Thứ năm 23/01/2025 10:52

Dự Thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Hà Nội cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Hà Nội cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế”.
Dự Thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Hà Nội cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp
Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, Sở Tư pháp TP và Trường ĐH Luật Hà Nội đồng tổ chức. Ảnh Khánh Huy

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Toàn Thắng, Trường ĐH Luật Hà Nội tại tham luận gửi tới Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, Sở Tư pháp TP và Trường ĐH Luật Hà Nội đồng tổ chức.

Hiện nay, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng đã triển khai thực hiện/thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Với riêng Hà Nội, từ vị thế là Thủ đô của đất nước, là trung tâm đầu não về chính trị, văn hoá và khoa học kĩ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước.

Do đó, theo TS Nguyễn Toàn Thắng, Hà Nội cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế.

Đây cũng là nội dung được thể chế trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) (Chương II) và rất được quan tâm góp ý, hoàn thiện. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia về mô hình chính quyền đô thị, TS Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, cần lưu ý một số nội dung sau trong xây dựng chính quyền Thủ đô:

Một là, nhìn chung chính quyền ở mỗi cấp được hợp thành bởi hai thiết chế là cơ quan đại diện và cơ quan hành chính. Nếu như tên gọi và cách thức thành lập cơ quan đại diện là tương đối thống nhất (Hội đồng, do người dân bầu ra) thì tên gọi và cách thức thành lập của cơ quan hành chính tương đối đa dạng (thị trưởng, ủy ban, có thể do người dân bầu ra, có thể được bổ nhiệm, có thể do cơ quan đại diện thành lập). Tương tự như vậy, với chính quyền TP Hà Nội, ở cấp cao nhất (cấp thành phố) phải có đủ hai thiết chế này.

Hai là, bộ máy chính quyền TP Hà Nội phải được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian, đảm bảo tính nhanh nhạy trong công tác quản lý đô thị. Ở các nước, tùy theo việc phân vùng hành chính của từng quốc gia, chính quyền đô thị có thể trực thuộc Trung ương hoặc có thể trực thuộc chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính quyền đô thị tại các thành phố là cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm cơ quan đại diện nhân dân và cơ quan hành chính tại thành phố. Các cấp chính quyền trực thuộc (trung gian, cơ sở) có thể chỉ có cơ quan hành chính, không nhất thiết phải có cơ quan đại diện nhân dân.

Trong thí điểm chính quyền đô thị (thực hiện từ 01/7/2019), Hà Nội không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường. Dự thảo Luật Thủ đô đã “luật hóa” nội dung này. Tuy nhiên theo kinh nghiệm các nước có thể cân nhắc không tổ chức ở cả cấp quận và phường.

Ba là, cần phải “mạnh dạn” phân quyền, phân cấp hơn nữa cho chính quyền thành phố Hà Nội. Với tư cách vừa là một đô thị lớn lại vừa là Thủ đô, Hà Nội cần được phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn, để có phạm vi quyền tự chủ cao hơn. Ở các nước thường sử dụng thuật ngữ “tự quản” đối với chính quyền đô thị.

Các đô thị được quyết định các vấn đề của địa phương và các vấn đề thuộc quyền của Trung ương nhưng được trao cho địa phương giải quyết. Tùy vào mỗi quốc gia, quyền tự quyết của địa phương có thể rộng hoặc hẹp nhưng thông thường bao gồm tự quyết về tổ chức, nhân sự trong bộ máy chính quyền, về tài chính của địa phương, về xây dựng đô thị (quy hoạch, sử dụng đất, xây dựng công trình) và quyền ra quy định.

Ở Việt Nam không sử dụng thuật ngữ “tự quản”, mà thay vào đó là tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với phân quyền, phân cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quyền tự quyết định ở mức độ cao đối với cơ cấu tổ chức, về nhân sự, về tài chính, ngân sách của, chính quyền đô thị nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn còn hạn chế. Cùng với đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền TP Hà Nội, cần trang bị nguồn lực, điều kiện đảm bảo thực hiện một cách phù hợp cho Thủ đô.

Bốn là, thúc đẩy chế độ thủ trưởng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính ở Hà Nội. Đây cũng là chế độ được ưu tiên với chính quyền đô thị ở các nước. Chế độ thủ trưởng có ưu điểm là giúp việc ra các quyết định quản lý được nhanh chóng, kịp thời, đồng thời xác định trách nhiệm trực diện cho người đứng đầu. Chế độ thủ trưởng phù hợp với chức năng của cơ quan hành chính, là cơ quan thừa hành các chính sách và pháp luật ở địa phương.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy hoạch xây dựng góp phần chỉnh trang, tái thiết đô thị Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy hoạch xây dựng góp phần chỉnh trang, tái thiết đô thị
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam
Quý Khánh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động