Thứ năm 23/01/2025 13:54
Trầm cảm ở trẻ em và thanh, thiếu niên:

Kỳ cuối: Người lớn cũng cần học hỏi, hoàn thiện kỹ năng dạy trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quá trình nuôi con, mỗi cha mẹ nếu chỉ dành tình yêu thương cho con thôi thì chưa đủ mà còn cần nâng cao nhận thức, cần trang bị thêm các kỹ năng. Đó là kỹ năng trò chuyện, chia sẻ cùng con; nhận thức về những thay đổi tâm sinh lý của con ở mỗi giai đoạn để có thể cùng con trưởng thành vững vàng.
Kỳ cuối: Người lớn cũng cần học hỏi, hoàn thiện kỹ năng dạy trẻ
BS. Trần Hồng Thu, Phó Giám đốc BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương (ảnh TL)

Không thể để xung đột giữa cha mẹ và con cái kéo dài

Muốn trò chuyện, đồng hành với trẻ để trẻ có thể cởi mở, chia sẻ những suy nghĩ sâu kín trong lòng thì người lớn phải hiểu được những phát triển tâm, sinh lý của trẻ qua từng giai đoạn. Đối với lứa tuổi vị thành niên, trẻ đang trải qua giai đoạn dậy thì nên có những sự thay đổi mạnh mẽ. Nếu không nắm bắt được những sự thay đổi này thì cha mẹ đã bỏ lỡ cơ hội để gần gũi con, từ đó hố sâu ngăn cách sẽ ngày càng rộng.

Bên cạnh đó, người lớn cũng cần phân biệt được những dấu hiệu của bệnh lý với sự phát triển của tâm sinh lý của trẻ để có sự can thiệp kịp thời, tránh dẫn đến trẻ trầm cảm và tìm đến cái chết nhằm giải thoát.

TS. Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) phân tích, ở giai đoạn phát triển thì trẻ có thể có thay đổi, dễ cáu đôi chút, có yêu sách này nọ, thói quen khác đi do thay đổi tính nết nhưng chỉ là tạm thời, qua đi rất nhanh. Nhưng khi thái độ thành ra cố định không thay đổi theo thời gian, khí sắc giảm, mặt lúc nào cũng buồn rầu cau có, liên tục như vậy suốt 2 tuần trở ra thì khẳng định chắc chắn là trẻ mắc bệnh. Trẻ hơi tí là khóc, cáu thì bố mẹ phải chú ý. Trước trẻ thích nghe nhạc, xem phim, đi chơi với bạn bè mà giờ không thích thú nữa thì bố mẹ phải hết sức chú ý.

Tuy vậy có một thực tế là nhiều bố mẹ chưa được trang bị kiến thức về bệnh trầm cảm nên thấy con kéo dài tình trạng đó vẫn không nghĩ đến việc con bị bệnh. Trong khi đó, trầm cảm là bệnh nguy hiểm chết người, nếu không được quan tâm kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Quá trình khám bệnh, BS. Thu đã gặp những trường hợp xung đột với bố mẹ kéo dài mấy năm liền. Con cái và bố mẹ phải hoà hợp, xung đột kéo dài một tháng là khó chấp nhận rồi, vậy mà bố mẹ để tình trạng suốt mấy năm trời con không ăn cơm cùng.

"Bình thường xung đột với con cái gia đình nào cũng có vì không thể chiều chuộng, vuốt ve trẻ mãi được. Nhưng xung đột kéo dài hàng tháng thì phải xem lại sao bố mẹ lại để kéo dài như thế. Trẻ cáu gắt bố mẹ phải để ý chứ không thì xung đột sẽ kéo dài", BS. Thu nói.

BS. Hồng Thu phân tích, nhiều bố mẹ không để ý tâm đến tâm tư, tình cảm của con. Con gái với bố mẹ cũng có xung khắc vì bảo con không hợp bố nhưng mẹ với con cũng bảo không hợp nhau. Bố là đàn ông có thể phiến diện hơn nhưng mẹ là người ảnh hưởng nhiều nhất mà lại bảo không hiểu nhau, bảo rằng con sống con nội tâm không chia sẻ được thì không nên.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không nên ép con học quá sức. "Bố mẹ tạo áp lực cho trẻ học là cần thiết nhưng khi thấy con quá tải, bố mẹ nên quan tâm, điều chỉnh thái độ của mình. Kỳ vọng là tốt, trẻ cần mục tiêu cao để phấn đấu. Tuy nhiên, hoài bão mục tiêu đó phải nằm trong tầm hiểu biết, phải được thực hiện một cách thông minh, hợp lý, có kiến thức chứ không phải kỳ vọng ép trẻ một cách vô điều kiện. Các con cũng cần tận hưởng cuộc sống".

