Thứ sáu 24/01/2025 00:33

Trưởng thôn tâm huyết với công tác hòa giải cơ sở

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thôn Đông Lâu, xã Phú Đông, huyện Ba Vì, Hà Nội nhiều năm qua được biết đến là một thôn đảm bảo về an ninh, phát triển về kinh tế, tình làng nghĩa xóm được giữ gìn và phát huy. Để có được kết quả đó không chỉ nhờ sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền mà còn có sự góp sức không nhỏ của những người làm công tác hòa giải cơ sở…
Trưởng thôn Ngô Văn Nhường - người làm tốt công tác hòa giải ở Đông Lâu
Trưởng thôn Ngô Văn Nhường - người làm tốt công tác hòa giải ở Đông Lâu

Người hòa giải phải nắm rõ nội dung của Luật Hòa giải cơ sở

Một trong những người tâm huyết với công tác hòa giải cơ sở ở Đông lâu là ông Ngô Văn Nhường - Trưởng thôn. Ông Nhường chia sẻ, ở Đông Lâu, đời sống Nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, cũng như các vùng quê hay phố thị khác, trong cuộc sống không tránh khỏi những va chạm giữa người này với người kia và các gia đình với nhau... Vì vậy, việc của cán bộ thôn là phải luôn cố gắng giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp một cách thấu tính, đạt lý, để Nhân dân nể phục, tin tưởng và yêu quý.

“Hòa giải ở cơ sở là một công việc không dễ dàng, đòi hỏi nhiều kỹ năng, biết cách thuyết phục, phải hiểu biết pháp luật và đặc biệt người hòa giải phải có cái nhìn công tâm và chính xác. Đặc biệt phải nắm rõ các nội dung của Luật Hòa giải ở cơ sở, phải am hiểu về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Thừa kế… Bên cạnh đó, bản thân cán bộ thôn, người làm hòa giải phải gần gũi với Nhân dân, gia đình, phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”, ông Nhường chia sẻ.

Theo ông Nhường, quá trình hòa giải, người hòa giải viên phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc, có những vụ việc phức tạp thì cần phải hòa giải từng phần, tháo gỡ từ việc nhỏ rồi đến việc lớn. Còn những vụ mâu thuẫn gia đình thì người hòa giải phải biết vận dụng sự giúp đỡ của những người có uy tín trong gia đình, dòng họ đó để có thêm tiếng nói trong việc giải quyết.

Người làm hòa giải khi xem xét đánh giá nội dung tranh chấp, điều trước tiên phải xác định được nội dung các vấn đề cần hòa giải. Phải nắm bắt các vấn đề cơ bản và cần thiết của vụ việc, có sự chuẩn bị chu đáo nội dung trước cuộc hòa giải, trên cơ sở các quy định của pháp luật và các chính sách liên quan.

Hòa giải mang lại bình yên cho quê hương

Nhờ những kỹ năng, vốn hiểu biết của mình, qua nhiều năm làm công tác hòa giải, ông Nhường đã hòa giải thành nhiều vụ việc phức tạp ở Đông Lâu. Ông Nhường vẫn còn nhớ vụ việc gia đình ông H định xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Theo đó, nhà ông H bán hàng ăn, bên cạnh là đất nông nghiệp, để tiện cho việc kinh doanh nên ông H muốn xây dựng, cơi nới ra phần đất bên cạnh cho rộng rãi.

Sau khi biết ông H có ý định xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ông Nhường đã lựa thời điểm thích hợp để gặp gỡ, giải thích cho ông H hiểu rằng, việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là vi phạm trật tự xây dựng. Ban đầu, ông H khá căng thẳng và tỏ ý không muốn nghe những góp ý của ông Nhường. Trước tình thế đó, ông Nhường không bỏ cuộc mà tiếp tục kiên trì chờ lúc ông H bình tĩnh trở lại, ông lại tiếp tục đến nhà ông H giải thích, phân tích cả về lý lẫn về tình. Ông cũng đưa ra các ví dụ thực tế về các vụ vi phạm trật tự xây dựng đã bị chính quyền tháo dỡ cho ông H biết. Sau khi nghe những lời phân tích của ông Nhường, ông H mới hiểu ra và đồng thuận.

Một vụ việc khác mà mà ông Nhường hòa giải thành còn phải kể đến việc một số hộ trong thôn để rác hàng ngày không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Ông Nhường cũng đã tìm hiểu, chủ động xây dựng các phương án hợp lý để vận động những hộ dân này đem rác ra đúng giờ, để rác đúng nơi quy định. Kết quả là sau một thời gian vận động các hộ dân này đã vào nền nếp trong việc để rác, đường làng, ngõ xóm lại sạch đẹp. Và còn rất nhiều vụ việc khác được ông Nhường cùng các hòa giải viên đã hòa giải thành mang lại bình yên cho quê hương Đông Lâu.

Những việc làm của ông Nhường được lãnh đạo UBND xã Phú Đông, huyện Ba Vì đánh giá ông là một Trưởng thôn không chỉ nhiệt tình, năng nổ trong công tác hòa giải và các công việc xã hội khác ông cũng đảm nhiệm rất tốt. Nhờ đó, Đông Lâu luôn bình yên và ngày càng phát triển.

Phạm vi hòa giải ở cơ sở được quy định tại Điều 3 của Luật Hòa giải cơ sở: 1- Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; d) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật. 2 - Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Công tác hòa giải cơ sở luôn được quan tâm thực hiện
Trưởng thôn chia sẻ kĩ năng hoà giải
Nữ trưởng thôn luôn nỗ lực trong công tác hòa giải cơ sở
Thôn xóm bình yên, phát triển nhờ làm tốt công tác hòa giải cơ sở
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động