Dâng hương kỷ niệm 981 năm ngày sinh Hoàng thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương kỷ niệm 981 năm ngày sinh Hoàng thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan tại Đình Yên Thái |
Đến dự có bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội; ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám; ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Hoàn Kiếm; ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; cùng lãnh đạo các ban, ngành, UBND phường Hàng Gai và đông đảo nhân dân trên địa bàn, du khách thập phương.
Sự kiện là hoạt động trọng điểm nằm trong Đề án "Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm", nhằm khôi phục những giá trị văn hóa lâu đời, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, đồng thời góp phần phát huy giá trị di sản phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Tọa lạc ở nơi giao nhau giữa ngõ Tạm Thương (phố Hàng Bông) và phố Yên Thái (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm), Đình Yên Thái là nơi thờ Hoàng thái hậu – Nguyên phi Ỷ Lan. Bà là Nguyên phi của vua Lý Thánh Tông và là mẹ của vua Lý Nhân Tông.
Trong hơn nửa thế kỷ (1063 - 1117) Nguyên phi Ỷ Lan có 2 lần buông rèm nhiếp chính (lần đầu là khi Vua Lý Thánh Tông đánh giặc phương Nam, lần thứ hai là khi Vua Lý Nhân Tông còn nhỏ tuổi).
![]() |
Ngày 16/1/1995, đình Yên Thái đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. |
Bà đã để lại những dấu ấn quan trọng trong Hoàng triều nhà Lý, giúp đất nước hưng thịnh, nhân tâm hoà hợp; được Vua khen ngợi, các quan trong triều khâm phục, nhân dân quý trọng.
Đình Yên Thái tên tự xưa là “Quán Đồng Thiên” (một trong tứ quán của Thăng Long xưa), nay gọi là “Yên Thái linh từ” luôn gắn liền với sự nghiệp to lớn của Hoàng thái hậu Ỷ Lan.
Ngày 16/1/1995, đình Yên Thái đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ban hành Quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh thông tin thêm, lễ hội là một hoạt động văn hóa truyền thống, có ý nghĩa, không chỉ của người dân phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, mà còn là niềm tự hào của Nhân dân Thủ đô, là dịp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, tri ân những công lao to lớn của Hoàng thái hậu Ỷ Lan”.
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi thức phóng sinh |
Theo sử sách để lại, ngày 25 tháng Bảy năm Đinh Dậu (1117), Nguyên phi Ỷ Lan mất, thi hài được hỏa táng theo nghi lễ nhà Phật.
Vua dâng tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu, táng ở Thọ lăng Thiên Đức (làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Đức Nguyên phi Ỷ Lan còn được người dân tôn làm Thành hoàng của làng Yên Thái, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ (nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) - là nơi bà sinh sống.
Một điểm nhấn trong lễ hội năm nay, UBND phường Hàng Gai phối hợp với họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhóm nghệ sĩ trẻ “Từ truyền thống tới truyền thống” tổ chức trưng bày triển lãm nghệ thuật “Sắc lụa”, tôn vinh giá trị nghề dệt lụa do công đức truyền dạy của Nguyên phi Ỷ Lan cho dân làng Yên Thái xưa kia.
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh và lãnh đạo phường Hàng Gai chụp ảnh lưu niệm cùng tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ngoài trời của hoạ sĩ Vũ Xuân Đông |
Họa sĩ Trần Thị Hội, sinh viên năm cuối ngành lụa (Khoa Hội họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), có tác phẩm được trưng bày tại triển lãm chia sẻ: “Tác phẩm “Duyên” khắc họa về hình ảnh của Hoàng thái hậu được thực hiện hoàn toàn bằng lụa thủ công. Mỗi đường tơ là một nét khắc họa tinh thần quốc mẫu - thông tuệ, bản lĩnh mà vẫn đầy dịu dàng.”.
Nổi bật trong không gian Đình Yên Thái là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ngoài trời của hoạ sĩ Vũ Xuân Đông, gắn với giếng cổ linh liêng được khơi mạch nguồn từ thời Vua Lý Thánh Tông cho xây Cung Động Tiên - nơi Nguyên phi Ỷ Lan hạ sinh Hoàng tử.
Đình Yên Thái ngày nay còn bảo lưu nhiều hiện vật quý như: bia đá, chuông đồng, kiệu gỗ, ngựa đá, hoành phi, câu đối, đại tự, các đồ khí tự và đặc biệt di tích còn bảo lưu được 10 đạo sắc quý sớm nhất là sắc phong Cảnh Hưng thứ 14 (năm 1753); các văn bản chữ Hán, chữ Nôm để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học lịch sử, mỹ thuật...

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại