Thứ sáu 24/01/2025 04:11

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chuẩn bị công phu và chi tiết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Trần Văn Tuấn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, tiếp thu nhiều từ cấp trên và các ý kiến đóng góp đều được thể hiện trong dự thảo.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chuẩn bị công phu và chi tiết
Quang cảnh hội nghị.

Sáng 18/9, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo TP Hà Nội vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, ông đã nghiên cứu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Hà Nội cần phải có đặc thù, đặc biệt, riêng.

Bên cạnh đó, Hà Nội phải có vượt trội, các vấn đề về xây dựng, môi trường, đô thị, bảo tồn,... Những vấn đề này đã có Luật và áp dụng vào Hà Nội có thể thiếu, chưa đủ nên Hà Nội phải có quy định đặc thù, vượt trội, cao hơn mức chung ở mọi nơi.

Theo ông Phạm Quang Nghị, giao Hà Nội quyền hạn và trách nhiệm nhiều hơn, lớn hơn các địa phương khác. Tương tự như vậy, các cấp của TP Hà Nội phải có quyền hạn lớn hơn và đi cùng là trách nhiệm lớn hơn. Còn những nội dung gì Hà Nội cũng được như các địa phương khác thì nên viết cô đọng, ngắn gọn.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chuẩn bị công phu và chi tiết
Ông Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội nghị.

“Khâu biên tập Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không làm quá đông người, đó là nhóm hẹp và người làm việc đó phải là người hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội mới làm được”, ông Phạm Quang Nghị nêu quan điểm.

Cùng phát biểu ý kiến, ông Trần Văn Tuấn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, dự thảo được chuẩn bị rất công phu, tiếp thu nhiều từ cấp trên và các ý kiến đóng góp đều được thể hiện trong dự thảo. Đây là bản dự thảo được chuẩn bị khá công phu và chi tiết.

Ông Trần Văn Tuấn góp ý trực tiếp vào chương II: Chính quyền tại Thủ đô. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 9 HĐND TP Hà Nội được bầu 125 đại biểu so với trước đây 95 đại biểu là phù hợp. Ông Trần Văn Tuấn tán thành với việc tăng như trên và tán thành việc tăng cán bộ chuyên trách từ 20% lên 25%. Những số liệu này khẳng định cụ thể, dễ thực hiện chứ không nằm ở chủ trương. Kể cả số lượng cụ thể về các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND và cán bộ chuyên trách.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chuẩn bị công phu và chi tiết
Ông Trần Văn Tuấn phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Chia sẻ về Điều 10, ngoài việc chung thực hiện theo Luật đã nêu thì văn bản đề cập một số nội dung rất cụ thể, trong đó có nội dung Bộ Tư pháp nêu trong tờ trình lấy ý kiến. Tại hội nghị, ông Trần Văn Tuấn cho rằng, điểm d Khoản 1 Điều 10 nói về biên chế, đây là việc Hà Nội rất trông đợi, nếu như thế này thì Hà Nội khó thực hiện được.

Cụ thể: Trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. UBND TP Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.

Nếu giữ nguyên như Dự thảo thì phải trình cấp có thẩm quyền. Như vậy, thì không thể hiện tính vượt trội để Hà Nội tăng thêm. Ông Trần Văn Tuấn đề xuất đưa thẳng vào Luật Thủ đô (sửa đổi) hệ số tăng thêm của Hà Nội. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyền điều chỉnh số tăng thêm hàng năm mà không phải xin phép cấp trên. Bởi lẽ, nếu không có quy định như vậy sẽ rất khó vận dụng, thực hiện được. Do đó, Hà Nội nên có thẩm quyền vượt trội mà thực hiện được nên có hệ số như vậy còn cụ thể bao nhiêu thì Hà Nội cân nhắc hệ số cụ thể.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chuẩn bị công phu và chi tiết
Ông Nguyễn Quốc Triệu góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Thanh Hải.

Cùng góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết tại chương III: Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Điều 19 và Điều 20 chưa phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và Hà Nội muốn thực hiện thì phải có điều nào, câu nào ghi theo Luật Thủ đô hay Luật chuyên ngành.

Về quy định tại Điều 27, phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Ông Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, tại khoản 5 Điều 27 chưa phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đầu tư công. Vấn đề này phải làm rõ giữa Luật Thủ đô và các luật kia vì có sự khác nhau.

Ông Nguyễn Quốc Triệu cho hay, việc ban hành tiêu chuẩn chất lượng và cơ sở khám bệnh chữa bệnh, Luật khám chữa bệnh giao Bộ Y tế là cơ quan quy định, thống nhất trên toàn quốc. Do vậy, để UBND TP Hà Nội ban hành tiêu chí công nhận cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại thì cũng phải được Bộ Y tế thừa nhận theo đúng quuy định. Do vậy, điểm a khoản 5 Điều 27 có thể bỏ bởi đã thể hiện rất rõ trong Luật khám chữa bệnh hoặc sửa đổi “trên địa bàn Thủ đô” thành “của TP Hà Nội”.

Về cấp chuyên môn kỹ thuật, trong Luật khám chữa bệnh không có khái niệm phân cấp chuyên môn kỹ thuật và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật. Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và thấy không đồng nhất với các địa phương khác.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chuẩn bị công phu và chi tiết
Ông Nguyễn Thế Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội góp ý tại hội nghị.

Ông Nguyễn Thế Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, qua 10 năm đi vào cuộc sống, chúng ta có đủ cơ sở để sửa đổi Luật Thủ đô. Ông thống nhất cao về việc soạn thảo, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô.

Về quan điểm, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, đây là Luật Thủ đô nên tất cả cái gì thể hiện trong luật để xây dựng Thủ đô của đất nước Việt Nam chứ không phải xây dựng TP Hà Nội. Quan điểm này phải quán triệt rất sâu sắc. Khi Hà Nội vinh dự được làm Thủ đô rồi thì Luật quy định trách nhiệm của Hà Nội cái gì cũng phải gương mẫu, đi đầu. Trách nhiệm của cả nước đối với Hà Nội cũng phải đối với Thủ đô thì khi đó mới mạnh dạn quyết sách vượt trội so với luật khác. Đề nghị làm sâu sắc hơn quan điểm này.

Về chính quyền Thủ đô, đây là xây dựng chính quyền Thủ đô, không phải chính quyền đô thị. Quan điểm này cần phải rõ ràng thì các điều khoản bên trong mới thể hiện được.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chuẩn bị công phu và chi tiết
Ông Bùi Duy Nhâm góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ông Bùi Duy Nhâm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho hay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương 59 Điều, rất chi tiết và tương đối đầy đủ. Khoản 4 Điều 20 rất phù hợp, tuy nhiên quy hoạch trục đường giao thông, đặc biệt là đường chính của Thủ đô cần có tầm nhìn lâu dài, tránh cắt khúc từng đoạn.

Hiện nay, có nhiều dự án quây tôn 10 năm vẫn không triển khai, bỏ đấy, nhiều công trình quây tôn nhưng không làm. Do đó, cần quản lý, giám sát các công trình đã khởi công thì cần tập trung nguồn lực thực hiện, để công trình khởi công kéo dài, chậm tiến độ rất lãng phí nguồn lực.

Khoản 3 Điều 29 di dời rất cần thiết, đảm bảo được nguyện vọng, nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, cần bổ sung khắc phục được ô nhiễm, đảm bảo môi trường, tránh trường hợp đẩy ô nhiễm ra ngoài đô thị, ngoại thành nhưng không khắc phục với nhà đầu tư.

Điều 40 rất phù hợp, nếu không khai thác thì bỏ phí một nguồn lực rất lớn của Thủ đô. Điều này nên quy định cụ thể hơn, đặc biệt là bố trí quỹ đất hai bên đường giao thông để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chuẩn bị công phu và chi tiết
Bà Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội phát biểu.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội phát biểu, bà cơ bản tán thành với các nội dung đã nêu, tán thành với việc cần sửa đổi Luật Thủ đô.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, về tổ chức chính quyền, bà tán thành chính quyền Thủ đô chứ không phải chính quyền đô thị. Bà nhất trí quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND TP tăng từ 95 lên 125 đại biểu là phù hợp. Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua thì HĐND TP Hà Nội có rất nhiều nhiệm vụ. Bà Ngô Thị Doãn Thanh đề xuất bổ sung 1 điều quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND.

Góp ý Điều 17, bà Ngô Thị Doãnh Thanh cho rằng, Điều 17 đã khá đầy đủ nhưng sẽ đầy đủ hơn nếu bổ sung thêm việc phát hiện bồi dưỡng và đào tạo nhân tài.

Phát biểu kết luận tại buổi xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo TP Hà Nội vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đã có 9 ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP Hà Nội. Lãnh đạo TP Hà Nội và ban soạn thảo cảm nhận được tình yêu Hà Nội, hiểu biết về Hà Nội của các đồng chí nguyên lãnh đạo. Thế hệ lãnh đạo TP Hà Nội cảm nhận được tình cảm đó, suy nghĩ đó qua phát biểu của lãnh đạo TP các thời kỳ.

Nhiều ý kiến sâu sắc từ đó luận giải các vấn đề liên quan đến Hà Nội. Lãnh đạo TP Hà Nội sẽ tiếp thu và hoàn thiện thêm, đặc biệt liên quan đến tổ chức bộ máy. Chủ tịch UBND TP Hà Nội gửi lời cảm ơn đến sự hiện diện, tham gia trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP Hà Nội đã góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hội nghị xin ý kiến nguyên lãnh đạo TP Hà Nội vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) Hội nghị xin ý kiến nguyên lãnh đạo TP Hà Nội vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Sáng 18/9, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thành ủy – HĐND - UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị xin ...

Bài: Công Phương; Ảnh: Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động