Những dấu hiệu nhận biết thực phẩm đóng hộp bị nhiễm khuẩn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Thực phẩm tự làm hoặc chế biến tại nhà cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn nếu không được tiệt trùng đúng cách. Ảnh minh họa |
Nhận biết thực phẩm đóng hộp bị nhiễm khuẩn
Dấu hiệu bên ngoài hộp:
- Hộp bị phồng: đây là dấu hiệu phổ biến nhất của thực phẩm nhiễm vi khuẩn sinh khí (botulinum).
- Hộp bị rỉ sét, móp méo hoặc rò rỉ: khiến bao bì mất khả năng bảo vệ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Nắp và đáy hộp lồi bất thường: bình thường nắp và đáy hộp sẽ phẳng hoặc hơi lõm nhẹ vào trong.
Khi mở hộp:
- Có mùi lạ, hôi hoặc chua: mùi bất thường cho thấy thực phẩm đã bị biến chất.
- Nước trong hộp bị đục hoặc có bọt khí: dấu hiệu vi sinh vật sinh khí và phân hủy thực phẩm.
- Thực phẩm đổi màu, có váng lạ: thực phẩm chuyển sang màu bất thường (đen, xám, xanh lạ) hoặc có màu sẫm lại, xuất hiện váng nổi trên bề mặt.
- Kết cấu thực phẩm bất thường: bị nhớt, nhầy, hoặc tách lớp (đặc biệt là nước dùng, nước sốt).
Bạn tuyệt đối không nên nếm thử thực phẩm nghi ngờ bị hỏng vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt một lượng rất nhỏ độc tố botulinum cũng có thể gây tử vong.
Khi nghi ngờ, bạn nên vứt bỏ an toàn (bọc kín trong túi và bỏ vào thùng rác, không để vật nuôi ăn phải).
Những loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao
Thực phẩm tự làm hoặc chế biến tại nhà cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn:
- Pate, thịt muối, xúc xích tự làm không đảm bảo điều kiện tiệt trùng.
- Đồ ngâm chua tự làm như dưa chuột ngâm, cà pháo, dưa cải muối, đặc biệt nếu ngâm kín lâu ngày trong môi trường yếm khí.
- Đồ hộp, thực phẩm đóng lọ thủy tinh không tiệt trùng đúng tiêu chuẩn.
Bảo quản thực phẩm đóng hộp đúng cách như thế nào?
Khi chưa mở hộp:
- Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát (nhiệt độ từ 15 - 25°C).
- Tránh ánh nắng trực tiếp, nơi có nhiệt độ cao hoặc độ ẩm cao.
- Không để hộp bị va đập mạnh, móp méo hoặc xếp chồng nặng.
Sau khi mở hộp:
- Nên chuyển thực phẩm ra hộp sạch, không để thực phẩm trong hộp gốc sau khi mở nắp, vì lớp kim loại bên trong có thể bị oxy hóa và ảnh hưởng đến thực phẩm. Nên dùng hộp thủy tinh, hộp nhựa an toàn thực phẩm có nắp kín để bảo quản.
- Bảo quản trong tủ lạnh
Nhiệt độ lý tưởng: dưới 4°C để hạn chế vi khuẩn phát triển.
Thời gian sử dụng:
Thịt hộp, cá hộp, pate: dùng trong 1 - 3 ngày.
Rau củ đóng hộp: tối đa 3 - 5 ngày.
Trái cây đóng hộp: khoảng 5 - 7 ngày.
- Với thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm khuẩn (pate, cá hộp, thịt hộp, thực phẩm tự làm tại nhà): hâm nóng kỹ trước khi ăn lại, đặc biệt là pate hoặc thịt hộp, để tiêu diệt vi khuẩn (đun sôi ít nhất 10 - 15 phút). Không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ sau khi mở hộp.
- Đối với thực phẩm tự làm tại nhà (đồ ngâm, pate tự làm, thực phẩm hút chân không): nếu không dùng ngay, nên bảo quản trong ngăn đá để kéo dài thời gian sử dụng. Khi lấy ra dùng, rã đông đúng cách trong ngăn mát tủ lạnh thay vì để ở nhiệt độ phòng.
Ngộ độc Clostridium botulinum có thể gây liệt cơ, khó thở và tử vong, đặc biệt khi sử dụng thực phẩm đóng hộp hoặc thực phẩm tự làm không đảm bảo vệ sinh, tiệt trùng. Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn thực phẩm khi sử dụng và bảo quản thực phẩm đóng hộp để không xảy ra những hậu quả nghiêm trọng |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại