Thứ năm 23/01/2025 13:50
Hồi sinh “lá phổi xanh” của Thủ đô:

Kỳ 2: hàng quán kinh doanh bủa vây không gian xanh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từng được coi là công viên mang biểu tượng của Hà Nội, là địa điểm hút khách nhất trong các dịp lễ, Tết. Thế nhưng, do chưa được quy hoạch đồng bộ, nhiều khu vui chơi, cửa hàng kinh doanh nở rộ bên trong công viên Thủ Lệ, giữa khoảng trống diện tích khu bảo tồn các loài động vật, tiếng ồn từ các trò chơi gây ảnh hưởng tới động vật và mất mỹ quan không gian công cộng.
Một số khoảng trống công viên Thủ Lệ bị vây kín bởi dịch vụ kinh doanh, khu vui chơi. Ảnh:
Một số khoảng trống công viên Thủ Lệ bị vây kín bởi dịch vụ kinh doanh, khu vui chơi. Ảnh: Mộc Miên

Không gian xanh bị chiếm dụng

Ngay từ cổng chính bước vào công viên Thủ Lệ (tên chính thức Vườn thú Hà Nội), chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi hình ảnh đổi khác của công viên nổi tiếng nhất Thủ đô. Trái ngược với không gian bảo tồn và nuôi dưỡng hàng trăm loài động vật ngày càng bị thu hẹp là các cửa hàng kinh doanh, khu vui chơi trẻ em. Những ki-ốt nhỏ kinh doanh bày biện đủ mặt hàng nước uống, đồ ăn nhanh, đồ chơi… thậm chí còn được dựng lên giữa trung tâm của vườn thú. Tính ra, cứ khoảng 10 - 15m lại có ki ốt kinh doanh được dựng lên, không chỉ che khuất tầm nhìn tham quan, còn chiếm dụng lối đi lại của du khách.

Tiếng động cơ, còi hú từ các trò chơi như tàu lượn máy bay, tàu hỏa… phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em nhưng lại chưa phù hợp trong không gian vườn thú. Công viên Thủ Lệ hiện là không gian sinh sống của hàng trăm loài động vật, có nhiều loài đặc hữu quý hiếm nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam. Ghi nhận thực tế, mỗi khi một trò chơi được khởi động sẽ gây chú ý tới các loài động vật và còn ảnh hưởng hoạt động tham quan của du khách.

Theo tìm hiểu, hiện trạng khu vui chơi trẻ em và các ki-ốt kinh doanh “bủa vây” công viên Thủ Lệ đã tồn tại từ vài năm nay. Dù báo chí phản ánh thời gian qua nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực. Diện tích không gian bị thu hẹp, chiếm dụng làm nơi kinh doanh gây khó khăn trong việc tham quan, nhất là thời điểm các dịp lễ, số lượng người đến công viên tăng đột biến, có kỳ nghỉ lễ kéo dài gây tình trạng quá tải. Dịp nghỉ lễ dài ngày dịp 30/4 và 1/5 tới đây cũng được dự đoán sẽ gây quá tải như các năm trước đó.

Là du khách đến Hà Nội có dịp ghé tham quan công viên Thủ Lệ, chị Trần Thị Duyên (quê Thái Bình) vô cùng ngỡ ngàng trước diện mạo đổi thay so với cách đây 5-6 năm trước. Hồi đó, công viên có nhiều khoảng trống không gian, du khách tham quan được sống trong khung cảnh thoáng mát, rộng rãi, giờ đây, nhiều diện tích công viên bị lấn chiếm bởi các dãy ki-ốt kinh doanh dịch vụ ăn uống, khu vui chơi.

Chị Trần Thị Duyên kiến nghị, công viên Thủ Lệ cần đổi mới, giảm số lượng các gian hàng, tăng thêm khoảng trống cây xanh, tạo dựng nhiều cảnh quan thì mới góp phần níu chân du khách khi đến Hà Nội.

Khu vực đường dạo của du khách bị các gian hàng kinh doanh lấn chiếm. Ảnh: Mộc Miên
Khu vực đường dạo của du khách bị các gian hàng kinh doanh lấn chiếm. Ảnh: Mộc Miên

Kỳ vọng diện mạo mới

Công viên Thủ Lệ khởi công xây dựng năm 1976 và chính thức mở cửa đón khách năm 1978. Với lợi thế là công viên vườn thú duy nhất Thủ đô, nằm ở vị trí đắc địa về hoạt động giao thông, công viên Thủ Lệ thường xuyên đón lượng khách lớn đến tham quan, tìm hiểu. Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, hạ tầng công viên bị xuống cấp, hệ thống chuồng trại và các khu nuôi nhốt hư hỏng gây mất vệ sinh và mỹ quan.

