Thứ bảy 22/02/2025 18:57

Trợ giúp pháp lý đạt nhiều kết quả trong bảo vệ quyền trẻ em

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Đến nay, trong 35 năm qua Việt Nam đã nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền của trẻ em, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL) đối với trẻ em bị tình nghi, bị buộc tội…
Trợ giúp pháp lý đạt nhiều kết quả trong bảo vệ quyền trẻ em
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng hình thức phiên tòa giả định tại trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội năm 2024. Ảnh: T.L

Theo Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL), hoạt động TGPL cho người dưới 18 tuổi thời gian qua đạt được nhiều kết quả tốt trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em, nhất là trong tố tụng tư pháp. Đến nay đã có 146.000 vụ việc TGPL cho người dưới 18 tuổi, trong đó nhiều vụ việc tham gia tố tụng thành công.

Hiện nay, việc trực TGPL trong điều tra hình sự 24/24 giờ và trực tại Tòa án Nhân dân được triển khai trên toàn quốc đều chú trọng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ TGPL cho người dưới 18 tuổi kịp thời, phù hợp tại các Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân Tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Công an.

Điển hình, một vụ việc TGPL cho người dưới 18 tuổi thành công trong số rất nhiều vụ việc thành công. TGPL tiếp cận vụ việc ngay từ giai đoạn đầu của vụ án theo cơ chế trực TGPL trong điều tra hình sự 24/24 giờ. Cụ thể, khoảng 3h50 ngày 23/2/2024, N (là người dưới 18 tuổi) đã có hành vi đốt pháo nổ trước cửa nhà mình ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gây nổ lớn, khói trắng bao trùm, hư hỏng biển hiệu… làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội.

Hành vi của N đã bị Viện kiểm sát Nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” và đề nghị xử phạt từ 18 - 20 tháng tù. Lúc này, N đang đứng trước nguy cơ bị mất tự do, bị cách ly khỏi xã hội, bỏ lỡ cơ hội học tập, lao động, sinh sống cùng gia đình.

Ngay khi nhận được điện thoại từ cơ quan điều tra, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội đã nhanh chóng tiếp nhận thông tin, liên hệ với người thân của N, hướng dẫn yêu cầu TGPL để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đồng thời, phân công trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng.

Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra những lập luận, lý lẽ thuyết phục Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, đề nghị xử phạt N mức phạt thấp hơn đề nghị của Viện kiểm sát Nhân dân và cho bị cáo được hưởng án treo, không bị cách ly khỏi xã hội, tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội được sinh sống cùng gia đình.

Kết quả, tòa đã tuyên phạt N 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Nhờ trợ giúp viên pháp lý vào cuộc, người dưới 18 tuổi bị buộc tội trong vụ việc trên đã có cơ hội tiếp tục học tập, lao động, làm việc, tiếp tục sinh kế cùng gia đình, sửa chữa sai lầm và làm lại cuộc đời, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Theo Cục TGPL, ở Việt Nam quy định quyền được TGPL cho trẻ em đã được mở rộng hơn so với cam kết tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Theo Luật TGPL 2017, người dưới 18 tuổi bị buộc tội và người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính được TGPL miễn phí. Trẻ em dưới 16 tuổi không chỉ được TGPL miễn phí khi bị buộc tội trong hình sự mà còn được trong lĩnh vực dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình…

Từ ngày 1/1/2026, khi Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực thi hành, mọi người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng hình sự đều có quyền được TGPL miễn phí. Luật Tư pháp người chưa thành niên được ban hành với quy định sửa đổi Luật TGPL đã tiếp tục nội luật hóa, phát triển quy định quyền TGPL miễn phí đối với người dưới 18 tuổi theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.

Việc mở rộng diện người dưới 18 tuổi được TGPL miễn phí cùng với việc triển khai trực TGPL tiếp tục khẳng định hơn nữa tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ Nhà nước ta cũng là cơ sở để Việt Nam nghiên cứu đề xuất mở rộng, phát triển nội dung TGPL tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em, thực hiện nhiệm vụ “tham gia xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội Phan Thị Thu Trang cho biết, trong năm 2024, Trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện công tác TGPL đối với 3.284 vụ việc. Trong đó, có tới 2.006 người cần TGPL thuộc diện bị buộc tội từ đủ 16 đến 18 tuổi, 653 trường hợp là trẻ em.
Công tác trợ giúp pháp lý đi vào chiều sâu Công tác trợ giúp pháp lý đi vào chiều sâu
Kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay Kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động