Thứ năm 23/01/2025 02:57

Hiến kế giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn tạo đột phá tăng trưởng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 17 - phiên toàn thể mùa Xuân 2025, với chủ đề “Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”.
Hình ảnh tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - phiên toàn thể mùa Xuân 2025. Ảnh: TP
Hình ảnh tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - phiên toàn thể mùa Xuân 2025. Ảnh: TP

Phát biểu khai mạc VESF lần thứ 17, TS. Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam (đơn vị chủ trì sáng kiến tổ chức Diễn đàn) chia sẻ “Diễn đàn VESF năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, đây là năm cuối của giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 và là năm bản lề, tạo bước chuyển bứt phá cho giai đoạn phát triển mới 2026-2030. Theo đó, trên cơ sở nhìn lại và đánh giá quá trình và kết quả của 4 năm thực thi kế hoạch phát triển kinh tế, phân tích bối cảnh kinh tế trong nước quốc tế năm 2025, Diễn đàn tập trung đánh giá triển vọng kinh tế, hiến kế giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn tạo đột phá tăng trưởng trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030”.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh trong phần khai mạc Diễn đàn: “Tăng trưởng cao đã khó, nhưng đảm bảo sự bền vững trong tăng trưởng cao còn khó hơn”. Mức tăng trưởng 8% và cao hơn trong năm 2025 không chỉ thách thức ở con số cao, mà còn ở nền khá cao là 7,09% trong năm 2024. Thậm chí, các động lực đã tạo nên tăng trưởng của năm 2024, như xuất khẩu, đầu tư công, tiêu dùng dường như khó có sự đột phá.

Ngay cả động lực xuất khẩu vừa phá đổ các kỷ lục – với kim ngạch 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 - dù vẫn là động lực, nhưng có vượt lên nữa không lại là câu hỏi khó. Có nhiều lý do để lo ngại, một là kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm lại, người tiêu dùng thế giới chưa hào hứng trở lại... Đặc biệt, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đều nhắc tới những tác động khá phức tạp của chính quyền Trump 2.0, với các kịch bản tăng thuế.

Ông Trần Quốc Khánh - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương còn nhắc tới những khó khăn trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu - dù đây luôn là yêu cầu đương nhiên và ưu tiên hỗ trợ DN của Bộ Công Thương. Không đơn giản tìm ra được thị trường thay thế Mỹ, Trung Quốc với các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn, vì không có nhiều thị trường lớn như vậy. Vì vậy, quan điểm của ông Trần Quốc Khánh là các DN cần tiếp tục đáp ứng các yêu cầu của các thị trường, đảm bảo yêu cầu về minh bạch nguồn gốc xuất xứ.

Về động lực đầu tư công, theo ông Nguyễn Bá Hùng - Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB, Chính phủ đã phân bổ ngân sách khoảng 6-7% GDP, tương đương các nền kinh tế đang phát triển, nhưng thực hiện mới đạt khoảng 5% GDP. Nghĩa là hiệu quả thực hiện thấp. Với cải cách gần đây của Chính phủ đang tạo ra cơ hội để thúc đẩy giải ngân, như sửa đổi các quy định, nhưng cần làm nhanh, cần biện pháp mạnh mẽ hơn. Chính phủ có thể làm ngay, đó là giảm thủ tục mạnh hơn.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, với động lực đang chiếm 63% trong tăng trưởng GDP là tiêu dùng cuối cùng, của cả Chính phủ và người dân. Hiện tại, tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng chỉ khoảng 5-6%, so với trước dịch bệnh là tăng 2 con số. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần tăng kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế cao hơn. Cách làm không chỉ là tạo thu nhập cho người dân, các chính sách thúc đẩy người dân chi tiêu (như giảm mức giảm trừ gia cảnh, giảm thuế suất thuế VAT...), mà còn một điều đáng lo ngại đến tỷ lệ tiêu dùng hàng nhập khẩu, trong đó có cả nhập khẩu dịch vụ, đó là con số nhập siêu 380 triệu USD dịch vụ du lịch. 5,6 triệu khách Việt đi ra nước ngoài tiêu nhiều hơn cả 17,6 triệu khách nước ngoài đến Việt Nam. Tại sao, vì giá vé trong nước đắt, vì không có nhiều sản phẩm, dịch vụ để mua. Vì thế cần có giải pháp chính sách phù hợp.

Phấn đấu tăng trưởng hai con số
Tăng trưởng cao trong quý IV giúp GDP năm 2024 tăng 7,09%
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động