Thứ năm 22/05/2025 17:52

Hà Nội thành lập đoàn khảo sát việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 22/5, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã quyết định thành lập đoàn khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Lực lượng liên ngành kiểm tra, thu giữ thuốc, thực phẩm chức năng giả của ổ nhóm Phạm Ngọc Tiến cầu đầu.
Lực lượng liên ngành kiểm tra, thu giữ thuốc, thực phẩm chức năng giả trong đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả với quy mô lớn do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu.

Theo đó, đoàn khảo sát sẽ thực hiện nhiệm vụ trong tháng 6/2025, tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá thực trạng thực thi pháp luật, phát hiện những tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Trên cơ sở đó, đoàn khảo sát sẽ kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đối tượng khảo sát bao gồm các sở, ngành chức năng như Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cùng với UBND các quận, huyện, thị xã. Nội dung khảo sát tập trung vào việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm, công tác tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2025, với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm" . Đây là một trong những nỗ lực của TP nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý, gần đây, Công an TP Hà Nội đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả với quy mô lớn. Cầm đầu đường dây là Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt, cùng SN 1988, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội. Sau khoảng một năm theo dõi, lực lượng chức năng đã khám xét khẩn cấp gần 20 địa điểm liên quan, thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa giả, bao gồm hơn 28.000 hộp thực phẩm chức năng, gần 39.000 vỉ viên nang, cùng hàng nghìn tem nhãn, máy móc và nguyên vật liệu sản xuất.

Các đối tượng đã thành lập 17 công ty, trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa và 11 công ty phân phối trong nước. Bằng cách sử dụng thương hiệu nước ngoài và in nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, các đối tượng đã đánh lừa người tiêu dùng và hợp pháp hóa giấy tờ khi bị kiểm tra. Sản phẩm giả đã được tiêu thụ tại nhiều hiệu thuốc, bệnh viện trên toàn quốc, gây nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã phối hợp với Công an TP Hà Nội để xác minh, làm rõ các sản phẩm liên quan đến đường dây sản xuất hàng giả, đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng và thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Việc thành lập đoàn khảo sát và các hoạt động kiểm tra, giám sát là những bước đi cần thiết và kịp thời của TP Hà Nội nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân và giữ vững niềm tin của cộng đồng vào hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.

Vụ triệt phá 100 tấn thuốc và thực phẩm chức năng giả dưới góc nhìn pháp lý
Không khoan nhượng với thực phẩm bẩn
Phân định rõ trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm tiêu cực
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động