, Phòng CSGT CATP Hà Nội đã xử lý 172 trường hợp xe ba bánh tự chế, xe mô tô, xe gắn máy chở hàng hóa cồng kềnh, điều khiển xe kéo theo vật khác; phạt tiền 49,2 triệu đồng. Trong đó, tịch thu 89 xe ba bánh tự chế, tạm giữ 11 phương tiện liên quan, vận động các chủ xe ba bánh giao nộp, tiêu hủy phương tiện không đảm bảo an toàn.

Hà Nội ra quân tuyên truyền không dùng xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh Hà Nội ra quân tuyên truyền không dùng xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh
Dùng xe tự chế tham gia giao thông xử phạt thế nào? Dùng xe tự chế tham gia giao thông xử phạt thế nào?
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động