Thứ năm 23/01/2025 04:55

Phục hồi chức năng là một trong những lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 5/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Chương trình phát triển Hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 – 2030” với chủ đề “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng” trên chuyên trang điện tử Pháp luật và Xã hội tại địa chỉ https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: TS.Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), GS.TS.BS.Cao Minh Châu - Tổng Thư ký Hội Phục hồi Chức năng Việt Nam.
Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh
Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Xuân Khánh tặng hoa hai chuyên gia: TS.Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và GS.TS.BS.Cao Minh Châu - Tổng Thư ký Hội Phục hồi Chức năng Việt Nam. Ảnh: Khánh Huy

Phục hồi chức năng là một lĩnh vực mang tính cộng đồng cao

Phát biểu khai mạc tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Chương trình phát triển Hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 – 2030”, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh, cuộc tọa đàm, giao lưu trực tuyến nhằm tuyên truyền về văn bản chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện Chương trình Phát triển Hệ thống Phục hồi Chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là những chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện trong năm 2024. Về sự cần thiết của phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và sự tham gia, ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp đối với ngành phục hồi chức năng; các mô hình mạng lưới phục hồi chức năng tiêu biểu tại hệ thống y tế địa phương.

Đồng thời, đưa ra những giải pháp về việc duy trì và phát triển mạng lưới phục hồi chức năng phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế, điều kiện kinh tế, xã hội và tiến tới ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Cùng với đó phát triển dịch vụ phục hồi chức năng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, người có công với cách mạng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

“Hy vọng thông qua cuộc tọa đàm, giao lưu trực tuyến ngày hôm nay sẽ tăng cường truyền thông và vận động xã hội, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn về phục hồi chức năng; các khuyến cáo về phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật. Đồng thời, khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật” - ông Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh.

Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cũng thông tin thêm, Báo Kinh tế & Đô thị là cơ quan truyền thông đa phương tiện, chủ lực của Thủ đô với 9 ấn phẩm in và điện tử với lượng bạn đọc truy cập trên 15 triệu lượt mỗi tháng. Cùng với đó là hệ sinh thái số trên các nền tảng mạng xã hội như facebook; Zalo...

Năm 2024, Báo được UBND TP Hà Nội lựa chọn là cơ quan chuyển đổi số điển hình, được Bộ Thông tin & Truyền thông chấm điểm là cơ quan báo chí chuyển đổi số cấp độ xuất sắc. Báo Kinh tế & Đô thị đang có những thành công về đa dạng hóa các loại hình truyền thông như tổ chức các Chương trình truyền thông lớn của Thành phố: Chương trình truyền thông về môi trường; Chương trình truyền thông vì an toàn giao thông; Chương trình truyền thông Những cống hiến thầm lặng; Diễn đàn phát triển kinh tế bền vững và rất nhiều các sự kiện khác do báo chủ trì, phối hợp chủ trì tổ chức.

Với hạ tầng công nghệ và năng lực của Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Xuân Khánh mong muốn cuộc Tọa đàm hôm nay sẽ mở ra cơ hội phối hợp sâu, rộng hơn trong lĩnh vực truyền thông đại chúng với Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) trong năm 2025 và thời gian tiếp theo nữa.

Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh
Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy

Tại tọa đàm, TS.Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, phục hồi chức năng (PHCN) là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mạn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế, giúp cho người bệnh hồi phục lại tối đa chức năng cơ thể thông qua các biện pháp luyện tập, thay đổi môi trường. Mục đích chính của phương pháp này là làm giảm tối đa tác động của giảm chức năng và khuyết tật, từ đó, giúp người bệnh hoà nhập hoặc tái hoà nhập với xã hội. Những chức năng này có thể thuộc về chức năng thể chất hoặc tâm thần (khả năng vận động, nhận thức, tư duy,…).

Việc suy giảm hoặc mất đi chức năng đến từ các nguyên nhân như: tai nạn, dị tật bẩm sinh, hậu quả của các bệnh lý nặng,… Mỗi trường hợp bệnh, khuyết tật sẽ phù hợp với một hình thức phục hồi khác nhau. Mục tiêu điều trị là hồi phục sức khỏe tối đa cho người bệnh, giúp họ lấy lại được khả năng tự hoạt động.

Theo TS.Vương Ánh Dương, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhu cầu phục hồi chức năng lớn: tỷ lệ người khuyết tật cao, trên 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật, hiện có khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; dân số già hóa, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam hiện nay là 13,9% (công bố của Tổng cục thống kê năm 2023). Mô hình bệnh tật thay đổi: chấn thương không chủ định, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh tâm thần, đại dịch Covid-19… gia tăng số người cần phục hồi chức năng.

