Thứ bảy 22/02/2025 01:42

Đề xuất sửa đổi quy định về thực phẩm bổ sung và hồ sơ tự công bố sản phẩm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Đề xuất sửa đổi quy định về thực phẩm bổ sung và hồ sơ tự công bố sản phẩm
Ảnh minh họa: D.L

Theo Bộ Y tế, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã được triển khai thực hiện trong 14 năm, trong quá trình áp dụng đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập. Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), được Bộ Tư pháp thẩm định tại văn bản số 322/BCTĐ-BTP ngày 23/12/2024. Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến các Thành viên Chính phủ để giải quyết những khó khăn và bất cập trong công tác an toàn thực phẩm. Các nội dung này sẽ được xem xét trong chính sách và giải pháp thực hiện chính sách tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), bao gồm cơ chế quản lý các loại thực phẩm.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 2/2/2018 thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định này hướng đến đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, thông thoáng cơ chế tiền kiểm và tăng cường phân cấp cho địa phương trong công tác tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm. Đồng thời, Nghị định cũng đẩy mạnh công tác hậu kiểm để đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau 6 năm thực hiện, một số vấn đề bức thiết đã phát sinh, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm, trong bối cảnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng thực phẩm.

Bộ Y tế đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP nhằm giải quyết kịp thời các bất cập, đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm, bao gồm thực phẩm chức năng. Việc sửa đổi cũng nhằm triển khai kịp thời kiến nghị của các bộ, ngành, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực thực thi quy định về an toàn thực phẩm.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định giải thích về thực phẩm bổ sung. Cụ thể, khái niệm thực phẩm bổ sung trong khoản 1 Điều 2 Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 sẽ được sửa đổi để kiểm soát tính năng và công dụng của sản phẩm. Hiện nay, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chưa quy định rõ khái niệm này, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phân loại sản phẩm hoặc phân loại không đúng bản chất, gây ra tình trạng phóng đại công dụng sản phẩm như sữa phát triển chiều cao, sữa điều trị xương khớp, sữa giúp ngủ ngon…

Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất bổ sung khoản 1a Điều 3 với nội dung: "Thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác, được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày. Thực phẩm bổ sung chỉ được công bố thành phần bổ sung. Không được ghi, công bố khuyến cáo sức khỏe hoặc công dụng của thành phẩn bổ sung".

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi quy định về hồ sơ tự công bố sản phẩm. Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, hồ sơ tự công bố sản phẩm hiện bao gồm:

a) Bản tự công bố sản phẩm theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế (bản chính hoặc bản sao chứng thực).

Dự thảo đề xuất hồ sơ tự công bố sản phẩm sẽ bao gồm:

a) Bản tự công bố sản phẩm theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế (bản chính hoặc bản sao chứng thực);

c) Giấy ủy quyền tự công bố sản phẩm của cơ sở sản xuất (nếu có) (theo mẫu số 16 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);

d) Mẫu nhãn sản phẩm (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

e) Tiêu chuẩn sản phẩm (SPEC), bao gồm phương pháp kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn và chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm của cơ sở sản xuất (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).

Giải quyết trực tuyến nhiều thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm
Hà Nội: liên tiếp phát hiện hàng tấn thực phẩm bẩn...
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động