Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến du lịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ TP Hà Nội |
Cơ hội để phục hồi và phát triển
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hoạt động du lịch đã có chuyển biến tích cực khi khách du lịch nội địa 2 tháng đầu năm nay đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, việc Chính phủ cho phép mở cửa hoạt động du lịch từ ngày 15-3 là điều kiện tốt để ngành du lịch triển khai các hoạt động, nhanh chóng phục hồi. Nếu không chớp thời cơ này, du lịch Việt Nam sẽ mất đi tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu đó. Theo bà Trần Thị Lan Anh, Việt Nam hiện là một trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước, vùng lãnh thổ và mở cửa du lịch. Ngoài ra, sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch còn có tầm quan trọng khác, đó là sẽ kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành kinh tế, dịch vụ khác như: Vận tải, lưu trú, hàng không, dịch vụ ăn uống... Vì thế, việc mở cửa ở thời điểm này là vô cùng quan trọng, là tin vui nhất của toàn ngành du lịch trong 2 năm qua, sau nhiều mong đợi, cố gắng để du lịch Việt Nam sớm bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thúc đẩy hoạt động du lịch dịch vụ
Theo Sở Du lịch Hà Nội, để thích ứng với việc mở cửa lại du lịch, Hà Nội - một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ, đồng hành, thúc đẩy hoạt động du lịch dịch vụ. Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó GĐ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, qua 2 năm dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế cũng như đời sống xã hội; trong đó, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Hà Nội đã hỗ trợ cho hơn 4.000 DN du lịch với kinh phí gần 15 tỷ đồng; miễn giảm tiền điện cho hơn 4.000 cơ sở lưu trú với kinh phí hơn 100 tỷ đồng, giảm tiền ký quỹ 80% với DN thành lập mới và 50% lệ phí thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên xu hướng đi du lịch của du khách đã thay đổi so với thói quen trước đây. Thay vì đi theo nhóm lớn, du khách hiện đi du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch tại chỗ, du lịch trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng. Trước tình hình đó, Hà Nội đã cùng với các DN hỗ trợ thúc đẩy các sản du lịch truyền thống và mở rộng sang các loại hình du lịch phù hợp với tình hình mới. Ví dụ tour du lịch đêm Hoàng Thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò; du lịch xe bus khám phá trung tâm thủ đô; đẩy mạnh các loại hình du lịch mới như du lịch mạo hiểm bằng khinh khí cầu...
Thực hiện chủ trương mở cửa, đón khách quốc tế cũng như phục hồi phát triển du lịch Hà Nội, xác định ngoài khách du lịch quốc tế, Hà Nội sẽ chú trọng tới khách du lịch nội địa bởi tiềm năng rất lớn với hơn 100 triệu dân. TP Hà Nội đã chủ trì cùng 12 địa phương tiến hành hội nghị "Kết nối hành lang du lịch an toàn" và giao cho công ty du lịch HaNoi Tourist triển khai các sản phẩm kết nối với các địa phương để thúc đẩy ngay du lịch an toàn cho người dân. Theo Phó GĐ Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, TP Hà Nội luôn đồng hành cùng các DN quảng bá, xúc tiến du lịch. Vào cuối tháng 3 này, Sở Du lịch có tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022” với chuỗi sự kiện hưởng ứng Năm du lịch quốc gia như lễ hội quà tặng, lễ hội áo dài, các sản phẩm hỗ trợ du lịch, phối hợp tổ chức loại hình du lịch khinh khí cầu tại vườn nhãn. “Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động trong lĩnh vực du lịch, để từ đó, nâng cao, thu hút nguồn lao động trở lại; triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch”, ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc mở cửa các hoạt động du lịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đòi hỏi ngành du lịch phải thay đổi để hướng đến sự thân thiện và an toàn cho du khách, người dân. Để đạt được mục tiêu này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín...); tiếp xúc nhiều nhóm người lạ khác nhau, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương. Do đó, một mặt cần khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm, mặt khác chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để đảm bảo thông tin xuyên suốt giữa các tour, thông tin về ca bệnh, phòng dịch trong du lịch. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại