Kỳ 3: giáo dục là biện pháp căn cơ nhất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiến sĩ Thượng tá Đào Trung Hiếu. Ảnh NVCC |
Giáo dục là biện pháp căn cơ
Theo tiến sĩ, thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an, việc giáo dục rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người, từ đó giảm đi việc vi phạm pháp luật của mọi đối tượng.
“Triết lý giáo dục cần phải thay đổi hướng đến việc bồi dưỡng nhân cách con người, dạy con người hướng vào trong để quản trị được chính bản thân mình, thay vì nhồi nhét kiến thức. Nếu thiếu việc dạy làm người, sản phẩm đầu ra sẽ chỉ là những con rô bốt chạy bằng cơm” – thượng tá Đào Trung Hiếu nói.
Ông dẫn chứng, 2600 năm trước, đức Phật đã chỉ ra nhân cách cốt lõi của con người gồm: giới, định và tuệ. Hiểu theo nghĩa hiện đại đó là phải giáo dục cả 3 thành tố của nhân cách gồm đạo đức, trí tuệ và nghị lực.
Về đạo đức, dạy trẻ về sự vị tha. Rèn sự vị tha bằng các bài học đạo đức, bằng gương sáng vĩ nhân, những anh hùng dân tộc, người có đóng góp lớn trong lịch sử dân tộc…
Theo thượng tá Đào Trung Hiếu, khi trẻ được bồi dưỡng về lòng vị tha, sẽ từng bước nhận diện được và kiểm soát độc tố trong tâm hồn, đó là tâm tham cầu, vị kỷ, lợi mình - những thứ là nguồn cơn của tội ác.
Về trí tuệ, dạy trẻ tư duy nhân quả và tư duy đa chiều trước mọi vấn đề trong cuộc sống. Đó là tư duy vua.
Về nghị lực, dạy trẻ trau dồi các phẩm chất như nhẫn (sự kiên trì, chịu đựng áp lực của cuộc sống); dũng (sự mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám bảo vệ lẽ phải, điều thiện, sự công bằng); tĩnh (sự bình tĩnh, kiềm chế trước những sự bất như ý, kiểm soát được cảm xúc, các quá trình tâm lý của bản thân…).
“Việc giáo dục, dạy dỗ con trẻ không chỉ có “khẩu giáo” nghĩa là giáo huấn, mà bản thân người lớn phải nêu gương từ hành động của mình, đó là “thân giáo” – ông Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Ngay từ nhỏ, gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo cho trẻ môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách tích cực, tiến bộ, nhân văn.
Bên cạnh đó, cần phát huy truyền thống đạo đức của gia đình Việt Nam, duy trì gia phong, gia đạo, ông bà cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền…
Ở bình diện xã hội, các ngành chức năng cần tích cực triển khai các giải pháp làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa, đấu tranh mạnh mẽ với những yếu tố tiêu cực xã hội trên không gian mạng, trò chơi, phim ảnh bạo lực, đồi trụy, xây dựng những cộng đồng dân cư an toàn, văn minh, phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở.
Luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội trực tiếp tiếp xúc, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các em học sinh Trường THCS Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội) hồi tháng 3 Ảnh: ĐLSTPHN |
Văn hóa cần phải ở vị trí tiên phong
Nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiện tại, thanh thiếu niên Việt Nam đang sống trong một môi trường khá phức tạp. Quá trình đổi mới, nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học công nghệ đã đem lại nhiều lợi ích, tích cực cho sự phát triển đất nước nhưng đồng thời cũng để lại khá nhiều hệ lụy.
Mặt trái của hội nhập quốc tế là say mê với văn hóa nước ngoài, nhiều khi hào nhoáng, lấp lánh nhưng không phù hợp với văn hóa dân tộc, ảnh hưởng xấu đến đạo đức con người. Mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ là tạo ra thế giới ảo khiến nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, thiếu kiểm soát hành vi trên không gian mạng, từ đó nhiều tiêu cực lan ra không gian sống thực.
Tất cả những thứ đó, khiến các môi trường xã hội hóa quan trọng của thanh thiếu niên bị thay đổi. Chính vì vậy, Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn hóa cần phải ở vị trí tiên phong, tạo ra hệ điều tiết đạo đức để khắc phục tình trạng tội phạm vị thành niên.
Để làm được điều đó, theo Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, cần tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sức đề kháng cho thanh thiếu niên. Như thế, các phương tiện truyền thông cần truyền tải nhiều hơn nữa những thông điệp về giá trị, lối sống đẹp và tấm gương đạo đức, lên án những hành vi không lành mạnh, phản đối lối sống phản cảm, không phù hợp; các tổ chức đoàn thanh niên, đội thiếu niên cần tổ chức các phong trào, hoạt động hấp dẫn, phù hợp để lôi cuốn sự tham gia của thanh thiếu niên; các thành viên trong gia đình cần dành thêm nhiều thời gian cho nhau, trở thành những tấm gương tốt của nhau.
Bên cạnh đó, ngành văn hóa, các văn nghệ sĩ cũng cần có những tác phẩm văn học, nghệ thuật lan tỏa những thông điệp tích cực, tốt đẹp của cuộc sống… Tất cả sẽ làm nên một môi trường văn hóa trong lành cho xã hội, ở đó, cái đẹp sẽ đến như một lẽ đương nhiên và cái xấu không thể xuất hiện.
Còn luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, ông đã tham gia nhiều buổi phổ biến giáo dục pháp luật với học sinh trên toàn TP. “Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng là căn cơ để trẻ phát triển song hành từ nhân cách, kỹ năng sống đến việc “biết sợ” mỗi khi làm ra những hành động quá khích” – luật sư Nguyễn Tiến Hùng nói.
Tuy nhiên theo ông, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cần được triển khai thường xuyên, thực chất, có kế hoạch, có mục đích, phải xác định kết quả đầu ra rõ ràng.
Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Đối tượng thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật cao thường là thanh niên sống trong gia đình, khu vực đặc biệt như: thanh niên không có trình độ văn hóa (do bỏ học sớm); gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội... Bởi theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, đây là những đối tượng rất dễ vi phạm pháp luật do bị tác động bởi hoàn cảnh.
(Còn nữa)
Kỳ 1: những câu chuyện buồn… | |
Kỳ 2: những trẻ em nào dễ trở thành nạn nhân của tội phạm? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại