Nhờ chuyển tiền vào tài khoản rồi bỏ chạy, đối diện tội danh gì?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Đối tượng Phạm Thị Hoài. |
Dụ chuyển tiền rồi bỏ chạy
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An tạm giữ hình sự Phạm Thị Hoài, SN 1997, trú tại xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để điều tra hành vi chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Công an xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nhận được trình báo của chị N.T.Th, trú xã Nam Sơn về việc bị một đối tượng không quen biết chiếm đoạt số tiền 3 triệu đồng.
Cụ thể, tối 25/3/2025, một người phụ nữ lạ mặt nói sẽ đưa tiền và nhờ chị Th. chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng. Dù không quen biết nhưng nghe lời khẩn cầu của người phụ nữ lạ mặt, chị Th. đã bị thuyết phục. Thời điểm xảy ra vụ việc, mặc dù chưa cầm tiền nhưng chị Th đã chuyển khoản vào tài khoản theo yêu cầu của người phụ nữ lạ mặt. Ngay sau khi chuyển khoản, người phụ nữ đã không đưa lại tiền mặt cho chị Th. mà vội vã lên xe máy nhãn hiệu Sirius màu vàng, bỏ chạy. Do bất ngờ, chị Th. đã đuổi nhưng không theo kịp đối tượng.
Tiếp nhận tin báo, Công an xã Nam Sơn, huyện Đô Lương khẩn trương vào cuộc truy tìm. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định người phụ nữ lạ chiếm đoạt số tiền của chị Th. chính là Phạm Thị Hoài. Khi bị triệu tập đến cơ quan Công an, đối tượng Phạm Thị Hoài khai nhận, từ ngày 10/3/2025 cho đến khi bị bắt, đã thực hiện trót lọt 3 vụ lừa người khác chuyển tiền vào tài khoản của mình rồi bỏ chạy. Tổng số tiền Phạm Thị Hoài đã chiếm đoạt được hơn 10 triệu đồng.
Đối diện tội danh gì?
Về vụ việc, luật sư Vũ Văn Biên - Giám đốc Công ty TNHH Luật An Phước nhận định: hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi, tội phạm thường thực hiện hành vi lừa đảo không chỉ trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web. Thủ đoạn nhờ chuyển tiền vào tài khoản qua việc “hack” zalo, facebook và cả thực hiện trực tiếp đã từng xảy ra khá nhiều. Trên không gian mạng, sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại và thường người bị hại không biết hoặc biết thông tin không chính xác về tội phạm. Còn trực tiếp ngoài đời sống, các đối tượng xấu thường lợi dụng những người nhẹ dạ, cả tin để thực hiện hành vi lừa đảo.
“Đối với hành vi của Phạm Thị Hoài nêu ở trên cho thấy, dù không quen biết nhưng Hoài cố tình dùng lời lẽ khẩn cầu để thuyết phục nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của mình. Về hành vi khách quan, hành vi của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối; dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội” - luật sư Vũ Văn Biên phân tích.
Cũng theo luật sư, do đặc điểm riêng của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Và đặc điểm nổi bật của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt. Nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể, có thể là hành vi phạm tội khác, như tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Trong vụ việc trên, đối tượng Phạm Thị Hoài đã có hành vi gian dối trước khi lừa nạn nhân để chiếm đoạt. Như vậy, hành vi này cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Dưới góc độ pháp lý, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản phạm tội thuộc khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bị phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạm tội thuộc khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; phạm tội thuộc khoản 3 Điều này thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; phạm tội thuộc khoản 4 Điều này thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Để nâng cao nhận thức và phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả với loại tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người dân cần cảnh giác trước những “chiêu trò” của đối tượng lạ khi thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản, đặc biệt là tiền. Đối với giao dịch qua mạng, người dân cần lưu ý những cuộc gọi của người lạ. Kể cả trường hợp chuyển tiền nhầm đến tài khoản của mình thì không sử dụng số tiền đó vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm. Tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ 3 làm chứng… Nếu nghi ngờ những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, hay bị đe dọa, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo - luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty TNHH Luật An Phước. |
![]() | "Cuộc gọi mồi" và lừa đảo qua điện thoại: người dân cần làm gì để tự bảo vệ mình? |
![]() | Người phụ nữ cảnh giác, phát hiện cuộc gọi giả danh cán bộ thuế nhằm lừa đảo |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại