Thứ sáu 24/01/2025 00:32

Hà Nội: Thực hiện hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, đơn vị này đang tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và khởi động chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022”
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
kinh tế của Thủ đô trong 7 tháng có chỉ số phát triển, chỉ số bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu… tăng mạnh

Kinh tế của Thủ đô có chỉ số phát triển, chỉ số bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu… tăng mạnh

Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù đến tháng 4 mới cơ bản khống chế dịch, nhưng tính chung trong 6 tháng đầu năm, Sở Công Thương TP Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện triển khai các chương trình một cách tích cực, hiệu quả.

6 tháng đầu năm 2022, Ban chỉ đạo cuộc vận động TP Hà Nội đã phối hợp tích cực với Ban chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể tạo nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng Việt Nam.

Đồng thời các thành viên Ban Chỉ đạo đã triển khai nhiều hoạt động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa; đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp.

Cùng với đó, TP triển khai tổ chức các chương trình quảng bá du lịch, kích cầu mua sắm phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, tạo ấn tượng đến khách tham quan trong nước và quốc tế về hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Ngàn năm văn hiến – Thành phố vì hòa bình – Thành phố sáng tạo”.

Để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, Sở Công thương đã tổ chức Tuần hàng Việt; chương trình khuyến mại tập trung TP; tổ chức các hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kế nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP; Giới thiệu, kết nối nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ, có khó khăn trong việc tiêu thụ… của các tỉnh, TP…vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm…; Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn TP đến các quận, huyện, thị xã..

Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tham mưu cho TP triển khai việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động hỗ trợ người tiêu dùng, như phối hợp, cung cấp thông tin các điểm dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí… đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tiêu biểu trên địa bàn TP.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, các chương trình của thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp nội khối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chương trình chuyển đổi số.

Những thành quả đó là từ sự vào cuộc của các đơn vị rất đa dạng phong phú, đưa những sản phẩm hàng hóa quảng bá trên thị trường Hà Nội với hình thức phòng phú, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, được người dân rất đón nhận. Nhờ đó, kinh tế của Thủ đô trong 7 tháng có chỉ số phát triển, chỉ số bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu… tăng mạnh.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cuộc vận động cũng nhận định trong 6 tháng cuối năm sẽ nhiều khó khăn do nguy cơ lạm phát tăng cao; cần phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp về nguồn vốn, giá thành đầu vào nguyên vật liệu cho sản xuất.

Vì vậy, các đơn vị cần phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP. Các đơn vị triển khai cuộc vận động cần phân tích, chỉ ra những nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại. Trên cơ sở đó, 6 tháng cuối năm, cần tập trung tốt công tác tuyên truyền về cuộc vận động, trong đó, cần thay đổi về nội dung, phương thức tuyên truyền đến người dân, đoàn viên, hội viên và doanh nghiệp; tuyên truyền ấn phẩm “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2021” để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam trên địa bàn TP, các tỉnh thành bạn và nước ngoài.

Ngoài ra, cần làm tốt công tác tham mưu trong công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, làm tốt công tác thị trường chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tham mưu cho TP tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp chủ lực phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi ích của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Khởi động chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022”

Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đã tổ chức lễ khởi động chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022”. Thời gian thực hiện bình chọn từ tháng 7 đến tháng 10/2022.

Chương trình là hoạt động tiêu biểu nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu, tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa cộng đồng các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ được bình chọn với người tiêu dùng. Qua đó, nâng cao vị thế hàng hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và niềm tự hào về hàng Việt.

Hà Nội: Thực hiện hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022” TP Hà Nội thực hiện bình chọn từ tháng 7 đến tháng 10/2022

Được biết, qua nhiều năm triển khai, Ban Chỉ đạo cuộc vận động TP đã liên tục mở rộng đối tượng tham gia, cải tiến và cập nhật các hình thức bình chọn, tiếp cận với người tiêu dùng và doanh nghiệp với tinh thần tạo dựng kênh thông tin khách quan, truyền tải thông điệp trực tiếp và cụ thể đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Đối tượng tham gia chương trình bình chọn gồm các sản phẩm, dịch vụ là hàng Việt Nam của các doanh nghiệp, hợp tác xã… trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước, có đăng ký kinh doanh hợp pháp (trong đó gồm cả sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có xuất xứ Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí của Ban tổ chức).

Nhóm các sản phẩm tham gia bình chọn gồm: Điện tử, công nghệ; đồ gia dụng; công nghiệp; thời trang, phụ kiện; xây dựng, trang trí nội thất; dược phẩm, thực phẩm chức năng; hóa mỹ phẩm; văn phòng phẩm, thiết bị học tập; thủ công mỹ nghệ; nông, lâm, thủy hải sản; các sản phẩm OCOP; thực phẩm, đồ uống.

Nhóm dịch vụ gồm: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thanh toán, sàn thương mại điện tử; du lịch, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng; giáo dục, đào tạo; viễn thông, công nghệ thông tin; vận chuyển, logistics; truyền thông, tổ chức sự kiện.

Ý nghĩa thiết thực của Ngày hội Livestream OCOP lần 2 tại Hà Nội
Xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Hà Nội tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam''
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động