Những người lính với bản lĩnh thép
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Nguyễn Đức Chiêu chia sẻ về Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mà ông từng tham gia chiến đấu |
Ông Nguyễn Đức Chiêu năm nay 73 tuổi, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên là trắc thủ góc tà, tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 72, Trung Đoàn 285, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không không quân. Sau khi rời quân ngũ, ông học tiếp ĐH và về công tác tại Tổng cục Kỹ thuật năm 1979. Năm 1986, ông chuyển ngành về Bộ Công nghiệp nhẹ và làm việc tại Nhà máy cơ khí Quang Trung.
Tiểu đoàn 72 của trắc thủ góc tà Nguyễn Đức Chiêu được mệnh danh là đơn vị “Bắt sống máy bay B52”. Trong chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, ông Chiêu và đồng đội đã bắn hạ máy bay B52 khi chúng trên đường bay vào Hà Nội, tiêu diệt 2, bắt sống 4 phi công địch. Phần thân máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp (làng Ngọc Hà). Đuôi và cánh máy bay rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám. Ðây là chiếc B52 duy nhất còn nguyên bom, đạn khi đó. 4 phi công bị bắt sống sau này được Chính phủ Việt Nam trao trả cho phía Mỹ.
Nhớ lại ký ức hào hùng của Thủ đô và dân tộc, ông Chiêu chia sẻ, trong một buổi tối, khoảng 22h, tiêu độ 9 bắt được nhiễu của B52 từ khoảng cách 300 km, dải nhiễu mờ và nhạt, càng vào gần nhiễu càng nặng hơn. Khi màn góc tà không bắt được, màn hình vẫn trắng xóa, ông Chiêu vô cùng lo lắng. Ông phải cố gắng quay hướng lái để bắt cùng với hai góc còn lại. “Ba người đều phải nhằm trúng mục tiêu, nếu lệch nhau thì tên lửa bắn lên sẽ rơi xuống Hà Nội, B52 sẽ phát hiện ra và cắt bom. Khi ấy không hiểu khu vực Ba Đình sẽ như thế nào…
Tôi không nhìn thấy bất kỳ một tín hiệu nào, buộc phải phán đoán. Gần như tôi phải quay vô lăng rất cẩn thận, tốc độ vê cũng phải thận trọng, nhẹ nhàng. Tôi phải tính toán để vừa bắn trúng máy bay, vừa gạt được tên lửa nó phóng xuống. Tốc độ tên lửa bắn hú họa của Mỹ phóng xuống nhanh hơn, đạn nhỏ hơn, nếu không chuẩn xác mình sẽ hy sinh trước khi máy bay rơi vì tốc độ tên lửa rơi từ trên xuống rất nhanh”, ông Chiêu cho biết.
Với sự rèn luyện và khả năng phán đoán chính xác, ông Chiêu đã bám đúng góc B52 đang vào. Nhận được lệnh từ Tiểu đoàn trưởng, ông và hai trắc thủ khác đã kịp thời phóng đạn, đi đúng một hướng. Ông Chiêu vẫn nhớ như in màn lửa tóe lên, sau đó là tiếng hò reo chiến thắng của toàn Tiểu đội. Cảm xúc vui sướng trào dâng khi quân ta bắn hạ máy bay B52 của địch.
Những chiếc B52 đã bị hạ gục bởi những người chiến sĩ quả cảm, với tình yêu đất nước, ý chí quyết tâm, đoàn kết đánh đuổi quân thù, để đất nước quy về một mối đã làm nên chiến thắng oanh liệt “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, hạ gục uy danh siêu pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ. Cho đến hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới bắn rơi được B52.
Với việc đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, ngày 27/01/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được tạo nên bởi sức mạnh tổng hợp từ sự lãnh đạo tài tình, trí tuệ, bản lĩnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó, yếu tố quan trọng là đánh bại những siêu pháo đài B52.
Một Hà Nội tỏa sáng niềm tin và bản lĩnh | |
Bản lĩnh Đảng tiên phong, dân tộc anh hùng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại