Kẻ giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Nguyễn Tấn Thường, nghi phạm mạo danh công an để lừa đảo tại cơ quan công an. Ảnh: CACC |
Mạo danh công an để lừa đảo
Sau khoảng 1,5 tháng xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, ngày 17/12, Công an quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã bắt giữ đối tượng liên quan đến hành vi phạm tội nêu trên.
Đáng chú ý, từ số tiền gần 40 triệu đồng chiếm đoạt của bị hại, lần theo dấu vết, bước đầu cơ quan công an xác định, chỉ trong khoảng 10 ngày (29/9/2024 đến ngày 9/10/2024), số tài khoản ngân hàng do đối tượng đứng tên đã nhận được khoảng 6,4 tỷ đồng do các nạn nhân chuyển vào…
Đầu tháng 10/2024, Công an quận Liên Chiểu tiếp nhận tin báo của chị Trương Thị N (38 tuổi, quê ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; chỗ ở tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) về việc lúc 9h ngày 2/10, chị N nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0836943676 tự xưng là trực ban Công an xã Hiền Ninh. Người này sau đó thông báo nội dung "2 người cháu của chị N chưa làm căn cước công dân, yêu cầu phải làm gấp" và nói rằng "lát nữa sẽ có anh Nam, công tác tại Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình liên hệ để hướng dẫn làm".
Đến 13h40 cùng ngày, chị N nhận được cuộc gọi từ số 0967971436, đầu dây bên kia tự xưng là "Nam - Công an huyện Quảng Ninh" yêu cầu chị N bổ sung các thông tin làm căn cước công dân cho 2 cháu.
Người này đề nghị chị N vào trang Google, nhập từ khóa "chinhphu.hodancu.com" rồi thực hiện theo hướng dẫn. Chị N sau đó làm theo bằng cách nhập các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và nhận diện khuôn mặt… Một lúc sau, chị N phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị trừ lần lượt số tiền là 9.999.999 đồng, 9.999.999 đồng và 19.000.000 đồng. Tất cả số tiền trên được chuyển đến số tài khoản 061810876, Ngân hàng VIB, mang tên Nguyễn Tấn Thường (29 tuổi, trú phường An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)…
Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục truy vết dòng tiền đối với các số tài khoản còn lại của Nguyễn Tấn Thường, đồng thời điều tra mở rộng chuyên án.
Chế tài xử phạt kẻ mạo danh công an?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, lực lượng vũ trang Nhân dân có vai trò cũng như trách nhiệm rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội cũng như bảo đảm cho sự an toàn cho người dân. Vì vậy, hành vi mạo danh công an là hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ và mục đích của hành vi mà người giả danh lực lượng công an có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người có hành vi giả danh lực lượng công an có thể bị xử phạt hành chính trong trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh công an Nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng công an Nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 20, Nghị định 144/2021/NĐ-CP: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng công an Nhân dân.
Trường hợp giả danh lực lượng công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, tùy vào trị giá tài sản mà người thực hiện hành vi giả danh lực lượng công an chiếm đoạt được hoặc gây thiệt hại đến tổ chức, cá nhân khác để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, theo luật sư Nguyễn Hồng Liên, người phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Liên cũng cho biết, tình trạng lừa đảo này và những hình thức lừa đảo qua điện thoại tương tự khác đang ngày càng một gia tăng với những thủ đoạn phạm tội ngày càng một tinh vi và rất khó để nhận biết. Vậy nên, mỗi người cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ví dụ như những cuộc gọi với tên hoặc số lạ hay những trường hợp mạo danh cá nhân như công an, cán bộ của các cơ quan như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông,... nhằm dụ dỗ, ép buộc thực hiện chuyển tiền đến cho các nhóm tội phạm.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, CCCD, CMND, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại