Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi góp phần thay đổi ngành du lịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDu khách quốc tế thích thú với sản phẩm thủ công truyền thống tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023. Ảnh: M.Miên |
Những hiệu quả thấy rõ
Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung 15 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và 10 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quả cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ năm 2019), bao gồm 4 nhóm: Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam trên môi trường điện tử.
Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam trong đó có nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày và quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần (quy định trước đây thị thực điện tử có giá trị một lần).
Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Kể từ khi Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi có hiệu lực (ngày 15/8/2023), đã có khoảng 5,6 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (tăng 1,8 lần so với năm 2022), trong đó 85% nhập cảnh với mục đích du lịch, 15% với mục đích khác như đầu tư, làm việc, thăm thân, du học…
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết như vậy trong khuôn khổ Hội nghị Phát triển Du lịch Việt Nam nhanh, bền vững vừa diễn ra do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Theo đó, sau khi Luật Xuất nhập cảnh được Quốc hội ủng hộ thông qua, hiện nay, Bộ Công an đã triển khai chính sách visa, dịch vụ công cấp độ 3, 4 trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Tại các cửa khẩu, cảng hàng không đều lắp và sử dụng cửa tự động thuận lợi cho khách du lịch xuất, nhập cảnh vào Việt Nam.
Về các loại giấy tờ nhập cảnh, 25% nhập cảnh bằng thị thực điện tử, 25% nhập cảnh bằng thị thực và các loại giấy tờ thay thế mới, tức là ngoài thị thực điện tử vẫn có giấy tờ khác như thẻ tạm trú, thẻ APEC, hoặc giấy miễn thị thực đơn phương. Về quốc tịch, khách Hàn Quốc lớn nhất chiếm 27%, Trung Quốc chiếm 20%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7%, Nhật Bản 6%, Hoa Kỳ 5%. Riêng đối với đơn phương miễn thị thực, sau 3 tháng kể từ khi thực hiện Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi, có 1.259.712 lượt nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực (cao hơn 1,6 lần tức so với năm ngoái). Trong đó, cao nhất là Hàn Quốc 886.671 lượt, Nhật Bản 151.529 lượt, sau đó là Vương quốc Anh, Pháp, Nga.
Số người thuộc diện đơn phương miễn thị thực nhưng vẫn lựa chọn thị thực điện tử (vì thị thực điện tử trong vòng 3 ngày làm việc đã được trả lời được hay không được). Qua thống kê, từ khi Luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực, khoảng 26.000 lượt người ở các nước đơn phương miễn thị thực vẫn lựa chọn thị thực điện tử để đi vào Việt Nam. Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết mỗi ngày, Bộ Công an trả lời trung bình hơn 7.000 thị thực điện tử. Đó là những trường hợp đủ điều kiện và xu hướng sử dụng thị thực điện tử chiếm tỉ lệ ngày càng cao.
Nhiều tín hiệu tích cực
Ba tháng vừa qua, so với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch, khách quốc tế giảm 4%. Khách quốc tế diện đơn phương miễn thị thực giảm 15% so với trước dịch. Trung bình 1 khách nước ngoài lưu trú ở Việt Nam 7,7 ngày nhưng diện đơn phương miễn thị thực chỉ lưu trú trong vòng 3,8 ngày.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, sắp tới Bộ này sẽ phân tích dữ liệu thị trường/ dòng khách nào thường xuyên quay lại, quay lại cư trú ở địa điểm nào để có những phân tích quản lý lưu trú, phục vụ du lịch. “Chúng tôi xác định du lịch là ngành kinh tế mang tính đặc thù, tổng hợp và tính liên ngành, liên lĩnh vực. Lĩnh vực này cũng tương đối nhạy cảm đối với các yếu tố liên quan đến an ninh chính trị, cạnh tranh chiến lược, hoặc liên quan đến kinh tế, văn hóa và đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Bộ Công an nhận thức được nhiệm vụ này và chúng tôi đổi mới toàn diện tư duy, nhận thức và hành động để làm sao phát triển du lịch thực chất, bền vững, gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội,” Thứ trưởng Lương Tam Quang khẳng định.
Ông cũng cho rằng với kết quả trên, chính sách thị thực chưa phải là vướng mắc chính của du lịch mà Kinh tế Xanh muốn phát triển bền vững cần phải có sản phẩm du lịch, truyền thông du lịch và các yếu tố thúc đẩy du lịch khác. Từ đó lãnh đạo Bộ Công an xin kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và các văn bản liên quan để làm sao quy định cụ thể, chi tiết, thống nhất về khái niệm, bản chất, các hình thức, mục đích sử dụng bất động sản du lịch.
Bên cạnh đó, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 34 về quy chế quản lý khu vực biên giới đất liền theo hướng miễn cấp giấy phép đi vào khu vực đất liền đối với người nước ngoài khi vào tham quan tại khu du lịch thuộc khu vực biên giới. Bởi thực tế, chúng ta đang làm thí điểm ở các tỉnh giáp biên với Trung Quốc. Nếu có chính sách này sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn.
Trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang phục hồi nhanh chóng kể từ sau đại dịch COVID-19, trong đó nhiều nước đã đạt được mức trước đại dịch, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong sự phát triển này. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước này đã tăng đột biến, với gần 4,6 triệu lượt khách trong 5 tháng đầu năm 2023, tăng 12,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, song bất chấp mức tăng trưởng ấn tượng này, lượng du khách đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 vẫn chỉ bằng 63% lượng khách của năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Trong năm 2022, Việt Nam lỡ mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách nước ngoài khi chỉ ghi nhận con số 3,66 triệu lượt khách. Với những thay đổi mới trong chính sách thị thực, Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2023 đón 8 triệu lượt du khách nước ngoài. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại