Thứ năm 23/01/2025 06:27
Vụ đánh người sau va chạm giao thông:

Nếu hành vi gây thương tích dưới 11% có bị xử lý hình sự?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với hành vi đánh người sau va chạm giao thông, nếu thương tích của nạn nhân dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu hành vi gây thương tích dưới 11% có bị xử lý hình sự?
Hình ảnh Bùi Mạnh Khoa hành hung người đi đường sau va chạm giao thông.

Hành vi đáng lên án

Tối 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA quận 4, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp với Bùi Thanh Khoa (40 tuổi, trú tại Quận 10, TP Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Bước đầu, Bùi Thanh Khoa khai do va chạm xe trên đường nên bực tức xuống đánh cô gái 23 tuổi trên đường Khánh Hội (Quận 7, TP Hồ Chí Minh).

Trước đó, sáng ngày 9/12, chị Q.T.A (23 tuổi, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) điều khiển xe máy SH di chuyển trên đường Khánh Hội, theo hướng từ Quận 7 qua cầu Kênh Tẻ. Khi đến trước nhà số 120 - 122 đường Khánh Hội, chị A bị Bùi Thanh Khoa chạy xe máy Honda Air Blade biển số 59H1 - 547.48 ép xe vào lan can giữa đường, khiến xe của chị A va quẹt vào phía sau xe của Khoa.

Lúc này, Khoa chủ động dừng xe, quay lại dùng hai tay đánh liên tiếp vào mặt chị A. Khi cô gái ngã vào lan can giữa đường, Khoa đã dùng cùi chỏ tay trái đánh vào vùng đỉnh đầu dùng chân phải đá vào mặt chị A. Khi chị A đứng dậy, Khoa tiếp tục dùng tay đánh vào người, cho đến khi có một người lái xe 16 chỗ đi bên chiều đường ngược lại dừng xe lại và có lời nói can ngăn, Khoa mới dừng việc đánh chị A sau đó lên xe bỏ đi.

Toàn bộ sự việc đã được camera hành trình của một chiếc xe di chuyển phía sau ghi lại. Sau khi bị Khoa đánh gây thương tích, chị A đến CA phường 4, quận 4 trình báo sự việc và đến Bệnh viện quận 4 để khám vết thương. Giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Quận 4 xác định tình trạng thương tích lúc vào viện: chấn thương bầm, sưng vùng gò má phải bầm niêm mạc miệng vùng môi dưới 02x02 cm. Chị A có đơn yêu cầu giám định và xử lý hình sự đối với người gây ra thương tích cho mình là Khoa.

Nếu hành vi gây thương tích dưới 11% có bị xử lý hình sự?
Đối tượng Bùi Mạnh Khoa tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an cung cấp

Quy định của pháp luật

Về hành vi của đối tượng Bùi Mạnh Khoa, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cơ quan chức năng đã bắt khẩn cấp Bùi Mạnh Khoa để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Cụ thể, khoản 1 Điều này quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. “Cố ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 11% thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị áp dụng hình phạt tù là điều không cần bàn cãi” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng phân tích.

Còn trường hợp cố ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị áp dụng hình phạt tù. khi thuộc một trong các trường hợp sau: dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Hoặc trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; có tính chất côn đồ; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, hành vi đánh nhau xảy ra sau một va chạm giao thông, có thể coi là một phản ứng tức thời. Tuy nhiên, qua đoạn clip cho thấy Khoa đã tiến tới và đấm vào mặt nạn nhân, sau đó tiếp tục đạp vào mặt khi nạn nhân đã ngã xuống đất, cho thấy hành vi này có tính chất quyết liệt và không tương xứng với nguyên nhân ban đầu.

Về mức độ tấn công, với hành vi đánh, đập liên tục, nếu không có sự can ngăn hoàn toàn có thể gây thương tích cho nạn nhân. Qua đó cho thấy sự có quyết liệt trong hành động. Hành vi này diễn ra một cách công khai và có tính chất thách thức, đây có thể được coi là có tính chất côn đồ. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, người bị đánh cần sớm thực hiện việc giám định để xác định tỉ lệ thương tích. Đồng thời cũng phải xem xét cụ thể các tình tiết của vụ việc cũng như các yếu tố liên quan đến nhân thân của người thực hiện hành vi.

Nữ sinh viên ở Hà Nội lĩnh án 15 năm tù về tội “Giết người”
Đối tượng chặn xe tấn công tài xế sau va chạm giao thông có tiền án tội "Giết người"
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động