Thứ năm 23/01/2025 05:16

Tổng Bí thư Tô Lâm: sắp xếp tổ chức bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trung ương đánh giá, bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, nên cần phải sắp xếp, tinh gọn…
Tổng Bí thư Tô Lâm (đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên) phát biểu thảo luận tại tổ, ngày 31/10. Ảnh: Như Ý
Tổng Bí thư Tô Lâm (đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên) phát biểu thảo luận tại tổ, ngày 31/10. Ảnh: Như Ý

Các thành phố trọng điểm cần được hưởng cơ chế đặc thù

Ngày 31/10, phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm (đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên) nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã có sự chuẩn bị từ rất lâu, quan trọng nhất phải căn cứ vào tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương, đủ tiêu chí thì mới xem xét, quyết định.

Theo đó, cần bảo đảm các tiêu chí và yêu cầu về dân số, quy mô phát triển, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục... để thành phố Huế được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương. Các tiêu chí này không chỉ dựa trên cảm tính mà phải căn cứ vào các quy định, tiêu chuẩn cụ thể.

Đối với mối quan hệ giữa thành phố và vùng nông thôn sau khi trực thuộc Trung ương, cần có sự hài hòa, không để xảy ra tình trạng người dân nông thôn cảm thấy bị thiệt thòi so với người dân thành phố. Đồng thời, việc phát triển thành phố không được làm ảnh hưởng đến nhu cầu và điều kiện sống của người dân nông thôn.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, các thành phố trọng điểm, “đầu tàu” cần được hưởng các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù để bảo đảm vai trò dẫn dắt, đi đầu trong quá trình đổi mới và phát triển. Các chính sách này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có tính thực tiễn cao để phát huy tối đa tiềm năng của các thành phố. Việc thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển, đòi hỏi cần có giai đoạn chuyển tiếp, hội nhập để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Như Ý
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Như Ý

Không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển

Đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đặc biệt là ở Hải Phòng và một số thành phố khác. Do đó, cần rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trung ương đánh giá, bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, nên cần phải sắp xếp, tinh gọn.

“Phải rất thẳng thắn, mạnh dạn nhìn nhận, nếu chúng ta không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được” - Tổng Bí thư nói. Đồng thời cho rằng, việc giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính là cần thiết, nhưng phải bảo đảm chức năng, nhiệm vụ được phân định rõ ràng, không chồng chéo. Cần có sự phân cấp, phân quyền hợp lý cho chính quyền địa phương, tránh tình trạng địa phương phải xin ý kiến quá nhiều cấp trên. Tổng Bí thư dẫn chứng vấn đề quản lý tài nguyên khoáng sản (cát, sỏi, đá) là một ví dụ điển hình về sự chồng chéo, thiếu trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương.

Cho biết, dù kinh tế đang phát triển nhưng năng suất lao động của Việt Nam đang có xu hướng giảm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động trong giai đoạn 2021-2025 là 6,5% rất khó đạt được vì hiện chưa đạt được 5%, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, nguyên nhân là do thiếu kỹ năng lao động, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, quản lý chưa hiệu quả…

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, muốn tăng năng suất lao động, phải có tay nghề lao động, có hàm lượng khoa học công nghệ, cách thức quản lý tốt. Vì vậy, phải khuyến khích làm sao để có năng suất lao động cao so với các nước xung quanh. Nếu muốn phát triển bền vững, phải tự lực, tự chủ, tự cường, phải tăng năng suất lao động, huy động được mọi người tham gia vào sản xuất, kinh doanh, người làm nhiều hơn người hưởng thụ.

“Nếu tăng năng suất lao động sẽ khuyến khích giảm giờ làm. Trước đây làm 48 tiếng/tuần, 6 ngày/tuần, giảm xuống 5 ngày/tuần, cần đặt mục tiêu 35 tiếng/tuần, làm 4,5 ngày/tuần; nếu làm được như vậy thì Nhân dân sẽ rất phấn khởi, được thụ hưởng, hạnh phúc” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng
Đề nghị bổ sung quy định bảo hiểm xã hội chậm thanh toán thì phải chịu lãi suất
Hà Nội: dùng biên lai điện tử thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ ngày 1/11
Hồng Thái
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động