Quyết tâm làm “sống dậy” công viên, vườn hoa Hà Nội, theo Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, công viên Thủ Lệ cùng với công viên Thống Nhất, công viên Bách Thảo được ưu tiên cải tạo, nâng cấp theo mức độ 1.

Theo kế hoạch được Sở Xây dựng báo cáo, công viên Thủ Lệ sẽ nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo Quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 được duyệt. Nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch chi tiết, thiết kế tổ chức mặt đường, đường dạo, tiểu cảnh, cơ sở vật chất đồng bộ. Kế thừa các hạng mục mới được đầu tư sửa chữa, trồng bổ sung cây hoa, cây cảnh, nâng cấp, sửa chữa bổ sung hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, ghế ngồi, thùng rác, bể phun…

Cùng với việc đầu tư đồng bộ trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cũng như các tiện ích nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, học tập, tạo hình ảnh đẹp về hệ thống công viên, vườn thú, cây xanh tại Thủ đô. Qua đó, tạo môi trường nuôi nhốt, chăm sóc thú với chất lượng tốt hơn, cải tạo cảnh quan và các công năng khối phụ trợ dịch vụ để thu hút du khách đến với vườn thú, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Ngoài cải tạo, chỉnh trang, điểm nhấn đợt này là bổ sung một số đài phun nước nghệ thuật kết hợp âm thanh, ánh sáng trên hồ, bổ sung tiểu cảnh lớn, thác nước khu vực đồi Voi tạo sự khác biệt về cảnh quan. Hoàn thiện các trục đường chính trong công viên, bổ sung một số trò chơi hiện đại, dịch vụ khác phục vụ tham quan sử dụng mặt nước và không gian ngầm.

Mặc dù từ tháng 10/2023, HĐND TP Hà Nội phê duyệt kinh phí gần 330 tỷ đồng để cải tạo công viên Thủ Lệ, tuy nhiên việc cải tạo, xây mới chưa được triển khai. Theo lý giải của Sở Xây dựng, lý do chậm tiến độ là vì thay đổi phân cấp quản lý, từ thành phố sang quận.

Anh Nguyễn Văn Trung (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mỗi dịp cuối tuần anh thường đưa hai con gái đến công viên Thủ Lệ vui chơi. Trước đây, dịch vụ vui chơi khá nghèo nàn thì nay có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, điều anh mong muốn đưa con trẻ vào vườn thú để tham quan, tìm hiểu về động vật nhưng các cháu chỉ thích vui chơi tàu lượn, bóng nổi, nhà gương… Tất nhiên, không thể trách trẻ em bởi chúng có sự lựa chọn riêng nhưng một phần nguyên nhân khiến trẻ em thiếu mặn mà khi tham quan các chuồng nuôi thú là chưa đa dạng hình thức tiếp cận.

Theo anh Nguyễn Văn Trung, trong đợt cải tạo, xây mới sắp tới, nhà đầu tư cần định hướng vườn thú phải là nơi để trẻ em khám phá thế giới động vật, trở thành điểm đến giáo dục ý nghĩa bên cạnh phục vụ nhu cầu giải trí, tham quan của người dân. Các dịch vụ kinh doanh được đánh giá nhỏ lẻ và lộn xộn cần sớm dẹp bỏ để trả lại không gian xanh cho người dân và không gian sống cho các loài muôn thú.

“Mỗi con thú, mỗi loài cần được kể câu chuyện hấp dẫn hơn, nhiều thông tin hơn thay vì chỉ có cái biển đơn sơ như hiện tại. Các chuồng nuôi cần được quy hoạch hợp lý, nên tạo dựng sân khấu hóa biểu diễn xiếc định kỳ để thu hút du khách tham quan, tìm hiểu. Thay vì nở rộ khu vui chơi trẻ em ở khoảng trống phần diện tích thì đơn vị quản lý cần nghiên cứu, tìm hiểu việc sân khấu hóa các hoạt động, quy hoạch khu vực chơi riêng, khu vực dịch vụ để không ảnh hưởng đến hành trình trải nghiệm của du khách”, anh Trung cho hay.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Khi hạ tầng công viên còn bấp cập…
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động