"PHCN là một lĩnh vực mang tính cộng đồng cao, giúp người bệnh có những cơ hội bình đẳng, tham gia vào các hoạt động xã hội. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa, đồng thời giảm thiểu tỷ lệ khuyết tật.

PHCN đã khẳng định vị trí quan trọng và ngày càng được Đảng, Nhà nước và ngành Y tế quan tâm, thể hiện bằng các văn bản của Quốc hội, chính phủ như: Luật Người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quan điểm tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 phê duyệt Chương trình Phát triển Hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050: “Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh; là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mãn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế, đảm bảo được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng để nâng cao sức khỏe, góp phần phát triển xã hội bền vững.

Duy trì và phát triển mạng lưới phục hồi chức năng phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế, điều kiện kinh tế, xã hội và tiến tới ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đồng thời, phát triển dịch vụ phục hồi chức năng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, người có công với cách mạng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng” - TS.Vương Ánh Dương cho biết.

Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh
TS.Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy

Sau khi chương trình được ban hành, Bộ Y tế được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức thực hiện, điều hành hoạt động của chương trình. Thực hiện các nhiệm vụ được phân công, Bộ Y tế đã triển khai tích cực các hoạt động nhằm thúc đẩy triển khai nhanh, hiệu quả chương trình như: hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình; đề nghị các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình của Bộ, chương trình tổng thể; hướng dẫn các nội dung chuyên môn về y tế thuộc phạm vi chương trình, kiểm tra, giám sát...

Cho tới nay, sau khi chương trình được triển khai hơn 1 năm, ngành phục hồi chức năng đã đạt được những kết quả tích cực. Có 55/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình với các mục tiêu, chỉ tiêu và hoạt động cụ thể. Với một số địa phương còn lại cũng đang xây dựng và trong quá trình trình ban hành. Bộ Y tế và các Bộ ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp và xây dựng Kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình. Hiện đang trong quá trình thống nhất nội dung đã hoàn thiện để trình Lãnh đạo Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tổng thể.

Về tổ chức hệ thống mạng lưới, hiện nay, cả nước có 63 bệnh viện/trung tâm PHCN, bao gồm: 1 bệnh viện PHCN trực thuộc Bộ Y tế, 38 bệnh viện PHCN tuyến tỉnh (trong đó có 10 bệnh viện Y dược cổ truyền-PHCN); 25 bệnh viện/trung tâm PHCN thuộc các Bộ, ngành. Ở tuyến Trung ương có 100% bệnh viện đa khoa, 75% bệnh viện chuyên khoa. Tuyến tỉnh có 90% bệnh viện đa khoa, 40% bệnh viện chuyên khoa có khoa PHCN. Tuyến huyện có 70% bệnh viện có khoa PHCN riêng biệt hoặc ghép với khoa khác; 95% trạm y tế có phân công cán bộ theo dõi công tác PHCN và người khuyết tật. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện đang quản lý 14 bệnh viện/trung tâm Chỉnh hình - PHCN và 230 cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng có hoạt động PHCN.

Về đào tạo nhân lực, số lượng tuyển sinh sinh viên đại học kỹ thuật PHCN tăng đột biến về số lượng và điểm chuẩn vào đại học. Về kinh phí hoạt động chương trình, rất nhiều địa phương đã bố trí kinh phí cho hoạt động như: Bến Tre, An Giang, Bắc Ninh,…

80-85% người khuyết tật tại cộng đồng được tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng

Về Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ), GS.TS.BS.Cao Minh Châu - Tổng Thư ký Hội Phục hồi Chức năng Việt Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật Y học ĐH Phenikaa, Giám đốc Trung tâm PHCN Bệnh viện ĐH Phenikaa, Chuyên gia PHCN của Bộ Y tế, cho biết: “Chương trình PHCNDVCĐ bắt đầu ở Việt Nam năm 1987 ở 3 tỉnh Tiền Giang, Hải Hưng, Vĩnh Phú. Cho đến nay đã có 41 tỉnh thành đã có triển khai chương trình PHCNDVCĐ. Sau khoảng thời gian triển khai, chương trình đạt những kết quả nổi bật. Cụ thể, chương trình được xã hội hóa rất cao, tham gia vào chương trình PHCNDVCĐ không những chỉ có ngành y tế mà còn các ngành khác như thương binh xã hội, giáo dục và nhiều tổ chức khác tham gia vào chương trình.

