Thứ năm 23/01/2025 10:55
Xây dựng ý thức, kiến thức, kỹ năng cho người dân từ những mô hình phòng cháy tại cơ sở

Kỳ 1: Chủ động triển khai nhiều mô hình hiệu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tình hình cháy nổ ngày một phức tạp, cướp đi tính mạng của nhiều người, gây thiệt về hại tài sản vô cùng lớn. Cơ quan chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đưa ra nhiều giải pháp, nhiều mô hình PCCC mang lại hiệu quả, dần xây dựng, hình thành ý thức, kiến thức, kỹ năng PCCC cho mọi tầng lớp Nhân dân. Chuyên trang Pháp luật & Xã hội có loạt bài ghi nhận.
Kỳ 1: Chủ động triển khai nhiều mô hình hiệu quả
Một trong các Điểm chữa cháy công cộng tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Ảnh: Đạt Lê)

Những mô hình PCCC thiết thực

Trước những hậu quả nghiêm trọng do hỏa hoạn để lại, trong năm 2023, Hà Nội đã triển khai đồng bộ 6 mô hình PCCC, cụ thể:

Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC: đây là một trong những mô hình PCCC được Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước phát động mạnh mẽ trong năm qua. Mô hình này được triển khai với người dân thường sinh sống, làm việc tại nhà, các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh và các khu dân cư với quy chế hoạt động rõ ràng như phân công nhiệm vụ tổ trưởng, tổ viên, chủ hộ…

Các mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC được triển khai tại nhiều khu dân cư. Mỗi hộ gia đình cần phải có ít nhất một người được tham gia vào các lớp tuyên truyền, phố biến kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về PCCC&CNCH; trang bị ít nhất một bình chữa cháy và một dụng cụ phá dỡ, các dụng cụ hỗ trợ thoát nạn như đèn pin, mặt nạ phòng độc; trang bị hệ thống báo cháy bằng âm thanh hoặc ánh sáng.

Mô hình Điểm chữa cháy công cộng: Hà Nội có rất nhiều các khu vực ngõ hẹp, sâu, nơi các phương tiện chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận được, khiến công tác triển khai PCCC&CNCH gặp nhiều trở ngại. Do đó, mô hình Điểm chữa cháy công cộng được phát triển để phù hợp với những ngõ nhỏ, hẹp, sâu trên 50m để đáp ứng yêu cầu về công tác PCCC…

Mô hình Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC: được triển khai ở những hộ gia đình đang sinh sống và làm việc tại các tòa nhà chung cư, nhà tập thể hoặc nhà ở có nhiều hộ trên địa bàn. Mô hình này sẽ xây dựng đội PCCC cơ sở với các phương tiện, dụng cụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định.

Mô hình Cụm liên kết làng nghề an toàn PCCC: được triển khai áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trong các khu dân cư hoặc các khu vực được công nhận là làng nghề. Khu vực được áp dụng mô hình này có tính chất nhiều ngõ nhỏ, xe chữa cháy chuyên dụng khó tiếp cận được hiện trường khi xảy ra sự cố cháy nổ. Cơ cấu của mô hình sẽ bao gồm từ 5-10 cơ sở sản xuất, hộ gia đình liền kề nhau trong làng nghề.

Mô hình Cụm liên kết an toàn PCCC trong khu, cụm công nghiệp: bao gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Mỗi một cụm liên kết sẽ có sự tham gia của 5-10 cơ sở cùng nằm trên tuyến đường nội bộ của khu, cụm công nghiệp.

Mô hình Cụm liên kết an toàn PCCC rừng: mô hình này được trải khai tại các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, các địa phương này cần phải trang bị các phương thiết, thiết bị PCCC phù hợp với đặc điểm của từng khu vực rừng để có thể đảm bảo hiệu quả chữa cháy.

Những mô hình PCCC kết hợp với công tác tuyên truyền từ chính quyền các cấp không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác PCCC mà còn giúp người dân xây dựng, hình thành ý thức, kiến thức, kỹ năng trong công tác PCCC. Trong đó, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và mô hình Điểm chữa cháy công cộng đã và đang phát huy được hiệu quả nhất định, hỗ trợ không nhỏ trong việc khống chế, dập tắt các vụ hỏa hoạn trong thời gian qua.

