Thứ năm 23/01/2025 06:13

Khi nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng chủ yếu là phụ nữ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việt Nam là nước có số nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng cao nhất thế giới, chiếm tỷ lệ gần ⅓ số tiền bị chiếm đoạt (16/53 tỷ USD). Đáng nói, trong số các nạn nhân bị lừa đảo lại đa phần là phụ nữ.
Khi nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng chủ yếu là phụ nữ
Người phụ nữ ở Hà Nội bị chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng khi làm cộng tác viên online. Ảnh cắt từ clip

Các nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng đa phần là phụ nữ

Mới đây, công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết đơn vị đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 15 tỷ đồng.

Theo đó, từ ngày 5/4 đến nay, bà P (sinh năm 1956, ở quận Hà Đông, Hà Nội) có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói căn cước công dân của bà P có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Nếu bà P không chứng minh được mình không liên quan thì bà sẽ bị bắt.

Do lo sợ nên bà P đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Bà P đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Sau đó, biết mình bị lừa nên bà P đã đến cơ quan Công an trình báo.

Trước đó, ngày 19/2, chị M (sinh năm 1983, trú tại Hà Đông, Hà Nội) có lên mạng xã hội làm cộng tác viên bán hàng online cho nhãn hàng thời trang. Chị sau đó được hướng dẫn làm nhiệm vụ tăng tương tác cho nhãn hàng sẽ được hưởng hoa hồng. Chị M đã nạp 1,4 tỉ đồng nhưng không rút được tiền gốc và hoa hồng. Biết mình bị lừa, người phụ nữ 41 tuổi đã đến Công an phường Trung Văn trình báo.

Tháng 1/2024, bà T (sinh năm 1965, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà T có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu bà kết bạn Zalo.

Sau đó bà nhìn thấy một người mặc trang phục Công an Nhân dân trong Video call yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Bà T đã chuyển 1,4 tỷ đồng cho đối tượng. Sau đó, bà biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.

Mặc dù liên tục đã có cảnh báo từ cơ quan Công an, báo chí truyền thông… nhưng vẫn có nhiều người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ nhiều hình thức trên không gian mạng.

Theo báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023 do tổ chức Liên minh chống lừa đảo toàn cầu GASA và dự án xã hội chống lừa đảo phối hợp thực hiện, Việt Nam là nước có số nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng cao nhất thế giới, chiếm tỷ lệ gần ⅓ số tiền bị chiếm đoạt (16/53 tỷ USD). Đáng nói, trong số các nạn nhân bị lừa đảo lại đa phần là phụ nữ. Nguyên nhân được cho là họ nhạy cảm, cả tin nên dễ bị thao túng tâm lý. Nhiều người có nhu cầu về việc làm thêm để có thêm thu nhập…

Người dân cần bảo mật dữ liệu cá nhân

Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Huy Lục, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng 5, Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, chỉ trong quý I/2024, lực lượng A05 đã tiếp nhận, phát hiện và đấu tranh 525 chuyên án, trong đó nổi lên là tội phạm lừa đảo trực tuyến, tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng, “tín dụng đen”.

Khi nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng chủ yếu là phụ nữ
Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Huy Lục, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng 5, Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Ảnh: H.N

Tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn liên tục thay đổi, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Loại tội phạm này hoạt động có tổ chức, có sự điều hành của đối tượng người nước ngoài, móc nối kết cấu với người Việt Nam hoạt động trên địa bàn Việt Nam hoặc các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Lào, Mianmar, Philipin…, sử dụng hệ thống thiết bị phương tiện điện tử, thông qua mạng internet để hoạt động lừa đảo người Việt Nam…

Chúng sử dụng nhiều phương thức lừa đảo như: thiết lập, điều hành các sàn giao dịch tài chính mạo danh ngân hàng, công ty tài chính huy động vốn; thiết lập, điều hành các sàn giao dịch ngoại hối, đa cấp, tiền ảo, tiền kỹ thuật số (Forex); gọi điện thoại mạo danh cơ quan công quyền lừa đảo; mạo danh các sàn, website thương mại điện tử tuyển cộng tác viên online, người mẫu nhí, thực hiện nhiện vụ mua hàng online hưởng hoa hồng cao để lừa đảo; phát tán tin nhắn giả mạo SMS Brandname; lừa đảo qua công nghệ Deepfake, DeepVoice; giả mạo công ty dịch vụ viễn thông nâng cấp sim lừa đảo…

Thủ đoạn mạo danh cơ quan công quyền để lừa đảo cũng khiến nhiều phụ nữ, người lớn tuổi bị lừa. Tội phạm sử dụng công nghệ VoIP, điện thoại trên nền tảng internet, giả mạo số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án… gọi cho người bị hại đe doạ có liên quan đến tổ chức phạm tội. Khi bị hại sợ và thực hiện theo thì tội phạm yêu cầu bị hại phải khai báo số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP để chiếm đoạt. Ở biến thể cao hơn của thủ đoạn này, tội phạm ứng dụng công nghệ deepfake tạo ra âm thanh, hình ảnh, video clip giả mạo để tăng niềm tin của bị hại để lừa đảo.

Thượng tá Lục cho biết, mặc dù Bộ Công an đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng lừa đảo trên không gian mạng như: phối hợp với các ngân hàng thực hiện yêu cầu sinh trắc học trước khi chuyển tiền; đăng thông tin cảnh báo trên các trang tin, báo chí, mạng xã hội…; tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người dân “sập bẫy” lừa đảo.

Do đó, để bảo vệ tài sản của mình, người dân cần bảo mật dữ liệu cá nhân; không đăng thông tin cá nhân lên mạng xã hội, thường xuyên tìm hiểu, cập nhật các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, am hiểu cách làm việc của các cơ quan công quyền… Đồng thời, tuyên truyền cho người thân trong gia đình các những kiến thức, kỹ năng để sử dụng môi trường mạng an toàn, tích cực, nâng cao hiệu quả phòng, chống lừa đảo trực tuyến.

Sập bẫy cuộc gọi giả mạo công an, người phụ nữ bị lừa mất 15 tỷ đồng Sập bẫy cuộc gọi giả mạo công an, người phụ nữ bị lừa mất 15 tỷ đồng
Cụ bà 72 tuổi ở Hà Nội may mắn thoát bẫy lừa đảo hàng trăm triệu đồng Cụ bà 72 tuổi ở Hà Nội may mắn thoát bẫy lừa đảo hàng trăm triệu đồng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động