Thứ sáu 24/01/2025 00:34

“Cách ly F1 tại nhà cần sự đồng ý của hàng xóm”: CDC Hà Nội lên tiếng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc thông báo cho hàng xóm biết có trường hợp F1 cách ly tại nhà để họ đồng thuận là rất quan trọng. Họ có quyền được biết và cùng phối hợp với chính quyền giám sát-ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thành phố Hà Nội nói.
“Cách ly F1 tại nhà cần sự đồng ý của hàng xóm”: CDC Hà Nội lên tiếng
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thành phố Hà Nội: Việc cách ly F1 tại nhà cần thông báo với hàng xóm để họ được biết và đồng thuận giám sát (ảnh P.C)

Liên quan đến thông tin “F1 ở khu chung cư muốn cách ly tại nhà cần được sự đồng ý của hàng xóm”, sáng 17-11, trao đổi với PV PL&XH, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết: Ngày 16-11, ông có thông tin nội dung "F1 ở chung cư muốn cách ly tại nhà cần được sự đồng thuận của các hộ bên cạnh", tuy nhiên, thông tin truyền tải không rõ dẫn đến nhiều người hiểu chưa đúng ý.

Cụ thể, ông Khổng Minh Tuấn nêu: Tại khu chung cư khi có 1 F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì đương nhiên việc trao đổi, thông báo cho hàng xóm bên cạnh là rất cần thiết vì họ được quyền biết hiện đang có 1 F1 cách ly tại khu vực mình sinh sống. Khi họ biết họ sẽ tham gia phối hợp cùng giám sát.

“Tất nhiên khi chúng ta mở cửa lới lỏng và tình hình dịch cũng phức tạp thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành F1. Nên việc nói F1 cách ly tại nhà phải có sự đồng ý của hàng xóm thì tôi nghĩ không ai là không đồng ý cả vì ai cũng phải nghĩ đến tình huống mình có thể trở thành F1, nếu phải cách ly tại nhà thì sao? Việc tôi muốn nói là phải có sự đồng thuận của hàng xóm bên cạnh để họ phối hợp giám sát với chính quyền”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Y tế, những trường hợp F1 cách ly tại nhà phải có biển treo ghi “Địa điểm cách ly y tế”. Nhưng hiện nay khi treo biển lên thì mọi người phản đối, nói là bị phân biệt đối xử.

“Không treo biển, hàng xóm không được thông báo, không có sự đồng thuận thì ai biết đây là đối tượng đang cách ly?, Biết đâu có thể hàng xóm sang nhà nhau chơi, gõ cửa vào nhà luôn và thành tiếp xúc. Vì thế, việc thông báo cho hàng xóm biết và đồng thuận là rất quan trọng. Họ có quyền được biết và cùng phối hợp với chính quyền giám sát”, ông Tuấn phân tích.

Dẫn chứng về vai trò giám sát của hàng xóm, ông Tuấn cho biết: “Ngay như đêm qua có những địa điểm các bác ở tổ dân phố phải ngồi canh ở cửa. Nhưng việc canh như vậy có thể 24/24g hay không? Đến giờ thì các bác phải về ăn cơm chứ. Thế nên việc thông báo, trao đổi với hàng xóm bên cạnh là để tạo sự đồng thuận, để cùng có sự giám sát.

Không chỉ khu chung ở mà đối với khu nhà đất, riêng lẻ thì có các tổ liên gia, hàng xóm cũng cần được biết là hàng xóm nhà mình có 1 người F1. “Ý của tôi là như vậy nhưng mọi người hiểu không rõ, lại hiểu là phải có sự đồng ý của hàng xóm mới cho F1 cách ly tại nhà. Vấn đề chính là cần thông báo để họ nắm được và có sự đồng thuận”, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh.

Tiếp tục dẫn chứng về việc phải thông báo cho hàng xóm, khu dân cư, ông Khổng Minh Tuấn thông tin: Đơn cử như ở Liễu Giai năm 2020 có trường hợp bắt buộc cách ly tại nhà nhưng sau đó phải đưa đi cách ly tập trung vì cư dân tòa nhà đó phản đối. Nhưng nếu thông báo, chia sẻ, có sự tuyên truyền thì người dân hoàn toàn ủng hộ. Đây là họ bức xúc vì không được biết. Vì thế, việc thông báo cho hàng xóm là quyền của người ta được biết.

Về quy định các ly tại nhà đối với F1, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, Bộ Y tế đã có quy định tại Quyết định 5599, người cách ly y tế phải tuân thủ quy định như đối với trường hợp F1; người trong gia đình và hộ xung quanh cũng như chính quyền địa phương phải tổ chức cách ly F1 an toàn nhất; không có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho chính người nhà của người được cách ly cũng như cư dân ở cùng khu chung cư, tổ dân phố.

Các điều kiện thực hiện cách ly tại nhà

Người được cách ly phải có phòng riêng, có nhà vệ sinh riêng, có máy giặt riêng hoặc có xô chậu riêng tự giặt quần áo của mình; có thùng rác vàng/xanh để xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải thôn thường; không dùng điều hòa trung tâm, có thể sử dụng điều hòa cục bộ; phải mở cửa phòng thông thoáng; chỉ được phép trong phòng cách ly chứ không được phép ra ngoài, không được phép tiếp xúc với người nhà.

Với người nhà F1 cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, không tiếp xúc trực tiếp với F1; khi phục vụ nhu cầu sinh hoạt của F1 phải có khoảng cách, có đủ vật tư phòng hộ như khẩu trang quần áo, xà phòng, chất sát khuẩn luôn luôn phải đầy đủ; hàng ngày hỗ trợ F1 khai báo tình hình sức khỏe như triệu chứng bệnh, báo cho cơ quan y tế; xử lý chất thải lây nhiễm, rác theo đúng quy định.

Các hộ xung quanh phải có sự đồng thuận hỗ trợ gia đình cách ly, có trách nhiệm cộng đồng tham gia giám sát cách ly đúng quy định tránh lây lan trong khu dân cư cũng như trong cộng đồng.

Cơ quan y tế thường xuyên nắm bắt sức khỏe của F1; tham gia hỗ trợ khi gia đình F1 cần hỗ trợ, kiểm soát chặt để tránh tình trạng F1 không chấp hành quy định, vẫn ra khỏi nhà trong thời gian cách ly.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động