Thứ năm 23/01/2025 06:17

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm để phát huy giá trị Khu Phố cổ Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết thời gian tới, quận sẽ thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy giá trị Khu Phố cổ Hà Nội.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm để phát huy giá trị Khu Phố cổ Hà Nội
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội, đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia và 20 năm hoạt động không gian đi bộ. Ảnh: Bảo Hiếu

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Trong suốt 20 năm qua, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, từ những chính sách và quyết định cụ thể của thành phố đến những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, ngành và của từng người dân trong khu phố cổ.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đó, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những thách thức mà công tác bảo tồn đang đối mặt. Tiến độ thực hiện các chính sách giãn dân còn chậm do nguồn quỹ nhà ở hạn chế, và việc phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa đồng bộ và hiệu quả,... Những điều này đòi hỏi chúng ta, đặc biệt là chính quyền và cộng đồng, cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa".

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, ngày 14/6/2024, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội thông qua là một bước đổi mới quan trọng trong việc xác định khung pháp lý cho việc phát triển và quản lý Thủ đô Hà Nội. Luật Thủ đô không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ của đất nước, mà còn đưa ra các cơ chế quản lý chặt chẽ đối với việc bảo tồn di sản văn hóa.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo Luật Thủ đô, quận đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trong Khu phố cổ Hà Nội; cùng với đó là định hình Khu phố cổ Hà Nội trở thành một khu vực phát triển theo mô hình BID (Business Improvement District) để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho du khách, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp vào các hoạt động bảo tồn và phát triển.

Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, việc phát triển vùng phát thải thấp là một mục tiêu quan trọng; chúng ta cần xây dựng một đô thị xanh, thông minh và bền vững, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Khu Phố cổ Hà Nội sẽ trở thành mô hình cho phát triển vùng phát thải thấp tại Thủ đô, thông qua việc khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hệ thống giao thông công cộng, và giảm thiểu ô nhiễm từ các phương tiện giao thông,... Với những giải pháp sáng tạo nhằm phù hợp với các yêu cầu của Luật Thủ đô mới, quận Hoàn Kiếm mong muốn xây dựng Khu Phố cổ không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản mà còn phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nêu rõ.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm để phát huy giá trị Khu Phố cổ Hà Nội
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn tặng Bằng khen cho quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Bảo Hiếu

Theo ông Phạm Tuấn Long, để tiếp tục phát huy giá trị Khu Phố cổ Hà Nội, quận cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thứ nhất: hoàn thiện các cơ sở pháp lý; xây dựng và triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, và các quy chế quản lý kiến trúc hợp lý để bảo vệ sự nguyên vẹn của di sản theo yêu cầu của Luật Thủ đô mới.

Thứ hai: đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời tham mưu cho Thành phố những chính sách phù hợp.

Thứ ba: tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị và trách nhiệm trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa.

Thứ tư: thực hiện có hiệu quả Đề án Giãn dân Phố cổ, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách để quản lý khai thác đối với các diện tích nhà, đất của các hộ dân đã di chuyển, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Thứ năm: tăng cường công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo; đảm bảo 100% các công trình di tích lịch sử, văn hoá được tôn tạo và bảo tồn đúng quy trình khoa học và hiệu quả.

Thứ sáu: cải tạo hạ tầng, từng bước tổ chức lại giao thông trên địa bàn để khu Phố cổ trở thành không gian đi bộ gắn với khu vực Hồ Hoàn Kiếm, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Thứ bảy: huy động mọi nguồn lực xã hội; khuyến khích cộng đồng và doanh nghiệp tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội

Thứ tám: mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản Phố cổ Hà Nội.

Thứ chín: tiếp tục phát huy giá trị di sản phi vật thể khu Phố cổ Hà Nội; phát triển du lịch văn hóa liên kết trong hệ thống di sản Quốc gia. Tiếp tục khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và đa dạng hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật để khu Phố cổ trở thành Trung tâm văn hoá của cả nước.

Thứ mười: tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý bảo tồn Phố cổ Hà Nội.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm để phát huy giá trị Khu Phố cổ Hà Nội
Quận Hoàn Kiếm tri ân các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của khu Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Bảo Hiếu

Năm 2004 là một cột mốc đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo khu Phố cổ Hà Nội khi Bộ Văn hóa Thông tin Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu Phố cổ Hà Nội. Đồng thời cũng trong năm 2004, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức không gian đi bộ đầu tiên kết hợp với phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch ở Hà Nội trên tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân.

20 năm qua, Hoàn Kiếm luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Với sự chung tay của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia văn hóa, các cán bộ làm công tác bảo tồn và cộng đồng đã nỗ lực, tâm huyết gìn giữ những giá trị tinh hoa của đô thị di sản, kết hợp phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch. Nhờ đó, Khu Phố cổ Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã đạt được một số kết quả nhất định. Các giá trị di sản vật thể luôn được quan tâm bảo tồn, tôn tạo; các giá trị di sản phi vật thể được phục hồi và phát huy (khôi phục 14 lễ hội, gồm 7 lễ hội cấp quận và 7 lễ hội cấp phường). Các lễ hội được khôi phục gắn với các ngày lễ lớn như: lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội đình Yên Thái, đình Kim Ngân, lễ hội Trung thu Phố cổ.… Đã có trên 1.000 cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật, trình diễn nghề truyền thống, biểu diễn âm nhạc truyền thống, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động trải nghiệm, tương tác được tổ chức.

Qua 20 năm triển khai xây dựng không gian đi bộ trên địa bàn quận, hoạt động của không gian đi bộ đã tạo ra một sản phẩm du lịch mới của TP, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tạo ra không gian văn hóa giá trị mới cho nhân dân Thủ đô, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên tuyến phố về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch trong Khu Phố cổ Hà Nội.

Lần lượt các năm 2014, 2016, quận Hoàn Kiếm có thêm không gian đi bộ trong Khu Phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Năm 2020, việc mở rộng không gian đi bộ từ khu vực phía nam Phố cổ kết nối khu vực phía Bắc hồ Hoàn Kiếm nhằm tạo sự kết nối giữa 2 không gian đi bộ đã đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoại, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực.

Các không gian đi bộ ở Hoàn Kiếm ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả với 9.345 buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại, trong đó có 2.461 buổi biểu diễn tại không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và 6.884 buổi biểu diễn tại tuyến phố đi bộ khu Phố cổ Hà Nội.

Những kết quả đạt được sau 20 năm triển khai xây dựng không gian đi bộ trên địa bàn quận đã khẳng định chủ trương mở tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Khu Phố cổ Hà Nội của Quận ủy - UBND quận Hoàn Kiếm là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển.

"Với quỹ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dày đặc, Khu Phố cổ Hà Nội xứng đáng được nhận sự quan tâm không chỉ của quận Hoàn Kiếm, không chỉ của TP Hà Nội, mà còn là sự quan tâm của cả nước và thế giới.

"Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô”, nhất là trong việc bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ.

Quận mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của các cơ quan Trung ương và Hà Nội, các tổ chức trong và ngoài nước, các hội nghề nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp tục giúp đỡ quận trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản bảo tồn, tôn tạo các di tích cho xứng đáng với tầm vóc lịch sử của quần thể các di tích trong Khu Phố cổ - Di sản văn hóa quốc gia", ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm để phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội
Nhà Bát giác tại Không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm được trang hoàng rực rỡ nhân dịp Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024. Ảnh: Khánh Huy

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia và 20 năm hoạt động không gian đi bộ, quận Hoàn Kiếm tổ chức trưng bày giới thiệu một số hình ảnh, dự án, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Khu Phố cổ Hà Nội và hoạt động của không gian đi bộ trên địa bàn quận tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm từ ngày 1/12 đến ngày 15/12/2024.

Quận cũng tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc truyền thống, triển lãm, trải nghiệm giới thiệu làng nghề - phố nghề… tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm từ ngày 29/11 đến ngày 1/12 và tại các địa điểm: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội số 50 phố Đào Duy Từ, Ngôi nhà di sản số 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân số 42 - 44 phố Hàng Bạc từ ngày 29/11 đến ngày 15/12.

Khu Phố cổ Hà Nội mang đậm bản sắc dân tộc Việt Khu Phố cổ Hà Nội mang đậm bản sắc dân tộc Việt
Quảng cáo cờ bạc trá hình ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, NTH Vlog bị phạt gần 70 triệu đồng Quảng cáo cờ bạc trá hình ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, NTH Vlog bị phạt gần 70 triệu đồng
Phố cổ  Hà Nội Phố cổ Hà Nội

(PL&XH)- Người Hà Nội, kể cả dân ở các vùng xa xôi tận chân núi Ba Vì, có lẽ ai cũng muốn đến phố Hàng ...

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động