Thứ năm 23/01/2025 13:59

Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh bánh trung thu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đến hẹn lại lên, thị trường bánh trung thu lại nhộn nhịp với đủ các thương hiệu, mẫu mã. Tuy nhiên, ngoài những mặt hàng bánh trung thu của các thương hiệu trong nước, trên thị trường còn lưu hành nhiều loại bánh trung nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mang đến nhiều nguy cơ về sức khoẻ cho người sử dụng.
Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh bánh trung thu
Lực lượng liên ngành kiểm tra một cơ sở kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Nhập nhèm bánh trung thu “nhập ngoại

Không quá khó để mua bất cứ loại bánh trung thu được rao bán tự do trên các chợ online trên facebook hoặc trên các sàn thương mại điện tử. Nếu như mấy năm trước, các loại bánh handmade được khách hàng ưa chuộng thì năm nay, các mặt hàng bánh handmade có vẻ lép vế bởi sự tràn lan của các bánh nhập ngoại từ Đài Loan, Trung Quốc. Bỏ qua chuyện nhập khẩu thế nào, do đơn vị nào… thì mẫu mã đa dạng, xinh xắn cùng màu sắc bắt mắt là cái khiến các loại bánh này hút người tiêu dùng.

Bởi nhỏ nhắn, nên các loại bánh trung thu được quảng cáo là nhập từ Đài Loan này được bán theo kg hoặc theo set. Theo đó, 1kg bánh trung thu loại này có khoảng 25 chiếc, giá dao động từ 75 – 80 ngàn đồng. Cũng có nhiều cửa hàng bán một chiếc bánh với giá từ 5 – 6 nghìn đồng/chiếc.

Với mẫu mã xinh xắn cùng màu sắc vui mắt, giá thành rẻ, cộng với những lời quảng cáo có cánh như: bánh nội địa Trung, ít ngọt, phong phú về chủng loại… những loại bánh trung thu này được khá nhiều người đặt mua. Con số giao dịch thành công thể hiện công khai trên các gian hàng tại các sàn thương mại điện tử chứng tỏ người tiêu dùng đều có vẻ chuộng thể loại bánh này.

Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh bánh trung thu
Nhiều mặt hàng bánh trung thu có xuất xứ nước ngoài được rao bán công khai trên các sàn thương mại điện tử.

Cũng đã từng mua và sử dụng bánh trung thu này, chị Nguyễn Lan Anh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do có lần đồng nghiệp của chị mua bánh mang đến công ty cho mọi người ăn thử, thấy ăn cũng khá vừa miệng nên chị cũng đặt mua để mang về cho trẻ con ở nhà. “Bánh xinh xắn, màu sắc đáng yêu mà vị cũng rất lạ. Hơn nữa giá cả lại rất mềm so với giá của các bánh thương hiệu ở Việt Nam” – chị nói. Nhưng khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, cũng như vấn đề về an toàn thực phẩm thì chị Lan Anh cũng chỉ trả lời đơn giản: “Người ta ăn được thì mình cũng ăn được. Với lại hàng nội địa Trung bao giờ cũng chất lượng mà”. Có nghĩa, nguồn gốc hay vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những khách hàng của loại bánh này đến từ… niềm tin.

Trước đây thường xuyên làm bánh trung thu để ăn cũng như bán cho một số bạn bè thân thiết, chị Nguyễn Thanh Nhàn (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, để làm thành 1 chiếc bánh trung thu không hề rẻ. Với các nguyên liệu như bột, đường, trứng, sữa… cùng các loại nhân theo mỗi bánh thì một chiếc bánh thành phẩn có giá không dưới 30 nghìn đồng. “Vậy nên một chiếc bánh, kể cả nhỏ mà giá thành chỉ từ 5 - 6 nghìn đồng thì quả thực rất khó thực hiện. Đó còn chưa tính công vận chuyển, qua các đầu nậu… rồi mới đến tay người tiêu dùng” - chị Nhàn ái ngại.

