Thứ ba 15/04/2025 23:36

Hình ảnh giản dị, đẹp đẽ của nhà văn, nhà báo cách mạng Ngô Tất Tố

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong cuộc trò chuyện với PV, bà Ngô Thị Thanh Lịch - con gái nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố không giấu niềm xúc động khi hồi tưởng về người cha tài ba của mình. Trong mắt con cái, cụ Ngô Tất Tố là người cha nghiêm khắc, thức thời, luôn dạy các con sống đẹp và đi theo cách mạng.
Hình ảnh giản dị, đẹp đẽ của nhà văn, nhà báo cách mạng Ngô Tất Tố
Cụ Ngô Tất Tố (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn văn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Bảo tàng Văn học Việt Nam

Truyền cảm hứng cho các con theo cách mạng

Bà Ngô Thị Thanh Lịch chia sẻ, cụ Ngô Tất Tố luôn răn dạy các con phải sống ngay thẳng, thật thà, lấy điều đó làm lẽ sống của cuộc đời. Tùy hoàn cảnh, các con phải biết tiến, biết lui, giữ cho gia đình được êm ấm, hòa thuận.

Bà Ngô Thị Thanh Lịch cho biết, mặc dù sống trong xã hội chịu nhiều tác động của lễ giáo phong kiến nhưng cụ Ngô Tất Tố lại rất nhanh nhạy, thức thời. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, cụ Ngô Tất Tố tham gia phong trào Ủy ban giải phóng xã Lộc Hà (trước thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), trực tiếp tham gia huấn luyện chính trị và động viên tư tưởng cho đơn vị bộ đội địa phương trong vùng.

Cụ khuyên hai con trai và con gái (anh trai và chị gái bà Ngô Thị Thanh Lịch) tổ chức dạy lớp bình dân học vụ cả ngày lẫn đêm để góp phần vào công cuộc chống lại giặc dốt, nâng cao nhận thức về cuộc sống và công tác cách mạng cho Nhân dân.

Con trai đi bộ đội, bản thân cụ lại hoạt động cách mạng trên Việt Bắc nên gia đình tại quê nhà rất neo người. Giữa trăm bề khó khăn, cụ động viên các con ở nhà tích cực lao động sản xuất, ai vào việc nấy. “Gia đình ông đồ Vân Trình trong tác phẩm Lều chõng giống hệt nếp sống gia đình tôi ngày đó. Thế nhưng, khi con trai đi bộ đội hết, cha tôi khuyên con gái ở nhà phải học làm các công việc nặng nhọc vốn của đàn ông. Bản thân tôi mười mấy tuổi đã thành thạo các công việc cày bừa lẫn nhiều công việc của một người nông dân thực thụ.

Có thể nói, cha tôi là một người rất thức thời, luôn khuyên các con làm những điều thiết thực, khắc phục khó khăn. Nhìn cụ ăn vận theo phong cách cổ xưa với “áo the, khăn xếp” nhưng khi kháng chiến nổ ra, cụ đã mày mò, học hỏi mở mang thêm nhiều kiến thức mới. Cụ còn dạy hai anh tôi bắn súng, dạy chị tôi cứu thương” - bà Ngô Thị Thanh Lịch chia sẻ.

Hình ảnh giản dị, đẹp đẽ của nhà văn, nhà báo cách mạng Ngô Tất Tố
Hội viên Hội Nhà báo TP Hà Nội trong một chuyến về thăm quê hương cụ Ngô Tất Tố. Ảnh: An Nhiên

Theo con gái cụ Ngô Tất Tố, cả cuộc đời, cụ luôn đau đáu những suy nghĩ về tình hình đất nước. Ngay cả khi đón nhận hung tin con trai thứ đã hy sinh ngay trên chiến lũy giữa làng, cụ cố gắng nuốt nước mắt vào trong, quên đi đau thương, tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng thời khuyên gia đình đi theo kháng chiến.