Tỷ lệ người khuyết tật được phục hồi nhiều nhất, từ 80-85% người khuyết tật tại cộng đồng được tiếp cận các dịch vụ PHCN. Xây dựng được mạng lưới PHCN từ Trung ương đến cộng đồng (các làng, xã). Hiện nay Hội Phục hồi Chức năng Việt Nam có hơn 4.000 hội viên, đa số đang hoạt động tại các cơ sở y tế PHCN từ tuyến huyện, xã. Đào tạo được nhiều bác sỹ PHCN, kỹ thuật viên PHCN,…Cung cấp gần 10 nghìn dụng cụ trợ giúp PHCN trong đó bao gồm cả xe lăn tay, chân tay giả và các dụng cụ chỉnh hình và các dụng cụ trợ giúp sinh hoạt khác.

Chương trình PHCNDVCĐ là cơ sở để Nhà nước ban hành Luật về người khuyết tật ngày 17/6/2010 và Quyết định 569 của Thủ tướng chính phủ Phê duyệt Chương trình Phát triển Hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành 5/2023). Thay đổi quan điểm và tầm nhìn về PHCN cho người khuyết tật.

Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh
GS.TS.BS.Cao Minh Châu - Tổng Thư ký Hội Phục hồi Chức năng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy

Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay hoạt động PHCNDVCĐ vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Đó là nhân lực mỏng, cán bộ y tế kiêm nhiều công việc cùng lúc, do đó công tác cập nhật và sử dụng dữ liệu phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật tại cơ sở y tế chưa đồng đều và khó khăn. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở và cộng tác viên luôn có biến động về mặt nhân sự do nghỉ hưu, bổ sung người mới, luân chuyển vị trí nên đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nhân sự mới thường xuyên.

Theo GS.TS.BS.Cao Minh Châu, để khắc phục những khó khăn này, nên khuyến khích người khuyết tật và gia đình người khuyết tật tham gia tích cực vào chương trình PHCNDVCĐ; lựa chọn tình nguyện viên và đào tạo liên tục (cần có kinh phí cho đào tạo); đào tạo lồng ghép vào các chương trình khác; đào tạo giáo viên về PHCN cho cộng đồng để họ có thể thực hiện huấn luyện cho tình nguyện viên và gia đình tại cộng đồng, tiếp cận và thực hiện PHCN Kỹ thuật số (Digital Rehabilitation); thực hiện chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm tại cộng đồng; PHCN phải là chương trình quốc gia để chính quyền và các ban, ngành có trách nhiệm với PHCN và người khuyết tật.

GS.TS.BS.Cao Minh Châu cho rằng, để duy trì và mở rộng chương trình PHCNDVCĐ cần chỉ đạo theo các điều kiện cơ bản để đi đến thành công theo các chuyên gia Quốc tế đánh giá và rút ra kinh nghiệm tại Việt nam.

"Để duy trì và mở rộng chương trình PHCNDVCĐ, phải có sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền thông qua ban điều hành của chương trình, phát triển nguồn nhân lực PHCNDVCĐ; phải có hệ thống chuyên môn từ Trung ương đến địa phương; điều kiện vật chất: “Tài liệu Huấn luyện người khuyết tật tại cộng đồng”; nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất các dụng cụ PHCN theo kỹ thuật thích nghi tại cộng đồng; cần có kinh phí cho chương trình: kinh phí Trung ương, kinh phí địa phương và các nguồn xã hội hóa,..." - GS.TS.BS.Cao Minh Châu nêu quan điểm.

Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Vương Ánh Dương nhấn mạnh: Thông qua tọa đàm, chúng tôi hy vọng các bạn đọc của Báo Kinh tế và Đô thị sẽ hiểu và quan tâm hơn về PHCN cũng như vai trò, ý nghĩa của PHCN để có những tiếp cận sớm, dự phòng các nguy cơ để giảm tối đa những vấn đề có thể gặp phải trong cuộc sống. Nếu gia đình phát hiện sớm việc trẻ bị khuyết tật, khuyết tật bẩm sinh thì hãy đưa các cháu đến cơ sở y tế để khám sàng lọc và có phương pháp điều trị sớm. 50% khuyết tật bẩm sinh vẫn có thể phục hồi được. Hay ở độ tuổi trung niên, chúng ta chẳng may bị thương, nếu bỏ qua, không điều trị sớm thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Nếu đến cơ sở y tế điều trị, các chấn thương hoàn toàn có thể được giải quyết và bệnh nhân sẽ được phục hồi tốt".
Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho người khuyết tật Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho người khuyết tật
Sắp diễn ra tọa đàm trực tuyến “Chương trình phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030” Sắp diễn ra tọa đàm trực tuyến “Chương trình phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030”
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động