Thứ năm 23/01/2025 14:08

Chuyện đóng thuế từ các phiên livestream với doanh thu khủng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Càng ngày, việc livestream bán hàng trên các nền tảng xã hội càng gia tăng. Từ những phiên livestream nhỏ với lượng “chốt đơn” hạn chế, mới đây, ghi nhận nhiều những phiên livestream với doanh thu được công bố cực lớn. Tuy nhiên, ngoài việc băn khoăn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trên các phiên livestream, việc thất thu thuế ở nhóm đối tượng này cũng là vấn đề cần đặt ra.
Nhiều cá nhân, tiểu thương tham gia livestream bán hàng trên mạng xã hội. Ảnh: M.D
Nhiều cá nhân, tiểu thương tham gia livestream bán hàng trên mạng xã hội. Ảnh: M.D

Bùng nổ các phiên livestream

Khi các cửa hàng truyền thống liên tục kêu than bởi doanh thu sụt giảm, thì càng ngày càng nhiều người tranh thủ bán hàng online, các tiểu thương, cá nhân… thay bằng ngồi cửa hàng chờ khách đến cũng tìm đến phương thức livestream để bán. Việc bán hàng online cùng các phiên livestream trở thành xu hướng.

Theo nhận định của các chuyên gia thị trường, thì xu hướng livestream bán hàng có thể tồn tại và phát triển tiếp tục trong 1 vài năm nữa. Là xu hướng bởi rõ ràng, những gì người ta làm được ở những phiên livestream là minh chứng rõ nét nhất, nó đẩy việc bán hàng truyền thống trở thành dĩ vãng. Xu thế này khiến không chỉ người người, nhà nhà livestream bán hàng mà cả các thương hiệu lớn trên thế giới cũng đã tham gia “cuộc chiến” bán hàng live trên mạng xã hội.

Thực tế, những công bố doanh thu ở các phiên livestream của một số chủ kênh tại mạng xã hội tiktok mới đây cho thấy, có thể đúng như nhận định của các chuyên gia, hình thức bán hàng tương tác này sẽ còn là xu thế trong một vài năm tới. Đơn cử, đợt đầu tháng 3/2024, một chủ kênh tiktok đã khoe doanh thu đạt trên 75 tỷ đồng sau hơn chục tiếng livestrteam. Theo đó, trong phiên livestream từ 11h đến 23h55, tài khoản này đã giới thiệu 95 loại sản phẩm gồm mỹ phẩm, trang sức, đồ điện tử, thời trang... của 50 thương hiệu khác nhau.

Hay như trước đó, tháng 1/2023, một nam tiktoker đã bán được hơn 17.900 đơn hàng chỉ trong 6 tiếng livestream. Nam tiktoker còn công khai doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng nhờ livestream bán hàng chỉ riêng trên tiktok hồi tháng 9/2022. Hoặc như, chia sẻ sau phiên bán hàng đầu tiên trên tiktok, một nữ “chiến thần” chia sẻ chỉ trong hơn 1 giờ livestream, cô bán hết sạch hàng từ ba nhà máy.

Có lẽ, sau dịch Covid-19, khi mà thói quen của người tiêu dùng thay đổi, livestream bán hàng chính là "cần câu cơm dễ dàng", hiệu quả bậc nhất. Đây có lẽ cũng là lý do hàng loạt sao Việt, kể cả những nghệ sĩ nằm trong top “đại gia” cũng bon chen lấn sân sang mảng livestream bán hàng. Đồng thời, cũng ghi nhận những nghệ sĩ này tiếp tục có những buổi livestream với doanh thu khủng.

Thất thu thuế

Trên thực tế, livestream bán hàng đang trở thành xu hướng bùng nổ, thu được doanh thu khủng cho người bán và cả người được thuê livestream. Thế nhưng, thực tế các phiên livestream ấy có doanh thu là bao nhiêu và cá nhân này đóng thuế bao nhiêu thì không ai hay.

Theo Bộ Công thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt khoảng 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tính đến tháng 12/2023 theo Statista.

Với sự tác động mạnh mẽ và tiện ích to lớn, thương mại điện tử đã trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược trên thế giới. Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của thương mại điện tử trong thời gian qua cũng đặt ra những thách thức mới và không nhỏ đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế.

Mặc dù đã có nhiều quy định nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động bán hàng online, mà livestream chỉ là một hình thức trong các phương thức bán hàng đó, đơn cử như Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Hoặc cơ quan chức năng cũng triệt phá nhiều các cơ sở kinh doanh online hàng giả, hàng nhái. Nhưng tất cả chỉ như muối bỏ biển.

Ghi nhận điều này, trước đó, Tổng cục trưởng Thuế Mai Xuân Thành đã thông tin, hiện người bán hàng online cần đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ kinh doanh trực tuyến trên 100 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, cơ quan thuế không dễ quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, kiểm soát giao dịch kinh doanh, dòng tiền.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thuế, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, đặc biệt khi họ không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định. Bên cạnh đó có nhiều đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký kinh doanh thương mại điện tử nên khó quản lý được chính xác đối tượng…

Đồng tình với những khó khăn mà cơ quan chức năng gặp phải, các chuyên gia cho rằng, với sự đa dạng về phương thức, việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, ngay cả khi xác định có luồng tiền từ một chủ thể này sang một chủ thể khác cũng chưa thể khẳng định đó là hoạt động thanh toán cho giao dịch thương mại điện tử, bởi lẽ có hàng trăm lý do để các chủ thể chuyển tiền cho nhau.

Ngoài ra, nếu chủ thể kinh doanh thương mại điện tử cố tình gian lận thuế và sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD), thì việc kiểm soát luồng tiền để xác định giao dịch thương mại điện tử càng trở nên khó khăn.

Xu hướng livestream bán hàng hay kinh doanh online ngày càng bùng nổ và đây là nguồn thu bổ sung sẽ ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước khi nhiều nguồn thu từ DN, xuất nhập khẩu bị giảm do kinh tế khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trà trộn. Nhưng để chống thất thu thuế thì lại cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Đồng thời, cơ quan thuế cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra giám sát, thúc đẩy thu thuế kinh doanh online. Có hình thức tuyên truyền như biểu dương các cá nhân nộp thuế cao như công bố danh sách với DN nộp thuế nhiều nhất hằng năm, đồng thời nêu tên các cá nhân không kê khai nộp thuế để răn đe. Cần công bố luôn danh tính các cá nhân nổi tiếng, hoặc các cá nhân bị xử phạt truy thu và có những hình thức xử phạt nghiêm minh…

Cục Thuế TP Hà Nội đang đẩy mạnh kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo phương pháp quản lý rủi ro. Từ thực tiễn công tác quản lý, cục thuế xây dựng bộ 9 tiêu chí rủi ro, khi đưa vào triển khai giúp phát hiện 788 DN có rủi ro cao về thuế. Qua công tác kiểm tra, rà soát đã có nhiều tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chủ động đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Ngay trong quý 1/2024, cục thuế TP gửi thông báo giải trình hồ sơ đối với 41 cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử. Theo kết quả bước đầu, có 28 cá nhân nộp 9,8 tỷ đồng tiền thuế; 1 cá nhân kê khai dự kiến tiền thuế và tiền chậm nộp là 8,5 tỷ đồng…
Các nhà cung cấp nước ngoài “đình đám” đóng thuế ở Việt Nam mức bao nhiêu?
Kinh doanh trên nền tảng Tiktok sẽ đóng thuế như thế nào?
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động