“Trong bức thư viết cho người bạn thân thiết - ông Phùng Bảo Thạch vào năm 1948, cha tôi đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của mình đối với cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong đó có đoạn: “Dù sao, tôi cũng như bác, chúng ta đều là người gặp may. Trước kia, bác với tôi có ngờ đâu đời mình còn được trông thấy một trận đánh đuổi thằng Pháp. Giả sử đánh nó mà thua, chúng ta được trông thấy cũng là sướng rồi. Huống chi bây giờ đánh nó lại được, cái ngày chúng ta thấy nó quy gục cũng không xa nữa. Chắc là bác cũng như tôi, chúng ta đều cho việc đó là cái “lãi” lớn của đời mình. Vì thế, chúng ta có thể quên hết các sự gian nan đau khổ, gắng đem hơi sức góp vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc” - bà Ngô Thị Thanh Lịch kể.

Tinh thần yêu nước được cụ Ngô Tất Tố gửi gắm trong những tác phẩm văn học và báo chí xuất sắc của mình. Sự nghiệp báo chí của cụ trải qua 3 giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất từ năm 1926 đến năm 1929, cụ cộng tác với nhà thơ Tản Đà để viết cho tờ An Nam tạp chí, một sản phẩm mang đặc chất văn chương, nghệ sĩ. Sau đó, cụ chuyển sang làm cho tờ Đông Pháp thời báo và sau đó là tờ Thần Chung (tên mới của Đông Pháp thời báo).

Các bài viết của cụ Ngô Tất Tố trong giai đoạn này gồm các bài dịch thuật, khảo cứu, các bài bình luận thơ, văn, bài bình luận chính trị - xã hội, tản văn về đời sống văn hóa, xã hội. Chủ đề các tác phẩm báo chí của cụ chủ yếu tập trung vào những thói hư, tật xấu, những biểu hiện lệch chuẩn trong lối sống, những điều “trái tai, gai mắt” trong cách ứng xử giữa người với người, với những vấn đề thời sự nóng hổi.

Giai đoạn thứ hai từ năm 1930 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được cho là thời kỳ hoàng kim của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố khi đánh dấu sự ra đời của nhiều tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của cụ. Trong đó có tiểu thuyết "Tắt đèn" được đánh giá là tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực 1930-1945.

Đây cũng là giai đoạn các tác phẩm của cụ xuất hiện trên khắp các mặt báo đương thời như: Phổ thông, Đông phương, Công luận, Đuốc nhà Nam, Thực nghiệp dân báo, Công dân, Tương lai, Thời vụ, Con ong, Trung Bắc chủ nhật, Đông Pháp… Cụ viết nhiều thể loại gồm tin tức, bình luận, khảo cứu, bút ký, nhưng thành công rực rỡ nhất và để lại số lượng tác phẩm lớn nhất trong di sản báo chí của cụ là tiểu phẩm và phóng sự. Cụ đã dùng ngòi bút sắc sảo của mình để tố cáo và phê phán hiện thực xã hội khắc nghiệt dưới ách thống trị, áp bức của ngoại xâm và bè lũ phong kiến.

Giai đoạn thứ ba từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến khi cụ qua đời ngày 20/4/1954. Cụ hăng hái tham gia hoạt động cách mạng ngay ở quê hương, rồi lên chiến khu tham gia kháng chiến. Giai đoạn này, cảm hứng chủ đạo trong những tác phẩm của cụ Ngô Tất Tố là sự ngợi ca và niềm vui khi đi theo lý tưởng cách mạng.

Bút pháp của cụ Ngô Tất Tố giàu tính nhân văn, ung dung và vô cùng linh hoạt. Khi đồng tình thì nhẹ nhàng nhân từ; khi thuyết phục thì đanh thép, thâm thúy; lúc thắng thế thì khiêm nhường, tỉnh táo; khi công kích thì cứng cỏi, đáo để; khi châm biếm thì tinh quái, chua ngoa…

Thời gian hoạt động cách mạng trên Việt Bắc, cụ được bầu làm Chi hội trưởng Hội Văn nghệ liên khu I, tham dự chủ tọa nhiều cuộc thảo luận về văn nghệ, văn học. Năm 1948, cụ chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, nỗ lực tham gia xây đắp nền móng cho báo chí và văn học trên chiến khu, góp phần xây dựng những số báo đầu tiên của kháng chiến như: Tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc Trung ương, báo Cứu quốc liên khu I, khu XII, Thông tin khu XII…

