Làm giả giấy tờ để mua bán hàng trăm ô tô: hành vi gây nguy hiểm cho xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều con dấu giả bị Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Thanh Hóa thu giữ (Ảnh CA tỉnh Thanh Hóa) |
Làm giấy tờ giả rất tinh vi
CA tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá một đường dây làm giấy tờ giả để mua bán xe ô tô không rõ nguồn gốc, xe thế chấp ngân hàng; tạm giữ hình sự 4 đối tượng về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo đó, CA tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Tuấn Anh, SN 1998, trú tại xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tạm giữ hình sự các đối tượng: Bùi Văn Toàn, SN 1994, trú tại xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; Đinh Hữu Ngọc, SN 1998, trú tại xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và Nguyễn Thế Thành, SN 1982, trú tại phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Theo đó, cuối tháng 12/2023, các trinh sát phát hiện Nguyễn Tuấn Anh bán chiếc xe ô tô nhãn hiệu Vinfat LuxA màu trắng, BKS 36A - 79043 cho Bùi Văn Toàn với giá 130 triệu đồng. Đây chính là chiếc xe Nguyễn Tuấn Anh đã thuê từ một Công ty cho thuê xe tự lái trên địa bàn phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa. Do đây là chiếc xe đang thế chấp trong ngân hàng, giấy đăng ký xe chỉ là giấy phô tô, nên khi bán chiếc xe này cho một người khác, Bùi Văn Toàn đã lên mạng xã hội móc nối với các đối tượng làm giả giấy tờ để làm giả giấy biên nhận thế chấp ngân hàng sử dụng cho việc bán chiếc xe nói trên. Sau khi bắt giữ Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Văn Toàn, CA tỉnh Thanh Hóa đã triển khai lực lượng để điều tra, mở rộng vụ án. Từ đây, lực lượng chức năng dần phát hiện một đường dây chuyên làm giấy tờ giả để mua bán xe không rõ nguồn gốc hoặc xe đang thế chấp ngân hàng với thủ đoạn tinh vi do Đinh Hữu Ngọc và Nguyễn Thế Thành cầm đầu. Khám xét nơi ở của 4 đối tượng này, Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều máy móc, thiết bị, con dấu, hồ sơ để làm giả các giấy tờ xe ô tô mà chủ yếu là các giấy biên nhận thế chấp ngân hàng và các giấy kiểm định xe.
Thủ đoạn của các đối tượng này là thành lập hội nhóm “Hội mua bán xe ngân” trên mạng xã hội để thực hiện việc giao dịch mua bán các loại xe ô tô “Ngân” (đây là xe đã thế chấp giấy tờ, đăng ký xe tại ngân hàng, một thời gian sau chủ xe không trả nợ theo hợp đồng thế chấp nữa mà mang xe đi bán). Các loại xe ô tô này không có giấy tờ gốc nên chỉ bán với giá khoảng 1/3 so với giá thị trường. Các đối tượng đã làm giả giấy biên nhận thế chấp ngân hàng để sử dụng đi kiểm định (không có giấy biên nhận thế chấp ngân hàng còn thời hạn không thể kiểm định cho xe ô tô) và dùng cho việc mua bán xe.
Tình tiết tăng nặng
Các nghi phạm và tang vật vụ án vừa bị CA tỉnh Thanh Hoá bắt giữ (Ảnh: CA tỉnh Thanh Hóa) |
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vì lợi ích cá nhân, các đối tượng đã lợi dụng sự tín nhiệm của người khác đã làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức để chiếm đoạt tài sản, gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây ảnh hưởng tới quyền sở hữu tài sản của người khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan Nhà nước. Căn cứ vào hành vi của các đối tượng cũng như kết quả điều tra hiện tại của phía cơ quan chức năng, các đối tượng phạm vào tội “Lạm dụng tín chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thông qua hình thức hợp đồng mua, bán tài sản, các đối tượng dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó. Phía cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành xác minh, điều tra số tiền các đối tượng chiếm đoạt để đưa ra khung hình phạt tương xứng. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm và sẽ bị xử lý theo Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Cũng theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, hành vi cung cấp các thông tin để làm giả các tài liệu trên đây của các đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù được quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, các đối tượng có thể bị áp dụng các tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự trên cơ sở đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội theo các điểm a, b, g khoản 1 Điều 52, Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm: phạm tội có tổ chức; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội 2 lần trở lên. Nếu các tình tiết này là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Dùng bằng tốt nghiệp THPT giả thì các bằng cấp cao hơn sẽ bị thu hồi |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại