Thứ năm 23/01/2025 05:22
Tài xế vượt đèn đỏ sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng

Ngăn chặn thói quen xấu của người tham gia giao thông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc xử lý nghiêm minh kết hợp với tuyên truyền sâu rộng tạo nền tảng quan trọng để xây dựng môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn và hướng tới một môi trường giao thông văn minh, hiện đại.
Ngăn chặn thói quen xấu của người tham gia giao thông
Người tham gia giao thông tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến chấp hành khá tốt quy định mới (Ảnh: N.N)

Tạo ý thức, thói quen cho người tham gia giao thông

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Theo nghị định này, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao, tập trung vào nhóm hành vi liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông trên đường, trong đó có cao tốc và một số nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Sáng ngày 1/1/2025, ghi nhận tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, phần lớn người dân đã tuân thủ quy định, đặc biệt là dừng chờ đèn đỏ đúng tín hiệu giao thông. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp cố tình vi phạm, điển hình là hành vi vượt đèn đỏ tại các nút giao thông Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn, Cửa Nam - Phan Bội Châu, Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng…

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT – CATP Hà Nội cho biết, bên cạnh việc xử lý, đơn vị tổ chức tuyên truyền cho nhiều người dân ngay tại các nút giao trên địa bàn. Nhiều người vi phạm thắc mắc đã được xem lại video, hình ảnh vi phạm để từ đó “tâm phục, khẩu phục” các quyết định của CSGT.

Chiều cùng ngày, tổ công tác Đội CSGT số 6, Phòng CSGT - CATP Hà Nội làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến đường Phạm Hùng. Quá trình làm nhiệm vụ, tổ công tác bí mật ghi hình tài xế vi phạm lỗi vượt đèn đỏ tại ngã tư Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ và phát hiện một số trường hợp vi phạm.

Chỉ huy Đội CSGT số 6 cho biết, ngoài công tác tuyên truyền, đơn vị sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi cố ý, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... đơn vị sẽ ghi lại hình ảnh vi phạm để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng... "Người dân tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tạo thói quen dừng xe khi đèn đỏ, không vượt ẩu, phóng nhanh, đã sử dụng rượu bia là không lái xe…", chỉ huy Đội CSGT số 6 khuyến cáo.

Theo đại diện Cục CSGT, đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn cho công an các địa phương để thực thi nghiêm Luật Trật tự, an toàn giao thông ngay từ ngày đầu có hiệu lực, góp phần thiết lập lại kỷ cương, tạo thói quen cho người tham gia giao thông.

Ngăn chặn thói quen xấu của người tham gia giao thông
Một trường hợp vi phạm tại tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long (Hà Nội). (Ảnh: T.A)

Ngoài ra, lực lượng CSGT các địa phương đã tiến hành nắm bắt các tuyến, điểm, ngã tư... phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, nhất là các ngã tư có nhiều vi phạm để xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện kĩ thuật, vận động người dân chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông. "Về quan điểm của Bộ Công an, Luật Trật tự, an toàn giao thông sẽ xử lý nghiêm người vi phạm với phương châm "không vùng cấm, không ngoại lệ" và cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm quy định", đại diện Cục CSGT cho biết.

Điển hình, khoảng 14h, tổ công tác phát hiện chị N.K.V. (SN 2006, trú tại Hà Nội) điều khiển xe máy chở bạn di chuyển hướng Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ vượt đèn đỏ và dừng kiểm tra. Sau khi được xem hình ảnh vi phạm, chị V. thừa nhận hành vi vi phạm của bản thân và ký biên bản.

Chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1985, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) ủng hộ nghị định mới này và cho rằng cần phải xử lý nghiêm đối với các hành vi cố tình vi phạm trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. "Hàng ngày, tôi thường phải tham gia giao thông với cường độ cao. Bởi vậy, khi tham gia giao thông tôi luôn ý thức được việc phải chấp hành các quy định, Luật giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và những người xung quanh. Còn về mức phạt, tôi cho rằng sẽ có một số khó khăn nhất định cho lái xe, nhất là đối với những người có thu nhập thấp, kinh tế bấp bênh. Tuy nhiên, đây cũng là cách để răn đe khiến người tham gia giao thông không dám cố tình vi phạm", chị Huệ nêu quan điểm.

Xem xét áp dụng chế tài hình sự

Trong khi đó, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trước tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, chế tài hành chính trước đây chưa đủ sức răn đe thì việc Chính phủ ban hành nghị định mới, quy định tăng mức chế tài đối với một số nhóm hành vi là hoàn toàn cần thiết và hợp lý.

Mặc dù cơ quan chức năng đã quyết liệt trong việc xử lý nhưng những hành vi vi phạm về giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, đi vào đường ngược chiều, đi sai phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đi xe mô tô vào đường cao tốc, đi lùi trên đường cao tốc vẫn thường xuyên diễn ra. Thậm chí, một số tài xế vẫn có thói quen xấu bất chấp quy định, cố tình vi phạm giao thông...

Ngăn chặn thói quen xấu của người tham gia giao thông
CSGT sử dụng hình ảnh qua hệ thống camera giám sát để phát hiện các trường hợp vi phạm tại ngã tư Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). (Ảnh: T.A)

“Thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới, những hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông, vi phạm nồng độ cồn còn có thể bị áp dụng chế tài hình sự kể cả khi không gây ra hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Đinh Thị Nguyên nhấn mạnh.

Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, Bộ luật Tố tụng hình sự thực định cũng có những quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm giao thông mà chưa gây ra hậu quả như quy định tại khoản 4 Điều 260, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, kể từ thời điểm quy định này có hiệu lực đến nay gần như chưa có vụ án nào xử lý hình sự với người vi phạm về giao thông đường bộ có khả năng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời. Đó cũng là lý do khiến cho những người vi phạm giao thông đường bộ chưa gây ra hậu quả tiếp tục tái phạm nhiều lần.

“Bởi vậy việc sửa đổi Nghị định 68 của Chính phủ để tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời nghiên cứu hướng dẫn quy định của luật hình sự để có thể hình sự hóa những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là cần thiết”, luật sư Đinh Thị Nguyên đề xuất.

Những mức phạt thay đổi đáng chú ý từ ngày 1/1/2025 đối với ô tô, xe máy Những mức phạt thay đổi đáng chú ý từ ngày 1/1/2025 đối với ô tô, xe máy

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực đường bộ ...

Người vi phạm giao thông bỏ lại xe có thể bị trừ lương hoặc thu nhập Người vi phạm giao thông bỏ lại xe có thể bị trừ lương hoặc thu nhập

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, siết chặt các quy định xử phạt vi phạm giao thông, đặc biệt là ...

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động