Ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Nâng cao năng lực phòng ngừa tại các cơ sở có bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Ảnh minh họa |
Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: hàng năm, tổ chức, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.
Về mục tiêu, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở có bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Về kế hoạch tổ chức các hoạt động, triển khai chiến dịch truyền thông từ ngày 10/4/2025 đến 15/5/2025 với các hoạt động:
Tổ chức phát động triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”. Đối tượng truyền thông gồm chính quyền các cấp; các cơ quan tham gia quản lý an toàn thực phẩm, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tổ chức truyền thông qua kênh truyền thông đại chúng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thực phẩm; phát huy hệ thống Đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn và các trang thông tin điện tử, mạng xã hội để chuyển tải thông điệp Tháng hành động, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, hướng dẫn thực hành đúng về an toàn thực phẩm... đến các đối tượng truyền thông; kênh truyền thông trực tiếp...
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Đối với cơ sở thực phẩm, tập trung kiểm tra các cơ sở thực phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cơ sở giết mổ, cơ sở thu gom và sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; sản phẩm nguồn gốc động vật; rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, sản phẩm chế biến bột và tinh bột; kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; nước uống đóng chai, nước đá dùng liền; thực phẩm bảo vệ sức khỏe; nội dung kiểm tra cần tập trung thực hiện.
Triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm đối với các nhóm thực phẩm theo trách nhiệm quản lý của từng ngành, từng địa phương để có cơ sở dự báo, khuyến cáo về tình hình an toàn thực phẩm cho Nhân dân.
Đồng thời, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật
Về cơ quan chủ trì, tại Trung ương: Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Bộ Y tế là cơ quan thường trực, đặt tại Cục An toàn thực phẩm).
Tại địa phương: Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố; Ủy ban Nhân dân các cấp; các Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp tại địa phương.
Cơ quan phối hợp: Bộ Nông Nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan có liên quan.
Các tổ chức, đoàn thể, quần chúng: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam; Hiệp hội Thực phẩm chức năng; Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam phối hợp triển khai Tháng hành động.
![]() | Hà Nội: siết chặt quản lý thực phẩm đường phố |
![]() | Phòng tránh ngộ độc thực phẩm với “10 nguyên tắc vàng” và “5 chìa khóa vàng” từ WHO |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại