Thứ năm 23/01/2025 06:21

“Trót” vay tín dụng đen với lãi suất cao: phải làm thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhỡ vay tín dụng đen với lãi suất cao, nhiều người dân khốn khổ vì trả nợ từ năm này qua năm khác. Có nhiều trường hợp xin khóa lãi để trả nợ gốc nhưng không được chấp thuận. Vậy trong trường hợp này, người dân sẽ phải làm sao?
Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi mà Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt giữ	Ảnh: CACC
Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi mà Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt giữ. Ảnh: CACC

Cho vay với lãi suất lên đến 182%/năm

Tháng 1/2024, CA quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự 5 đối tượng để điều tra hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cụ thể, các đối tượng gồm: Hoàng Tiến Thành (SN 1972, trú tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Triệu Văn Phi (SN 1987, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội), Trần Trọng Tuyến (SN 1981, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Tiến Tấn (SN 1978, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), Đào Văn Tùng (SN 1998, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội).

Theo điều tra, khoảng tháng 1/2021, nhận thấy nhiều người có nhu cầu vay tiền nên Hoàng Tiến Thành đã thuê nhà tại số 18 Tương Mai, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) mở cửa hàng hoạt động cho vay lãi.

Đầu tháng 1/2024, Thành chuyển cửa hàng về địa chỉ số 7 ngõ 82 Yên Lãng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa (Hà Nội). Thành cùng đồng bọn cho vay dưới hình thức “bốc bát họ” và cho vay “lãi nằm”. Thành chia các “bát họ” 6 triệu đồng và bội số của 6 triệu đồng (bát 12 triệu, bát 18 triệu…), trong đó nếu bốc bát họ 6 triệu đồng thì sẽ được nhận về số tiền 5 triệu đồng (cắt lãi 1 triệu trước), rồi khách vay sẽ phải trả 100.000 đồng trong vòng 60 ngày đến khi đủ 6 triệu đồng.

Như vậy, lãi suất là 101,4%/năm. Đối với các bát họ 12 triệu đồng, 18 triệu đồng... thì tiền lãi cắt trước và tiền phải đóng mỗi ngày trong vòng 60 ngày sẽ tăng theo bội số, còn lãi suất không đổi. Hình thức vay “lãi nằm”, Thành lấy lãi suất 3.000-5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương lãi suất 108% đến 182,5%/năm.

Nhóm nhân viên Thành thuê gồm Triệu Văn Phi, Trần Trọng Tuyến, Nguyễn Tiến Tấn và Đào Văn Tùng, được trả lương 15 triệu đồng/tháng. Thời điểm bị phát hiện, đường dây cho vay lãi nặng do Hoàng Tiến Thành cầm đầu hoạt động trên nhiều địa bàn quận, huyện tại Hà Nội với số lượng khách vay hơn 400 người.

Quy định của pháp luật

Những đường dây như vụ việc nêu trên không hiếm. Liên tục ở khắp các địa phương, cơ quan chức năng đều đấu tranh và triệt phá, đưa ra xét xử. Đặc biệt, có những đường dây cho vay nặng lãi lên đến 1.500%/năm. Với những chiêu bài cho vay, giải ngân 1 cách dễ dàng, những chiếc vòi bạch tuộc của các đường dây cho vay lãi nặng len lỏi khắp nơi.

Nhiều những người, những gia đình đã tán gia bại sản vì “trót” vay nặng lãi của các đối tượng này. Bởi lẽ, với cách tính lãi mẹ đẻ lãi con, việc trả được hết tiền cho các đối tượng này vốn không phải là chuyện dễ. Có nhiều trường hợp quá mệt mỏi và bế tắc, đã xin các đối tượng cho vay khóa lãi để trả cho xong nợ gốc.

Tuy nhiên, đề nghị này thường sẽ không được chấp nhận. Vậy, trong khi nhỡ sa chân vào con đường này, người dân phải làm sao?

Theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho vay lãi nặng là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn dẫn, theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP thì "cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn dẫn chiếu khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau: lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Như vậy, việc người dân nhỡ vay nặng lãi có quyền nộp đơn khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để được tính mức lãi suất tối đa theo quy định của pháp luật, phần tiền lãi vượt quá mức quy định sẽ được khấu trừ vào khoản nợ gốc mà bạn của bạn đã vay của người đó.

Tuy nhiên, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn cũng cho biết, phần nợ gốc còn lại sau khi đã khấu trừ, người vay phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho đối tượng, tổ chức mà người vay đã ký kết, thỏa thuận vay mượn.

Cảnh báo biến tướng của cho vay “tín dụng đen” với lãi suất 1.600%/năm Cảnh báo biến tướng của cho vay “tín dụng đen” với lãi suất 1.600%/năm

Vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ ...

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động