"Bắt sóng" các tín hiệu trẻ cần trợ giúp

Theo BS. Chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Yến-Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai, có một thực tế đáng ngại là khi trẻ chớm bộc lộ ý nghĩ về tự sát, về chán sống thì nhiều bậc cha mẹ lại gạt đi và cho rằng không nên nghĩ đến những điều tiêu cực.

“Đây là tín hiệu kêu cứu mà các bậc cha mẹ phải đặc biệt lưu tâm. Khi trẻ bày tỏ cảm xúc đó là lúc con rất cần sự đồng cảm, sự chia sẻ, sự lắng nghe… Các bậc cha mẹ, người thân khi bắt được tín hiệu này nên hỏi han, khơi gợi để con nói ra những bất an, sự đau khổ, tuyệt vọng của mình”, BS. Hoàng Yến thông tin.

BS. Trần Hồng Thu đưa ra lời khuyên: Thấy con phàn nàn bất cứ triệu chứng mệt mỏi nào như dễ cáu gắt, dễ khóc, dễ mất thú vui cũ; giảm hoạt động, giảm giao tiếp, học hành sút kém; hay tự buộc tội bản thân, tự ti, tự nhận tội về mình; cảm thấy thấp kém, có những suy nghĩ tiêu cực thì cha mẹ phải cảnh giác. Còn khi trẻ đã dọa chết thì càng phải cần thận, đừng xem nhẹ những điều đó vì nó quá nặng nề, là nguy hiểm chết người rồi chứ đừng nói là trẻ chỉ doạ. Lúc này cha mẹ cần cho con đi khám, tư vấn để điều trị. Việc can kịp thời sẽ tránh được nhiều hậu quả đáng tiếc.

BS. Nguyễn Minh Quyết - Khoa Tâm thần, BV Nhi Trung ương nhấn mạnh, trầm cảm có thể điều trị ổn định được. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trầm cảm, gia đình nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Các biện pháp điều trị bao gồm điều trị thuốc, liệu pháp tâm lý và giáo dục cho trẻ và gia đình. Tùy thuộc chẩn đoán và mức độ trầm cảm, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp về lựa chọn điều trị.

BS. Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em-Bộ LĐ-TB-XH cho rằng: Cần có sự tham gia hỗ trợ của nhà trường trong việc phát hiện sớm, giáo dục kiến thức, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho các trẻ có các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm.

Đối với những trẻ có biểu hiện có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát, cần loại bỏ những vật sắc nhọn hoặc dây thừng trong môi trường xung quanh trẻ và luôn có sự giám sát của cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Cung cấp kỹ năng nuôi dạy, giao tiếp với con cho cha mẹ

Theo BS. Nguyễn Trọng An, giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên là cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Cha mẹ hãy luôn là người bạn thân thiết của con, lắng nghe trẻ nói và chia sẻ cùng con. Cha mẹ có sự quan tâm theo dõi con từ ăn, ngủ cho đến học tập ở trường. Hỗ trợ và giảm thiểu áp lực khi nhận biết con bị quá tải thông qua sự biểu hiện ăn uống, giấc ngủ, mặc áo quần và cách giao tiếp, nói năng của con để tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình. Bản thân các bậc cha mẹ cũng phải trau rồi kỹ năng, đạo đức để luôn là gương tốt cho con cái noi theo.

Đồng thời, chúng ta cần sớm kiện toàn mạng lưới các bộ công tác xã hội trẻ em và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Mạng lưới này không chỉ hỗ trợ kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại, bạo lực, bắt cóc, tự tử ở trẻ em và vị thành niên… cho các bậc cha mẹ, mà còn làm tốt công tác phòng ngừa thông qua hoạt động tư vấn cộng đồng, phát hiện các sớm gia đình có nguy cơ, ngăn chặn sớm các vụ việc không để xảy ra.

Với nhà trường, trước mắt cần sớm thiết lập hệ thống tư vấn tâm lý học đường, có biên chế giáo viên tâm lý cho các nhà trường. Giảm bớt các kiến thức bác học, thay bằng giáo dục kỹ năng sống, các kỹ năng, kiến thức về đạo đức/tâm lý xã hội. Phối hợp với phụ huynh học sinh để cung cấp cho họ những kỹ năng cần thiết (nuôi dạy con, giao tiếp với con cái) để có thể giúp giảm bớt những khó khăn của trẻ ở trường và ở nhà; giúp họ hiểu được tầm quan trọng của sự phát triển cân bằng của trẻ trong đó các kết quả học tập chỉ là một chiều cạnh của vấn đề.

Kỳ 1: Báo động tình trạng trẻ tự sát để "giải thoát"
Kỳ 2: Tức giận khi bác sĩ kết luận con bị bệnh tâm thần
Kỳ 3: "Giải mã" những yếu tố gây bệnh trầm cảm ở trẻ
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động