Theo các chuyên gia thực phẩm, về các loại bánh không rõ nguồn gốc hoặc bánh nhập đang được rao bán tràn lan, để có giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng, nhà sản xuất có thể sử dụng các loại phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng để hạ giá thành sản phẩm. Để kiểm soát vấn đề chất lượng hoặc an toàn vệ sinh thực phẩm là rất khó, bởi đa phần bánh được nhập với quy mô nhỏ, buôn bán qua mạng nên khó truy xuất nguồn gốc. Thậm chí có nơi quảng cáo bánh handmade, song lại nhập bánh không rõ xuất xứ hoặc nhập từ Trung Quốc về bán.

Việc sử dụng bánh trung thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào thì theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng lâm sàng, vấn đề bánh trung thu dùng hóa chất, chất tạo mùi công nghiệp gây ảnh hưởng đến sức khỏe là không phải bàn cãi. Bởi nếu người sản xuất không tuân thủ các quy chuẩn an toàn, sử dụng hóa chất, phẩm màu, chất bảo quản ngoài danh mục, trong danh mục nhưng sử dụng quá ngưỡng... đều có nguy cơ gây hại.

Theo đó, hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp… khi bị nhiễm vào cơ thể nó có thể gây tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp… Không chỉ có vậy, việc ăn bánh trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn. Nguy hiểm hơn, nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây nên những ảnh hưởng cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Cũng theo các chuyên gia, trong hai loại bánh dẻo và bánh nướng thì nguy cơ bánh dẻo bị lên men, nấm mốc cao hơn hẳn so với bánh nướng. Vì bánh dẻo thì được làm theo kiểu nhồi ruột vào vỏ chín (đậu xanh tạo men nhanh nên dễ bị lên men, nấm mốc hơn) và đóng khuôn thành phẩm. Còn bánh nướng thì đảm bảo hơn do được qua quá trình xử lý nhiệt.

Tiếp tục tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu

Ngày 8/8/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Trung thu trên địa bàn TP năm 2022. Kế hoạch được triển khai từ ngày 15/8/2022 đến ngày 15/9/2022.

Tại Kế hoạch này, UBND TP Hà Nội yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Tính riêng trong tháng 8/2022, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã liên tiếp phát hiện và thu giữ số lượng lớn các sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Cụ thể, Đội 4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng nghìn chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh bánh trung thu
Cơ quan chức năng thu giữ số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không có hoá đơn chứng từ.

Trong ngày 26/8, lực lượng liên ngành đã phát hiện 2 vụ và thu giữ hơn 3.000 bánh trung thu không rõ nguồn gốc trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Theo đó, qua kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa tại khu vực thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), Đội 4 Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 25, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện phát hiện 1.057 cái xúc xích, 354 cái bánh trung thu, 20 hộp bánh Fares không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên.

Cùng ngày, tại khu vực trước cửa số nhà 97, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, tổ công tác cũng đã phát hiện một xe ô tô đang dừng đỗ để bốc xếp hàng hóa là bánh Trung thu có bao bì in chữ nước ngoài.

Lực lượng liên ngành đã phát hiện có 351 hộp bánh trung thu (2.808 cái bánh) trên bao bì in chữ nước ngoài. Chủ hàng cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa trên. Tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào ngày 24/8, tổ công tác Đội 4 Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13 kiểm tra điểm tập kết bánh trung thu tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trước “vấn nạn” bánh trung thu nhập lậu, trôi nổi không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn thực phẩm, ngày 5/9, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, yêu cầu tiếp tục tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai một số biện pháp: triển khai hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...

Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng, hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Mùa trung thu đang cận kề, người tiêu dùng cần cẩn trọng lựa chọn bánh trung thu Mùa trung thu đang cận kề, người tiêu dùng cần cẩn trọng lựa chọn bánh trung thu
Hà Nội: Các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu được tăng cường Hà Nội: Các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu được tăng cường
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động