Thứ sáu 24/01/2025 03:51

Trưởng thôn chia sẻ kĩ năng hoà giải

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Luôn phải hòa mình vào quần chúng, phải có uy tín trong cộng đồng dân cư, phải am hiểu pháp luật…”, đó là những kỹ năng mà người làm công tác hòa giải cần phải có và đã giúp ông Nguyễn Văn Chỉ hòa giải thành nhiều vụ việc.
-	Người Trưởng thôn luôn nỗ lực trong công tác hòa giải
Người Trưởng thôn luôn nỗ lực trong công tác hòa giải

Những kỹ năng cần có

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chỉ, năm nay 66 tuổi và đã có 8 năm làm Trưởng thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì kiêm và cũng ngần ấy năm ông gắn bó với công tác hòa giải cơ sở. Ông Chỉ chia sẻ, thôn An Nam có gần 800 nhân khẩu, đời sống người dân nơi đây chủ yếu là làm nông nghiệp, chăn nuôi, việc va chạm giữa người này, người kia, giữa các gia đình, dòng họ, bà còn lối xóm là điều không thể tránh khỏi và có lẽ ở địa phương nào cũng thế.

Chính vì vậy, công tác hòa giải cơ sở vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giúp gắn kết tình cảm của mọi người, cùng nhau xây dựng xóm làng, khu phố ngày càng phát triển trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Và để làm được điều đó, cán bộ địa phương nhất là cán bộ thôn, hòa giải viên là những người gần dân nhất cần phải cố gắng giải quyết một cách thấu tình đạt lý. Bản thân ông Chỉ là người luôn nỗ lực trong công tác hòa giải.

Ông Chỉ chia sẻ, người làm công tác hòa giải cần phải có những kỹ năng: Luôn phải hòa mình vào quần chúng, phải có uy tín trong cộng đồng dân cư, phải am hiểu pháp luật, nhất là liên quan đến Luật đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Thừa kế tài sản… Bên cạnh đó, cá nhân hòa giải viên phải gần gũi với Nhân dân, phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

“Quá trình hòa giải, người hòa giải viên phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc, nhiều việc phải hòa giải từng phần, phần nào cần làm trước thì làm trước, phần nào cần làm sau thì làm sau. Những vụ mâu thuẫn gia đình, cần phải tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong dòng họ để họ có thêm tiếng nói trong giải quyết vụ việc. Người làm hòa giải nên tính đến lợi ích chính của việc hòa giải để làm sao mỗi bên đều hiểu và có hiệu quả cao nhất…”, ông Chỉ chia sẻ.

Hòa giải thành nhiều vụ việc phức tạp

Nhiều năm qua, ông Chỉ đã hòa giải thành nhiều vụ việc phức tạp. Trong đó, phải kể đến việc anh mâu thuẫn giữa vợ chồng anh Hoàn (tên nhân vật đã thay đổi). Theo đó, anh Hoàn là người hay uống rượu, cứ rượu vào là gây sự với vợ. Một hôm, sau chầu nhậu, anh Hoàn “chân nam đá chân chiêu” về nhà rồi có lời qua tiếng lại với vợ, dẫn đến xung đột lớn.

Sự việc của vợ chồng anh Hoàn kéo dài đã làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT trong thôn. Dù đã được gia đình, hàng xóm và cán bộ thôn khuyên can nhiều lần nhưng tình hình không được cải thiện. Sau khi nắm bắt, ông Chỉ cùng tổ hòa giải đã đến hòa giải, nhẹ nhàng phân tích cho anh Hoàn hiểu rằng anh đã sai khi uống rượu về gây sự với vợ khiến tình cảm vợ chồng đi xuống, gia đình xáo trộn.

Đồng thời, giải thích cho anh Hoàn hiểu về tác hại của rượu và khuyên anh nên hạn chế và bỏ rượu. Mình là trụ cột gia đình, phải biết bảo vệ sức khỏe của bản thân để chăm lo cho gia đình, cùng vợ xây dựng mái ấm hạnh phúc… Từ những lời nói thấu tình, đạt lý của ông Chỉ và tổ hòa giải, vợ chồng anh Hoàn đã lắng nghe và hứa sẽ sửa đổi dần.

Một vụ việc khác là việc tranh chấp giữa 2 gia đình khi làm tường bao quanh nhà. Trước đây, 2 gia đình xây tương bao không được thẳng nên khi xây lại cả hai bên không thống nhất được ranh giới nên đã xảy mâu thuẫn. Nắm được nội dung vụ việc, bản thân ông Chỉ đã gặp gỡ và có ý kiến với 2 gia đình. Vận dụng kiến thức pháp luật về đất đai, tranh chấp cùng với những lời chia sẻ về tình làng nghĩa xóm. Ông Chỉ đã khiến 2 gia đình “tâm phục, khẩu phục” và thống nhất đồng ý xác định ranh giới để xây tường bao.

Thêm một vụ hòa giải thành điển hình nữa là việc vận động hỏa táng. Hiện nay ở nhiều vùng quê, có nhiều gia đình không muốn hỏa táng cho người thân sau khi qua đời. Và ở thôn An Nam có một trường hợp của gia đình anh Kỷ (tên nhân vật đã được thay đổi) có người thân mất nhưng không chịu hỏa táng mà muốn đưa ra đồng chôn cất.

Sau khi nắm được tình hình, ông Chỉ liền đến gặp gỡ, động viên gia đình anh Kỷ chia sẻ với gia đình, đồng thời phân tích những lợi ích của việc hỏa táng. So với hình thức địa táng truyền thống thì hỏa táng giúp tiết kiệm 50% chi phí, vừa nhanh gọn, sạch sẽ, văn minh vì không phải qua cải táng, di dời mộ nên sẽ không ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, giảm đau thương cho người thân trong gia đình… và mong muốn gia đình thực hiện. Từ đó, gia đình anh Kỷ thấu hiểu và đồng thuận thực hiện hỏa táng cho người thân.

Hay việc tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19, trong thôn An Nam thời điểm mới bắt đầu tiêm có nhiều người cao tuổi sợ không tiêm phòng. Ông Chỉ không những làm công tác vận động mà còn đến gặp gỡ từng trường hợp để giải thích cho các cụ việc tiêm có lợi ích như thế nào… Kết quả là các cụ cao tuổi đã đồng ý tiêm.

Trải qua nhiều năm làm công tác hòa giải, ông Chỉ đã hòa giải thành không biết bao nhiêu vụ việc, duy trì mối quan hệ tình làng nghĩa xóm đoàn kết, gắn bó… Góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Có một nghề chỉ vui khi “thất nghiệp”
Trang bị kiến thức pháp luật cho hòa giải viên
Tích cực tổ chức hội nghị, tập huấn công tác tuyên truyền PBGDPL
Nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật về hòa giải cơ sở
Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và nghiệp vụ hòa giải cơ sở
Nâng cao kỹ năng hòa giải cơ sở cho hòa giải viên
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động