Điển hình vụ cháy vào đêm 17/7/2023, do chập điện xảy ra tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội đã được người dân và lực lượng chức năng nhanh chóng khống chế thành công nhờ chủ động kích hoạt Điểm chữa cháy công cộng.

Mới đây, vào khoảng 14h30 ngày 28/4/2024, xảy ra cháy tại khu vực nhà để đồ của đền Mẫu Thăng Long, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Ngay sau khi phát hiện đám cháy, cùng một lúc người hô hoán báo cháy, người gõ kẻng, người gọi Cảnh sát PCCC& CNCH theo số 114.

Lúc này ngọn lửa đã cháy lan lên nóc mái tôn tầng 1, ngay lập tức Nhân dân đã sử dụng bình chữa cháy trong đền, bình chữa cháy của các hộ gia đình xung quanh, bình tại Điểm chữa cháy công cộng kịp thời dập tắt đám cháy, không để cháy lan sang khu vực xung quanh nên không gây thiệt hại lớn về tài sản.

Khi lực lượng PCCC chuyên trách đến đám cháy đã được dập tắt. Qua đây cho thấy hiệu quả của phương châm “4 tại chỗ” và mô hình Điểm chữa cháy công cộng, tận dụng “thời gian vàng” để khống chế không cho đám cháy phát triển, cháy lan, giảm thiệt hại về người và tải sản của Nhân dân.

Theo Chủ tịch UBND phường Xuân La Nguyễn Đình Hà, Điểm chữa cháy công cộng là 1 trong 6 mô hình PCCC được TP Hà Nội triển khai từ đầu năm 2023. Từ khi phường áp dụng mô hình này tại các ngõ, hẻm nhỏ kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC thì công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn đã được nâng cao, mỗi người dân đều có khả năng xử lý các đám cháy nhỏ…

Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác PCCC

Năm 2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về triển khai thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội.

Kỳ 1: Chủ động triển khai nhiều mô hình hiệu quả
Nhờ mô hình Điểm chữa cháy công cộng, người dân đã nhanh chóng dập tắt đám cháy tại Đền Mẫu Thăng Long (Ảnh: CACC)

Kế hoạch nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH: quản lý dữ liệu về công tác PCCC và CNCH trên toàn địa bàn TP, từng địa bàn quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và đối với từng lĩnh vực, loại hình cơ sở; quản lý dữ liệu về điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối với từng cơ sở.

Xây dựng phương án chữa cháy, thoát nạn đối với từng nhà dân, cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; theo dõi giao thông, nguồn nước, trụ nước chữa cháy, phương tiện cần huy động, điểm chữa cháy công cộng, tổ liên gia an toàn PCCC.

UBND TP yêu cầu các thông tin, dữ liệu trong ứng dụng yêu cầu phải được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, chính xác như: thông tin cấp phép xây dựng, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, hồ sơ quản lý theo dõi hoạt động PCCC, các điều kiện an toàn về PCCC, tình hình cháy, nổ, xử lý vi phạm về PCCC nhằm đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của các cấp chính quyền TP.

Ứng dụng cần đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả và an toàn, an ninh thông tin theo quy định; lấy trải nghiệm của người dùng làm thước đo để tiếp tục tối ưu hóa, cải thiện và nâng cấp ứng dụng.

UBND TP cũng đặt ra chỉ tiêu: phấn đấu là 100% cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về hoạt động PCCC&CNCH sử dụng thành thạo Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư; tối thiếu 70% dân số trên địa bàn được lựa chọn thí điểm biết ứng dụng quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy chữa cháy TP.

Tối thiểu 80% các thông báo về sự cố về PCCC&CNCH của người dân, doanh nghiệp được gửi, tiếp nhận và xử lý theo quy trình điện tử trên Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư.

Box: Dự kiến tháng 12/2024, Hà Nội sẽ chính thức đưa vào thực hiện thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư (đối với cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và Ứng dụng quản lý, theo dõi hoạt động PCCC)...

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH đến từng hộ gia đình
Hơn 100 vận động viên tham gia cuộc thi "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy"
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động