Hình ảnh giản dị, đẹp đẽ của nhà văn, nhà báo cách mạng Ngô Tất Tố
Bà Ngô Thị Thanh Lịch - con gái cụ Ngô Tất Tố và chồng bà - ông Cao Đắc Điểm trò chuyện với các hội viên Hội Nhà báo TP Hà Nội. Ảnh: An Nhiên

Người cha nghiêm khắc, giản dị

Trong mắt các con, cụ Ngô Tất Tố là người cha rất nghiêm khắc nhưng luôn lo lắng, yêu thương các con hết mực. Đặc biệt, cụ đề cao việc học, ngay cả với phận nữ nhi. Lên lớp 3, mẹ ốm, em lại còn nhỏ, bà Ngô Thị Thanh Lịch xin cha nghỉ học thì cụ “quát”: “Mày không đi học, tao gọt gáy bôi vôi” hay “Không được, phải đi học. Không đi học thì không làm được gì cả”. Thấy chỗ nào học không tốt là cụ lại khuyên con tìm chỗ khác tốt hơn.

Bà Ngô Thị Thanh Lịch cho biết: “Cụ tôi thường bảo người ở xứ này mà muốn biết thông tin người ở xứ kia, người đời sau muốn tìm hiểu thông tin của người đời trước... thì phải học. Học mới mở mày mở mặt được”. Những lời răn dạy đó của cụ là động lực để các con luôn cố gắng trong học tập lẫn cuộc sống để trở thành người có ích, sống có lý tưởng và hoài bão.

Trong số vô vàn những kỷ niệm về cha mình thì hình ảnh in đậm nhất trong tâm trí bà Lịch là khi cụ Ngô Tất Tố mặc quần nâu, áo nâu, chân đi guốc mộc, chống chiếc gậy, đi bộ thong dong trên con đường làng.

“Hình ảnh về cha in mãi trong tâm trí tôi là khi cụ mặc quần nâu, áo nâu, chống cây gậy đi bộ khắp nơi. Ngày đó, quãng đường từ Bắc Giang lên Tuyên Quang, rồi qua Bắc Kạn, Thái Nguyên rất xa nhưng cụ đều đi bộ. Đó là một hình ảnh giản dị, đẹp đẽ và có sức lay động mà mỗi lần nhớ đến, tôi đều cảm thấy xúc động và trân quý cha mình” - bà Ngô Thị Thanh Lịch tâm sự.

Hình ảnh giản dị, đẹp đẽ của nhà văn, nhà báo cách mạng Ngô Tất Tố
Quang cảnh lăng mộ của cụ Ngô Tất Tố. Ảnh: An Nhiên
Nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố SN 1894, mất năm 1954, quê ở làng Lộc Hà (Kẻ Cói), tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn (xứ Đông Ngàn), tỉnh Bắc Ninh, nay là làng Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình khá giả, có truyền thống hiếu học nên cụ Ngô Tất Tố đã được hưởng thụ nền giáo dục Nho học từ rất sớm. Năm 1907, cụ đi học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp để chuẩn bị cho sự nghiệp khoa cử. Năm 1915, cụ đỗ đầu kỳ thi khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh nên được gọi là Đầu Xứ Tố, hay ông Xứ Tố. Sau đó, cụ Ngô Tất Tố dự khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kỳ, đỗ kỳ đệ nhất. Từ năm 1916, cụ bắt đầu đi dạy chữ Quốc ngữ ở các làng trong vùng, rồi cụ viết văn, làm báo, đi theo cách mạng. Cụ mất năm 1954, để lại gia tài văn học và báo chí đồ sộ với khoảng 1.500 tác phẩm được đăng báo.
Báo Kinh tế & Đô thị giành 10 giải báo chí Ngô Tất Tố năm 2021 Báo Kinh tế & Đô thị giành 10 giải báo chí Ngô Tất Tố năm 2021
Báo Kinh tế và Đô thị đoạt giải Nhất Giải báo chí Ngô Tất Tố Báo Kinh tế và Đô thị đoạt giải Nhất Giải báo chí Ngô Tất Tố
Phương châm làm báo của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố vẫn còn nguyên giá trị Phương châm làm báo của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố vẫn còn nguyên giá trị
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động