Thứ năm 23/01/2025 20:30

Sản xuất kháng sinh giả: Không chỉ bất hợp pháp mà còn là vấn đề sức khoẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, ngày 5/10, đơn vị vừa phát hiện một cơ sở sản xuất thuốc chữa bệnh có dấu hiệu trái phép, giả mạo số lượng lớn có địa chỉ tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Sản xuất kháng sinh giả: Không chỉ bất hợp pháp mà còn là vấn đề sức khoẻ
Những loại thuốc phổ biến được sản xuất ở xưởng trái phép này

Sản xuất, làm giả thuốc kháng sinh với số lượng lớn

Theo đó, Đội QLTT số 19 – Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy (Công an huyện Thạch Thất) cùng Phòng Y tế huyện Thạch Thất bất ngờ kiểm tra một cơ sở sản xuất có địa chỉ tại thôn Cánh Chủ (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) vào ngày 5/10.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở này có 2 công nhân đang trực tiếp tham gia sản xuất thuốc (đang chạy máy dập vỉ thuốc Sabumol 2mg dạng vỉ loại 10 viên nén/vỉ và chạy máy nén viên, tủ sấy thuốc).

Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất và phát hiện 90kg thuốc thành phẩm dạng viên nén màu hồng và 2 loại thành phẩm thuốc gồm: Thuốc Tetracyclin TW3 (250mg): 14 thùng (48 hộp/thùng, 400 viên/hộp). Trên nhãn ghi LSX 0321, NSX 07/07/2021, HD: 07/07/2024. Số hàng hóa trên có dấu hiệu giả mạo sản phẩm thuốc Tetracyclin TW3; Thuốc Sabumol 2mg: 4.330 vỉ (10 viên/vỉ).

Lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia, dụng cụ bao gói và phát hiện: 34 bao Maize Starch loại 25kg/bao, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam trên nhãn ghi là tá dược dùng trong sản xuất dược phẩm/thực phẩm, do Ấn Độ sản xuất, đơn vị phân phối là Công ty TNHH TM Hóa Phúc Hưng, ngày sản xuất là 11/3/2022; 30 bao Lactose loại 25kg/bao, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Trên nhãn có ghi: công dụng là nguyên liệu dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, xuất xứ: Mỹ, công ty nhập khẩu là Công ty TNHH Develing Quốc tế Việt Nam...

Ngoài ra có 6 thùng Mannitol loại 25kg/thùng; 12 bao Calcium carbonate; 8 bao Phụ gia thực phẩm Calcium carbonate heavy loại 25kg/bao; 12 thùng Mannitol loại 25kg/thùng; 1 túi Menthol Crystar loại 2kg/túi; 2 thùng Povidone K30 loại 25kg/thùng; 1 thùng phụ gia thực phẩm PVP K30 loại 25kg/thùng; 3 thùng chứa chất bột màu vàng bên trong (loại 25kg/thùng) chưa xác định được là chất gì; 2 thùng chứa chất bột màu trắng bên trong (loại 25kg/thùng) chưa xác định được là chất gì… cùng nhiều máy móc phục vụ sản xuất và hàng trăm kg nhãn mác các loại.

Sản xuất kháng sinh giả: Không chỉ bất hợp pháp mà còn là vấn đề sức khoẻ
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan hoạt động sản xuất

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ gì chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia, dụng cụ bao gói dùng trong sản xuất thuốc của cơ sở.

Ngoài ra, thời điểm kiểm tra chủ cơ sở cũng không xuất trình được các giấy tờ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong sản xuất, hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc và các giấy tờ khác liên quan đến chứng từ nguồn gốc nguyên liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc của cơ sở.

Thuốc giả - mối quan ngại đối với sức khoẻ

Theo báo cáo của Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), trong năm 2021, Tổng cục QLTT đã phát hiện 41.375 vụ vi phạm trên cả nước, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, nhiều vụ làm giả có sản phẩm liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng gây quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Đặc biệt, bệnh nhân không may mắn khi điều trị bằng thuốc giả mạo, như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc, thuốc giả được sản xuất tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này vô cùng nguy hiểm đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Các chuyên gia cho biết, thuốc giả ngày càng được sản xuất tinh vi, chỉ các chuyên gia dược hoặc bác sĩ có kinh nghiệm mới có thể phát hiện, phân biệt những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng so với thuốc thật, còn với người tiêu dùng, điều này rất khó. Các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thường là kháng sinh phổ thông, cá biệt có kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng.

Trong Hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả – Hiện trạng và giải pháp” do VCCI phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức tháng 8 vừa qua, bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, nhận định thuốc giả gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Theo bà Nguyễn Diệu Hà, thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Với những hậu quả nghiêm trọng, gây hại đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng của con người, nạn thuốc giả làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính…

Tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán thuốc điều trị Covid-19
Thụy Sỹ phát hiện thuốc Molnupiravir giả có in chữ tiếng Việt
Cảnh báo về mẫu thuốc kháng sinh Cefuroxim 500 giả
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động