Thứ năm 23/01/2025 11:03

Tội đến từ tự do quá trớn trên mạng xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam cùng các đồng phạm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Vụ việc của bà Hằng là một trong những câu chuyện điển hình của lỗi "vạ miệng" trên mạng xã hội.
Tội đến từ tự do quá trớn trên mạng xã hội
Bà Nguyễn Phương Hằng là điển hình của lỗi "vạ miệng" trên mạng xã hội.

Lỗi “vạ miệng”

Vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng với những buổi livestream gây sóng gió trên mạng xã hội không còn lạ với cộng đồng. Nhưng mặc dù được tung hô, được ủng hộ của khá nhiều cộng đồng mạng, sau một thời gian “lũng đoạn”, bà Nguyễn Phương Hằng cũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra bởi những phát ngôn bạt mạng, thiếu căn cứ trong các buổi “lên sóng”.

Theo điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, cung cấp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác.

Cụ thể, vào khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bị can Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp qua mạng Internet để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau về chuyện bí mật đời tư cá nhân, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh và bà Đặng Thị Hàn Ni.

Cùng khoảng thời gian này, bị can Nguyễn Phương Hằng cũng thông qua các tài khoản mạng xã hội, công khai xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông Nguyễn Đức Hiển, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên cùng chồng là ông Lê Công Vinh trong các buổi livestream tại Bình Dương.

Trong vụ án này, các bị can Nguyễn Thị Mai Nhi (SN1983, trú tại quận 12, trợ lý bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (SN 1992, trú tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (SN 1994, trú tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương; Trưởng Phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam) đã có hành vi giúp sức cho hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Phương Hằng.

Các bị can đã tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội; đăng tải thời gian, chủ đề livestream lên trang mạng xã hội; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để bà Hằng livestream; đăng tải nội dung xúc phạm trên trang cá nhân và phục vụ cho Nguyễn Phương Hằng khi bà Hằng trực tiếp livestream phát ngôn xúc phạm cá nhân.

Việc giúp sức của Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân chỉ dừng lại khi Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 24/3/2022.

Câu chuyện của bà Nguyễn Phương Hằng là một điển hình cho câu chuyện “ngáo” quyền lực và lỗi “vạ miệng” trên mạng xã hội. Và trước bà Hằng, không ít những cá nhân trong đó có những người dân bình thường, có những nghệ sĩ, người nổi tiếng, thậm chí những người có địa vị… cũng đã trả giá ít nhiều vì “vạ miệng”.

Và mới đây, tiếp tục câu chuyện của một nghệ sĩ hài nổi tiếng ở đất Bắc lại một lần nữa khiến công chúng ngán ngẩm về chuyện “vạ miệng”.

Tự do ngôn luận nhưng phải tuân thủ pháp luật

Cái giá phải trả của bà Nguyễn Phương Hằng đã quá rõ, gần 1 năm tạm giam có lẽ cũng đủ để cho bà Hằng ngẫm và thực sự hiểu rõ thế nào là “quá mù sa mưa”. Quyền tự do ngôn luận là quyền mà bất cứ ai cũng có, thế nhưng cái tự do ấy không có nghĩa là muốn nói gì thì nói, bỏ qua những luân thường đạo lý hay được pháp xúc phạm, đặt điều vu khống hay hạ nhục người khác.

Chưa đến độ dính đến pháp luật, thế nhưng phản ứng của công chúng với bài viết trên trang cá nhân của người nghệ sĩ hài gần đây cũng ít nhiều khiến anh thấm thía với chuyện “vạ miệng”. Có thể dễ dàng thấy hậu quả của việc này là hình ảnh nghệ sĩ trong mắt người hâm mộ bị sụp đổ, trở thành đối tượng công kích cho công chúng, ảnh hưởng sự nghiệp, nếu nặng, có thể bị xử phạt vì các phát ngôn lệch chuẩn…

Luật sư Bùi Quang Thu – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, có nhiều người cho rằng việc phát ngôn trên các nền tảng mạng xã hội là "quyền tự do ngôn luận" được pháp luật cho phép. Bởi Điều 25 Hiến pháp năm 2013 có quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Thế nhưng, tại khoản 4 Điều 15 Hiến pháp 2013 còn quy định: "Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác".

Và Điều 20, 21 Hiến pháp 2013 cũng quy định rất rõ về quyền bất khả xâm phạm về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; quyền bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, Điều 10 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về giới hạn việc thực hiện quyền dân sự như sau: Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật; Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định...

Cùng với hai điều luật này là các điều luật đều có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, uy tính, nhân phẩm, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… mà bất kỳ tổ chức cá nhân nào xâm phạm đến quyền nhân thân của người khác đều bị chế tài, theo các hình thức khác nhau đều được quy định...

Luật An ninh mạng năm 2018 cũng có những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành cũng có nêu rất rõ những quy tắc về Tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Quy tắc không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội…

Như vậy cho dù có thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình cũng phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Tự do ngôn luận không có nghĩa là muốn nói gì cũng được. Và hơn bao giờ hết, mỗi cá nhân hoạt động trên mạng xã hội luôn cần trang bị cho mình những kiến thức, những hiểu biết nhất định để đừng đưa miệng đi quá xa để trở thành lỗi… “vạ miệng”.

MC Quỳnh Hoa xin lỗi khán giả sau sự cố vạ miệng “đón một cơn bão ra hồn bão” MC Quỳnh Hoa xin lỗi khán giả sau sự cố vạ miệng “đón một cơn bão ra hồn bão”
Facebooker, Tiktoker, Vloger phải có trách nhiệm với những phát ngôn trên mạng xã hội Facebooker, Tiktoker, Vloger phải có trách nhiệm với những phát ngôn trên mạng xã hội
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động