Thứ năm 23/01/2025 05:10
Luật Thủ đô 2024

Điểm đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Điều 21 Luật Thủ đô 2024 về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch quy định nhiều nội dung thể hiện rõ mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đồng thời là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước.
Điểm đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Hoạt động biểu diễn văn hóa tại phố đi bộ Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Quy định xây dựng Thủ đô thành trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa

Luật Thủ đô năm 2024 là văn bản pháp lý quan trọng được ban hành nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô, đặc biệt là các định hướng từ Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

So với Luật Thủ đô năm 2012, Luật mới có cấu trúc toàn diện và đầy đủ hơn với 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương và 32 điều), thể hiện tính đột phá trong các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thủ đô.

Trong các quy định mới của Luật, điểm nổi bật là những chính sách về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch được quy định tại Điều 21. Những quy định này nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, đồng thời phát triển theo định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Về chính sách ưu đãi đặc thù, Luật trao quyền cho HĐND TP được quy định mức hỗ trợ cao hơn so với quy định hiện hành cho nhiều đối tượng. Cụ thể là: người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; các nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; vận động viên, huấn luyện viên tham gia đào tạo và huấn luyện tại các bộ môn thể thao thành tích cao.

Đặc biệt, Luật có quy định về việc hỗ trợ những người bị tai nạn, suy giảm sức khỏe trong quá trình hoạt động nghề nghiệp và hỗ trợ họ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp khi không còn đáp ứng yêu cầu công việc. HĐND TP cũng được quyền quy định mức thưởng bổ sung đối với những người đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi khu vực và quốc tế.

Điểm đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Sân khấu Nhà hát Hồ Gươm được thiết kế bông hoa nở tạo điểm nhấn khác biệt. Ảnh: Khánh Huy

Cho phép nhượng quyền khai thác, quản lý công trình văn hoá

Theo quy định tại Luật Thủ đô 2024, công tác bảo tồn di sản văn hóa được quy định cụ thể về việc tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị các khu vực trọng điểm như: khu Ba Đình - trung tâm chính trị của Thủ đô, khu vực hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây - biểu tượng văn hóa của Hà Nội, các di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các di sản được UNESCO công nhận như Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ngoài ra, Luật cũng chú trọng bảo tồn các di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể, phố cổ, làng cổ và làng nghề truyền thống.

Một điểm đột phá của Luật là quy định về việc xây dựng trung tâm công nghiệp văn hoá tại khu vực bãi sông, bãi nổi sông Hồng và các địa điểm có lợi thế về không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. HĐND TP được giao thẩm quyền quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức hoạt động và các chính sách ưu đãi cho các trung tâm này.

Đây là bước đi quan trọng nhằm phát triển công nghiệp văn hoá thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các TP sáng tạo UNESCO.

Luật cũng có quy định về việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa. Các khu này được thành lập trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Mỗi khu sẽ có một Hội đồng quản lý, điều hành gồm đại diện chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cơ sở sản xuất kinh doanh và cộng đồng dân cư. Việc thành lập các khu này phải được đa số đại diện trong khu vực đồng thuận và thực hiện theo đề án do UBND TP phê duyệt.

Về cơ chế huy động nguồn lực, TP được phép áp dụng phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao với quy mô tương đương các dự án y tế, giáo dục. Các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao hơn quy định hiện hành về tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế thu nhập DN khi đầu tư vào lĩnh vực thể thao và 12 ngành công nghiệp văn hoá.

Đặc biệt, Luật cho phép ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý công trình văn hoá, thể thao là tài sản công cho nhà đầu tư, DN trong thời gian nhất định, nhằm tăng hiệu quả khai thác và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững
Cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư Cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động