Thúc đẩy dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
|
Vận tải hàng không phục hồi mạnh mẽ
Ngày 26/12, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn "Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam”. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex.
Tại diễn đàn, ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2024 ngành hàng không đã phục hồi và đạt được mức tăng trưởng bằng mức năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ước tính sản lượng quốc tế cả năm 2024 đạt hơn 41 triệu lượt hành khách (tăng 27% so với năm 2023). Trong đó các hãng bay nội địa Vietnam Airlines chiếm 18% và Vietjet chiếm khoảng 24% thị phần; tỷ lệ lấp đầy của các chuyến bay đạt đến 80%. Dự báo thị trường vận tải hàng không quốc tế đến/đi từ Việt Nam trong năm 2025 tiếp tục tăng trưởng trên 10% so với năm 2024.
Từ những “con số biết nói” đã khẳng định những chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc tạo lập và duy trì vị thế “một điểm đến an toàn” khi đạt thanh sát an toàn (FAA CAT1 và ICAO USOAP-2024)-27 năm không có tai nạn tàu bay.
Đặc biệt, tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực của Chính Phủ cho nhiều quốc gia, thủ tục cấp thị thực của Việt Nam được đánh giá thông thoáng so với thế giới tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam. Nhiều quy trình có liên quan đến việc đi lại của khách du lịch như quản lý xuất nhập cảnh cũng được cải tiến, làm tăng thiện cảm của điểm đến.
Ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Hà |
Kể từ sau đại dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị hàng không Việt Nam đã tích cực trao đổi với các đối tác nước ngoài để khôi phục các đường bay quốc tế bị đứt gãy do dịch bệnh. Điều này thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách quốc tế.
Năm 2024, 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines; Vietjet, Bamboo Airways (QH), Vietravel Airlines) khai thác 98 đường bay quốc tế đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. 72 hãng hàng không nước ngoài của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác 124 đường bay, trong đó Trung Quốc có số hãng khai thác nhiều nhất với 13 hãng, thứ hai là Hàn Quốc với 10 hãng và thứ ba là Đài Loan và Hồng Kông với 5 hãng.
Thời gian qua, sở hạ tầng kỹ thuật hàng không không ngừng được nâng cấp, mở rộng. Từ sau năm 2025, với việc hoàn thành sân bay quốc tế Long Thành, diện mạo hạ tầng của ngành hàng không kỳ vọng được nâng cao.
Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng, giá vé máy bay nội địa tăng cao đã gây tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế và sinh kế của người dân địa phương. Cùng với sự hợp tác thiếu bài bản giữa các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch cũng khiến 2 ngành du lịch và hàng không chưa thực sự bứt phá.
Giá vé máy bay nội địa trong nước vẫn cao so các các khu vực. Ảnh: Hồng Đạt |
Xây dựng điểm đến du lịch xanh
Nhằm “gỡ” khó những khó khăn, thách thức, diễn đàn với mục tiêu kết nối doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không, và các đơn vị logistics cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách quốc tế.
Theo TS Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch và Ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ngành hàng không không chỉ là cầu nối giữa khách du lịch đến với điểm đến mà mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá du lịch Việt, thúc đẩy khách du lịch quay lại. Nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng điểm đến mới, điểm đến “xanh”, an toàn.
Trình bày tham luận “Xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam: Vai trò của Truyền thông và Giải pháp qua dịch vụ hàng không”, Chủ tịch Rustic Hospitality Group Nguyễn Ngọc Bích cho biết, dựa trên báo cáo của Booking.com về xu thế du lịch sau Covid-19, có 75% số khách toàn cầu sẽ lựa chọn du lịch bền vững; 57% muốn giảm thiểu việc sử dụng năng lượng trong chuyến đi; 54% muốn sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường; và 43% số khách cảm thấy “tội lỗi” khi sử dụng sản phẩm có tác động xấu tới môi trường. Như vậy, xu hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững là tất yếu.
“Hàng không và du lịch cần hợp tác theo hướng xây dựng chiến dịch quảng bá chung, tạo các gói khuyến mại, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm du lịch bền vững, nâng cao hệ sinh thái du lịch, xây dựng mô hình du lịch xanh đa tầng…” - Chủ tịch Rustic Hospitality Group Nguyễn Ngọc Bích đề xuất.
Ông Phạm Duy Nghĩa – CEO Vietfoot Travel phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: BTC |
Ông Phạm Duy Nghĩa – CEO Vietfoot Travel thì cho rằng, tiêu chí để thu hút khách quốc tế đến và quay lại Việt Nam nhiều lần chính là du lịch bền vững. Trao đổi về tác động từ dịch vụ logistics trong nước, ông Phạm Duy Nghĩa dẫn chứng, Việt Nam có 3 hãng hàng không rất phát triển và đẩy mạnh các chuyến bay tới các điểm đến trong nước và nước ngoài.
Thời điểm này, chỉ có hai hãng là Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác hiệu quả, còn 2 hãng hàng không Bamboo Airways (QH), Vietravel Airlines lại giảm số lượng chuyến bay tại các điểm đến, trong khi các hãng hàng không nước ngoài đến Việt Nam lại tăng chuyến nhiều hơn tại các điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Nguyên do lớn nhất là giá vé máy bay nội địa tăng cao so với khu vực quốc tế.
“Nếu như chúng ta có thể đa dạng được đường bay, giá thành giảm hơn so với thời điểm hiện tại thì chi phí cho một chương trình tour sẽ giảm và lúc đó mới thu hút được khách quốc tế” - ông Phạm Duy Nghĩa nhận định.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp đã trao đổi và đưa ra nhiều giải pháp về việc khai thác mạng lưới hàng không quốc tế để kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch lớn trên thế giới. Đồng thời, thảo luận về các phương án để phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Với tầm nhìn xa hơn, Việt Nam hướng đến trở thành trung tâm logistics hàng không đầy tiềm năng, hỗ trợ một nền công nghiệp du lịch phát triển bền vững và toàn diện.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại